Dòng sự kiện:
Ngân hàng trực tuyến tìm cơ hội từ Covid-19
11/04/2020 14:37:06
Trong mùa dịch Covid-19, các hoạt động mua hàng qua mạng, thanh toán trực tuyến và ngân hàng trực tuyến đã tìm thấy cơ hội không chỉ để phát triển mà còn thay đổi thói quen của người tiêu dùng.

Các ngân hàng đều đang đẩy mạnh các chương trình kích thích khách hàng sử dụng ngân hàng trực tuyến. (Ảnh: ST)

Giao dịch trực tuyến bùng nổ, chi phí giảm hơn

Theo số liệu của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), sự chuyển biến tích cực của thị trường thương mại điện tử Việt Nam thời gian qua đã thúc đẩy các giao dịch qua Internet, di động tăng tới 238% về giá trị. Còn theo thống kê của Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), từ sau Tết Nguyên đán đến nay (tức là giai đoạn bắt đầu bùng phát dịch Covid-19), tổng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt xử lý qua hệ thống NAPAS tăng 76% so cùng kỳ năm 2019. Tổng giá trị giao dịch tăng 124% so với cùng kỳ năm 2019. Điều này cho thấy xu hướng dịch chuyển từ chi tiêu bằng tiền mặt sang sử dụng các kênh thanh toán không dùng tiền mặt.

Thực tế là khi dịch bệnh bùng phát, người dân cũng đã có ý thức và các cơ quan chức năng cũng đã phát đi cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm qua tiền mặt, cũng như việc tiếp xúc đông người tại các quầy giao dịch ngân hàng. Do đó, đây được coi là cơ hội vàng cho các ngân hàng thúc đẩy các giao dịch trực tuyến, thanh toán trực tuyến ở các ngân hàng số. Không những thế, nhằm chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng và người dân trong việc ứng phó với dịch Covid-19, sau khi NAPAS giảm phí dịch vụ chuyển mạch tài chính, các ngân hàng cũng liên tiếp miễn hoặc giảm phí chuyển tiền qua mạng cho khách. Thống kê cho thấy, hiện đã có 37 ngân hàng thực hiện chương trình miễn/giảm phí chuyển tiền liên ngân hàng giá trị nhỏ từ 500.000 đồng trở xuống. Tổng số tiền phí mà các ngân hàng giảm cho các khách hàng trong các lần giảm phí tháng 2 và tháng 3 vào khoảng 560 tỷ đồng. Theo NAPAS, điều này đã giúp tổng số lượng giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng giá trị nhỏ trong tháng 3 qua NAPAS tăng hơn 32% so với tháng 2.

Ngoài ra, các ngân hàng còn đưa ra nhiều giải pháp để khuyến khích người dân thực hiện các giao dịch trên ngân hàng điện tử. Tiêu biểu như tại BIDV, khách hàng mới đăng ký BIDV SmartBanking, BIDV Online được hoàn 100% phí giao dịch, khách hàng gửi tiền online được cộng thêm lãi suất 0,2%/năm tại tất cả các kỳ hạn. Ngân hàng VIB cũng miễn phí chuyển tiền nhanh liên ngân hàng đối với tất cả các giao dịch giá trị nhỏ, tặng thêm lãi suất 0,1%/năm cho khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến so với lãi suất gửi tại quầy ở hầu hết các kỳ hạn. Nam Á Bank, SHB, Sacombank miễn nhiều loại phí dịch vụ; OCB triển khai kênh vay vốn trực tuyến OCB SME E-Lending dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME); VietCapital Bank cũng ra mắt ứng dụng mobile banking dành cho khách hàng doanh nghiệp mang tên Viet Capital Biz để các doanh nhân có thể thực hiện các phê duyệt tài chính dù ở bất kỳ đâu…

Nói về vấn đề này, ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng giám đốc Nam Á Bank cho biết, với vai trò là dịch vụ chính yếu phục vụ khách hàng, Nam Á Bank liên tục triển khai các giải pháp tài chính tối ưu để đáp ứng và hỗ trợ khách hàng trong mùa dịch. Việc miễn phí chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7 cũng góp phần khuyến khích khách hàng giao dịch trực tuyến, hạn chế sử dụng, tiếp xúc với tiền mặt tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh. Đồng quan điểm, bà Nguyễn Ngọc Tú, Phó Giám đốc Ban Phát triển, BIDV cho hay, dự kiến qua các chương trình giảm phí, lượng giao dịch online sẽ tăng 3-4 lần so với năm 2019.

Thay đổi thói quen người tiêu dùng

Mặc dù đã có nhiều kết quả khả quan, nhưng số lượng khách hàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của nền kinh tế. 

Theo Vụ Thanh toán (NHNN), hiện nay, toàn hệ thống ngân hàng đã có trên 18.300 máy ATM, hơn 289.000 máy POS, 27 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, tốc độ tăng trưởng giá trị giao dịch hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng và hệ thống chuyển mạch đều đạt trên 30% thanh toán không dùng tiền mặt. Với số lượng này, theo các chuyên gia, ngành ngân hàng cần phải nỗ lực hơn để đáp ứng nhu cầu bởi số lượng người dân đông và địa bàn cũng rộng.

Đầu năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chiến lược đề ra mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; mỗi người trưởng thành có ít nhất một tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác vào năm 2030. Đồng thời, số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20-25% hàng năm.

Không những thế, ngoài thay đổi thói quen người tiêu dùng, nâng cao chất lượng dịch vụ, thanh toán trực tuyến, giao dịch ngân hàng trực tuyến còn vấp phải bài toán hệ thống hạ tầng kỹ thuật tài chính. Khi các hệ thống này chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn, chưa vươn đến vùng sâu, vùng xa. Số lượng các công ty công nghệ tài chính (Fintech) tuy nhiều, nhưng chỉ tập trung vào thanh toán tiêu dùng, chứ chưa phủ khắp các loại hình thanh toán, dịch vụ cao cấp khác…

Do đó, về lâu dài, sự thay đổi này cần nhiều giải pháp hơn để tạo sự bền vững. Theo đó, các cơ quan quản lý phải tạo điều kiện bằng các hành lang pháp lý, các định hướng chiến lược để ngân hàng phát triển sâu hơn dịch vụ ngân hàng số, tạo điều kiện cho các công ty công nghệ tài chính có thể tham gia và cùng đưa ra giải pháp thúc đẩy chi tiêu không dùng tiền mặt. Vụ Thanh toán (NHNN) cũng cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế thanh toán bằng tiền mặt phù hợp với thông lệ quốc tế; xây dựng, hoàn thiện và nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia (thanh toán điện tử liên ngân hàng, thanh toán bù trừ điện tử, chuyển mạch thẻ) làm nền tảng kết nối tới các ngân hàng và tạo cơ sở để triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền đến người dân...

Lực cản lớn nhất của việc phát triển các dịch vụ ngân hàng trực tuyến, thanh toán trực tuyến là thay đổi thói quen, hành vi người dùng. Điều này cần đầu tư không chỉ về chi phí mà cả về thời gian. Covid-19 có thể là cơ hội lớn để người dân càng hiểu hơn vai trò và ý nghĩa của các giao dịch trực tuyến.
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến