Dòng sự kiện:
Ngân hàng sẵn sàng cho vay tín chấp nếu doanh nghiệp có dự án, dòng tiền hiệu quả
14/06/2024 15:20:34
Doanh nghiệp hoạt động tương đối tốt, có dự án, dòng tiền hiệu quả, có năng lực kinh doanh thì ngân hàng mới cho vay, kể cả với tín chấp. Ngược lại, ngân hàng khó cho vay dưới chuẩn.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) khó vay tín chấp?

Sáng 14/6/2024, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với NHNN TP.HCM tổ chức Hội nghị Đối thoại giữa doanh nghiệp và Chính quyền Thành phố nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư trên địa bàn, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn liên quan đến hoạt động tín dụng và quản lý ngoại hối trên địa bàn TP. HCM.

Tại Hội nghị, ông Đào Minh Chánh - Phó giám đốc ITPC cho biết, qua khảo sát ý kiến doanh nghiệp liên quan hoạt động ngân hàng từ ngày 24/5 - 13/6, ITPC đã tiếp nhận 215 ý kiến, trong đó 156 doanh nghiệp đã được ngân hàng hỗ trợ không có vướng mắc; 40 doanh nghiệp không có vay vốn ngân hàng; 14 doanh nghiệp đã được ngân hàng hỗ trợ.

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn gặp một số khó khăn liên quan đến hoạt động ngành ngân hàng như rút ngắn thời gian xét duyệt khoản cho vay, tăng hạn mức cho vay, tăng tỷ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo, giảm bớt thủ tục, hồ sơ vay vốn cho vay tín chấp; 5 doanh nghiệp không được ngân hàng hỗ trợ.

Cũng tại hội nghị sáng nay, đại diện Công ty Chế biến Thuỷ sản Khánh Trang (Tân Bình, TP.HCM) đưa ra kiến nghị rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp không thể duy trì hoạt động và phải đóng cửa.

Nguyên nhân, do đầu ra của sản phẩm còn hạn chế khi sức mua trên thị trường giảm, dẫn đến doanh nghiệp cạn nguồn tiền, tài sản thế chấp nên khó có thể tiếp cận vốn tín dụng. Phía doanh nghiệp đưa ra ý kiến, hiện các NHTM có những hình thức khác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay tín chấp trong bối cảnh hiện nay?

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN TP.HCM trả lời thắc mắc của doanh nghiệp tại Hội nghị Đối thoại giữa Doanh nghiệp và Chính quyền thành phố ngày 14/6/2024.

Trả lời kiến nghị này của doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN TP.HCM cho biết, hiện nay các NHTM cho vay cũng phải đảm bảo đúng quy định về điều kiện tín dụng cũng như các quy định khác để đảm bảo phòng ngừa rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Có nghĩa, ngân hàng không thể cho vay dưới chuẩn.

Tuy nhiên, đối với cho vay tín chấp lâu nay ngân hàng vẫn được phép. Theo ông Lệnh, đây là quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, đã được quy định tại Điều 7 Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 cũng như Điều 7 Luật các Tổ chức tín dụng vừa được ban hành ngày 18/1/2024 sắp có hiệu lực.

Vì thế, không có quy định NHTM không được cho vay tín chấp doanh nghiệp, cũng không có quy định cụ thể làm thế nào để được ngân hàng cho vay tín chấp.

Tuy nhiên, theo ông Lệnh, việc cho vay tín chấp tiềm ẩn rủi ro, nếu khoản vay mà khách hàng không trả được nợ thì NHTM bị mất vốn, đòi hỏi trích lập 100% dự phòng.

Ngân hàng cân đối rủi ro

Do đó, mỗi NHTM sẽ có đánh giá cụ thể về vấn đề này, đó chính là yếu tố niềm tin của ngân hàng đối với khách hàng, như khách hàng truyền thống của ngân hàng hay không; đánh giá khách hàng của ngân hàng như thế nào; Dòng tiền thu - chi của khách hàng có 100% qua sự quản lý của ngân hàng…

“Cho vay tín chấp và có tài sản đảm bảo chỉ là phương thức cho vay của ngân hàng, ngân hàng xem xét, thẩm định để lựa chọn phương thức cho vay phù hợp. Thêm nữa, doanh nghiệp phải hoạt động tương đối tốt, có dòng tiền hiệu quả, dự án có hiệu quả, có năng lực kinh doanh thì ngân hàng mới cho vay được”, ông Lệnh nói.

Ngân hàng sẵn sàng cho vay tín chấp nếu các SME hoạt động hiệu quả

Còn thực tế hiện nay, một số doanh nghiệp nhỏ và vừa khó khăn trong sổ sách, chứng từ để chứng minh cho ngân hàng, do đó ngân hàng khó cho vay tín chấp với những doanh nghiệp này. Để hỗ trợ cho doanh nghiệp, ngân hàng có thể linh hoạt cân nhắc lựa chọn phương án cho vay tín chấp hay thế chấp.

Cũng theo ông Lệnh, NHNN cũng đang chỉ đạo nâng cao khả năng tiếp cận vốn tài chính toàn diện. Ngành ngân hàng TPHCM đang tổng hợp danh sách khó khăn, trong 2 năm qua, ngân hàng TP.HCM đã xử lý hơn 1.000 trường hợp doanh nghiệp khó khăn về tiếp cận vốn, gửi sang Sở Công Thương, trên cơ sở đó, chỉ đạo các ngân hàng thương mại chỉ đạo từng trường hợp cụ thể xử lý.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp bất động sản khi nêu vấn đề gặp khó trong tiếp cận vốn có thể gặp trực tiếp 3 bên với NHNN. Doanh nghiệp kêu khó tiếp cận vốn thì phải định lượng được cụ thể khó về vấn đề nào, NHNN mới có thể hỗ trợ.

Về lãi suất, một số doanh nghiệp cho biết đang được vay vốn với lãi suất 5,5%/năm, ông Lệnh phản hồi mục tiêu của Chính phủ và NHNN luôn đảm bảo mức lãi suất hợp lý, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

NHNN vừa có văn bản gửi các tổ chức tín dụng; các chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu thực hiện một số giải pháp về tín dụng và lãi suất. Trong đó, nhà điều hành đề nghị các tổ chức tín dụng tiếp tục nỗ lực giảm lãi suất cho vay từ 1-2% nhờ vào việc tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay.

Theo công bố của NHNN, tính đến ngày 10/5, tăng trưởng tín dụng ở mức 1,95% so với thời điểm đầu năm. Ngành phấn đấu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến hết quý II/2024 ở mức 5- 6% theo chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.

Riêng đối với thắc mắc về Thông tư 02/2023/TT-NHNN, ông Lệnh cho hay, NHNN đang kiến nghị kéo dài Thông tư đến hết năm 2024 để hỗ trợ doanh nghiệp.

Thông tư 02 thực hiện việc hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn như khủng hoảng hay đại dịch. Trong dịch COVID-19, Thông tư đã hỗ trợ trên 1 triệu tỷ đồng cho các doanh nghiệp cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 1 triệu khách hàng. Đến nay, có 41.000 tỷ đồng dư nợ, cho 44.000 khách hàng được hỗ trợ bởi Thông tư 02.

Trả lời câu hỏi của doanh nghiệp về xu hướng biến động của tỷ giá trong nửa cuối năm 2024, Lệnh cho hay, điều hành tỷ giá và ổn định thị trường ngoại hối là một trong những mục tiêu quan trọng của NHNN.

NHNN luôn đảm bảo giữ ổn định trong điều hành tỷ giá, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nếu tỷ giá biến động, gây áp lực lớn đến lạm phát và cả cân đối kinh tế. Mỗi thời điểm, tỷ giá có thể biến động tăng giảm nhưng trong tầm kiểm soát của NHNN.

Tác giả: Thùy Vinh

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến