Ngành công nghiệp thực phẩm – đồ uống Thái Lan: Góc nhìn từ một chuyến đi
07/03/2015 11:18:53
Hầu hết các phụ phẩm trong quá trình thu hoạch là thân cây ngô, lõi ngô đều được tận dụng triệt để, thêm phụ gia để tạo thành viên nén hữu cơ làm chất đốt trong quá trình sản xuất….

Tin liên quan

Đầu năm mới 2015 vừa qua, trong khuôn khổ Chương trình Fi Asia Journalist Program dành cho các nhà báo châu Á do Tập đoàn UBM Asia tổ chức, chúng tôi có dịp trở lại đất nước Thái Lan để tham quan, tìm hiểu về sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất thực phẩm – đồ uống nơi đây. Trong khoảng thời gian hạn hẹp của chuyến đi, tuy không thể đánh giá hết về sự phát triển của ngành công nghiệp này, nhưng những bài học kinh nghiệm hay mà chúng tôi tìm hiểu được ở đất nước bạn cũng không ít. Đó không chỉ là kinh nghiệm quản lý sản xuất, kinh doanh mà còn là nét văn hóa doanh nghiệp đặc trưng ở đất nước này.

Doanh nghiệp đầu tiên mà chúng tôi đến thăm là Nhà máy Sunsweet, chuyên sản xuất các sản phẩm từ ngô, có trụ sở tại khu Sanpatong (phía Bắc Thái Lan). Tuy chỉ là một nhà máy “cấp tỉnh” nhưng Sunsweet có quy mô khá lớn. Tại đây, đặc sản ngô Thái được chế biến thành các sản phẩm nước uống, thực phẩm ăn nhanh với đa dạng chủng loại: từ ngô tách hạt sấy khô, đóng túi nguyên bắp, sữa ngô… xuất khẩu đi khắp thế giới. Nét nổi bật tại nhà máy này là hầu hết các phụ phẩm trong quá trình thu hoạch là thân cây ngô, lõi ngô đều được tận dụng triệt để, thêm phụ gia để tạo thành viên nén hữu cơ làm chất đốt trong quá trình sản xuất. Điều này góp phần tạo nên mô hình nhà máy thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng tối đa.

Từ lâu, Thái Lan đã được biết tới là đất nước của các loài hoa và cây ăn quả cận nhiệt đới. Khí hậu nóng ẩm giúp cho các loài thực vật nơi đây luôn xanh tốt quanh năm. Đó cũng chính là môi trường thuận lợi cho nghề nuôi ong và ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm từ ong phát triển mạnh. Công ty Bee products Co.Ltd ở khu Mueang Lampoon là một trong số các địa chỉ như thế. Tại đây, rất nhiều trang trại nuôi ong được Công ty xây dựng, tận thu nguồn mật hoa từ các nhà vườn trồng nhãn và nhiều loài cây ăn quả khác. Ngoài sản phẩm chính là mật ong nguyên chất, Công ty cũng cung cấp các sản phẩm sữa ong chúa, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và đồ uống làm từ mật ong.

doan-nha-bao-chau-a-tham-quan-nganh-do-uong-thai-lan

Đoàn Nhà báo châu Á tham quan Nhà máy sữa tươi Fresh Milk Chiangmai

toan-canh-day-chuyen-che-bien-ngo

Toàn cảnh dây chuyền chế biến ngô tại Nhà máy Sunsweet

nha-kho-luu-tru

Lãnh đạo Công ty chế biến mật ong Bee products Co.Ltd đang giới thiệu về nhà kho lưu trữ với đoàn công tác

lanh-dao-va-nhan-vien-tra-loi-phong-van

Lãnh đạo và nhân viên Nhà máy Sunsweet luôn đứng khi trả lời phỏng vấn của các nhà báo

Doanh nghiệp có quy mô lớn nhất trong chuyến tham quan này của chúng tôi là Công ty thực phẩm Premium Food, có trụ sở tại khu Sansai Chiangmai. Tại đây, hầu như các loại rau, củ, quả, cây hương liệu có mặt tại Thái Lan đều được chế biến thành các sản phẩm sấy khô, đông lạnh, súp, bánh… phục vụ cho các thị trường Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, châu Âu. Từ các loại củ hành, gừng, tỏi, khoai đến rau húng, mùi tàu, quế, ớt, sả… đều có thể trở thành nguyên liệu để tạo nên những sản phẩm hết sức độc đáo.

Điểm đến cuối cùng trong hành trình của chúng tôi là Nhà máy sữa tươi Fresh Milk Chiangmai, có quy mô thuộc loại trung bình nếu so sánh với các nhà máy sữa tại Việt Nam. Tuy nhiên, điểm đặc biệt là hầu hết các sản phẩm sữa tươi tại đây đều được sản xuất phục vụ cho chương trình sữa học đường của Thái Lan. Theo đó, học sinh tiểu học được Nhà nước trợ cấp sữa trong suốt quá trình học tập tại trường. Nguồn sữa tươi quý giá này góp phần nâng cao thể chất và trí tuệ cho trẻ em ở đất nước này.

Qua chuyến tham quan, chúng tôi thấy rằng điều khác biệt dễ nhận ra nhất tại các doanh nghiệp chế biến thực phẩm – đồ uống Thái Lan so với doanh nghiệp Việt Nam là mô hình sản xuất ở Nhà máy được tổ chức khá quy củ, mang tính chất công nghiệp. Dù chỉ chế biến các mặt hàng nông sản nhưng quy mô sản xuất đều khá lớn, không mang tính thủ công, tự phát. Từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra đều do doanh nghiệp chủ động phối hợp với nông dân, đơn vị vận tải và khách hàng, tạo thành một chuỗi khép kín, liên hoàn nhịp nhàng. Việc phối kết hợp Nhà nước -  Doanh nghiệp - Nông dân được thực hiện nhuần nhuyễn, tránh tình trạng “được mùa mất giá” cho nông dân, doanh nghiệp không lo thừa, thiếu nguyên liệu, giữ chữ tín đầu ra với khách hàng. Người nông dân được doanh nghiệp đào tạo, tập huấn về chuyên môn, kỹ thuật, trở thành những “công nhân trên đồng ruộng”. Chuỗi sản phẩm từ trang trại đến bàn ăn được kiểm soát tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh.

Một điểm nhấn cũng rất đáng học hỏi là văn hóa doanh nghiệp ở nơi đây, thể hiện qua những hành động rất nhỏ như: Toàn thể ban lãnh đạo cũng như nhân viên công ty luôn đứng khi trả lời phỏng vấn, xếp hàng trước cửa chào tiễn khách cho đến khi đoàn xe đi khuất… Dù chỉ là tiểu tiết nhưng làm cho khách đến thăm có thêm thiện cảm với doanh nghiệp.

Quang Xuân (Theo vba.com.vn)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến