Ảnh minh họa.
Tính đến hết ngày 26/7/2021 đã có 385/1738 doanh nghiệp niêm yết trên ba sàn HOSE, HNX và UPCoM (chiếm 33% vốn hóa toàn thị trường) công bố kết quả kinh doanh chính thức hoặc ước tính cho quý 2/2021. Trong đó bao gồm 16 ngân hàng và 347 doanh nghiệp khối phi tài chính.
Nhóm phân phối xăng dầu và thép tăng mạnh
Doanh thu thuần quý 2/2021 của 347 doanh nghiệp tăng 35,4% so với cùng kỳ năm 2020 trong khi lợi nhuận sau thuế duy trì tăng cao hơn, tăng 86,2% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do biên lợi nhuận cải thiện tại các ngành hưởng lợi từ giá cả hàng hóa tăng cao do “đứt gãy” chuỗi cung ứng tạm thời.
Như vậy, so với quý 1, doanh thu thuần và lợi nhuận quý 2 tăng trưởng với tốc độ không quá chênh lệch, lần lượt là 14,7% và 20%.
Theo phân tích từ FiinGroup, đóng góp gần 40% doanh thu và lợi nhuận sau thuế của 347 doanh nghiệp phi tài chính này, nhóm phân phối xăng dầu, khí đốt và thép duy trì tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong quý 2, lần lượt là 4243% và 592% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ giá dầu, khí và thép tăng cao hơn là nhờ gia tăng sản lượng bán.
Cụ thể, tại nhóm phân phối xăng dầu và khí đốt, tăng trưởng đến từ PV Gas (GAS) và Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Với GAS, sản lượng sản xuất và tiêu thụ khí của GAS giảm 10% so với cùng kỳ nhưng giá LPG tăng đã giúp lợi nhuận sau thuế của GAS tăng 22,8%.
Trong khi đó, BSR ghi nhận lãi gần 1,5 nghìn tỷ trong quý 2 (so với mức lỗ 1,9 nghìn tỷ đồng cùng kỳ năm 2020) nhờ giá dầu tăng giúp tránh trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho và tiêu thụ trong nước hồi phục.
Tại nhóm thép, doanh thu của 13/48 doanh nghiệp (chiếm 12,4% vốn hóa ngành) tăng 85% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế tăng mạnh hơn, tăng tớ 592% nhờ biên lợi nhuận tăng gấp 3 lần, đạt 12%.
Đáng chú ý, Thép Nam Kim (NKG) với lợi nhuận sau thuế tăng gần 50 lần so với cùng kỳ dù doanh thu chỉ tăng 3 lần. Các ông lớn như Hòa Phát (HPG) và Thép Việt Nam (TVN) chưa công bố báo cáo tài chính quý 2 nhưng đây là xu hướng chung đối với các doanh nghiệp ngành thép và là yếu tố giúp cổ phiếu thép thăng hoa trong quý 2 vừa qua với mức tăng giá gần 46%.
Tuy nhiên, các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng cho doanh nghiệp ngành thép hiện không còn mạnh mẽ như giai đoạn nửa đầu năm khi mà giá thép trong nước dần hạ nhiệt kể từ cuối tháng 5, sản lượng thép tiêu thụ giảm do quý 3 là quý thấp điểm đối với hoạt động xây dựng và dịch Covid-19 đang bùng phát trên diện rộng. Điều này khiến cổ phiếu thép không còn nhiều hấp dẫn về triển vọng lợi nhuận trong giai đoạn hiện nay.
Ngành mang tính 'phòng thủ' phân hóa mạnh
Nhóm nghiên cứu tại FiinGroup cũng cho biết, đóng góp 22% vào tổng lợi nhuận sau thuế của 347 doanh nghiệp, nhưng các nhóm ngành mang tính “phòng thủ” (bao gồm công nghệ thông tin, điện, nước, dược phẩm) lại có sự phân hóa mạnh về tăng trưởng lợi nhuận trong quý 2 vừa qua.
Cụ thể, nhóm công nghệ thông tin có lợi nhuận sau thuế tăng 16,9% so với cùng kỳ, phần lớn đến từ FPT nhờ nhu cầu đầu tư công nghệ ở cả thị trường trong và ngoài nước không ngừng gia tăng. Lợi nhuận sau thuế và doanh thu thuần quý 2/2021 của FPT ước tăng lần lượt là 23,2% và 17% so với cùng kỳ năm 2020.
Ngoài triển vọng kinh doanh tích cực, câu chuyện về kế hoạch thoái vốn nhà nước tại FPT đã giúp cổ phiếu FPT có mức tăng 6,5% kể từ đầu tháng 7 trong khi VN-Index và VN30 giảm lần lượt là 8,2% và 9,6%.
Ở nhóm điện, doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý 2/2021 của 22/44 doanh nghiệp điện (chiếm 68,3% vốn hóa ngành) giảm lần lượt là 5,9% và 5,7% so với cùng kỳ, chủ yếu do nhóm nhiệt điện (bao gồm KHP, PPC, HND) vì phải cạnh tranh gắt gao với nguồn điện năng lượng tái tạo (điện mặt trời và điện gió).
Ngược lại, thủy điện có sự hồi phục ngoạn mục về tăng trưởng lợi nhuận sau thuế, tang 81% so với cùng kỳ năm trước. Dẫn đầu là DNH, SHP, S4A.
Cập nhật kết quả kinh doanh theo ngành đến ngày 26/7/2021
Bên cạnh đó, FiinGroup còn đánh giá, thủy sản, gỗ và cảng biển là các ngành được hưởng lợi từ xu hướng tái mở cửa nền kinh tế sau Covid-19 tại Châu Âu và Mỹ.
Để hỗ trợ cho luận điểm này, FiinGroup dẫn chứng kết quả kinh doanh của các ngành. Với nhóm thủy sản, doanh thu của 11/41 doanh nghiệp (chiếm 43,8% vốn hóa ngành) tăng 36,6% so với cùng kỳ nhờ nhu cầu về tôm và cá tra phục hồi sau khi các thị trường xuất khẩu chủ lực (bao gồm Mỹ và Châu Âu) tái mở cửa nền kinh tế sau Covid-19.
Tuy nhiên, chi phí logistics tăng cao là trở ngại chung của các DN xuất khẩu thủy sản (bao gồm VHC và ANV), khiến biên lợi nhuận trước thuế và lãi vay (biên EBIT) của ngành chưa cải thiện về mức trước dịch. Riêng với FMC, biên EBIT quý 2 cải thiện mạnh nhờ hoàn nhập khoản chi phí thuế chống bán phá giá gần 30 tỷ đồng, giúp lợi nhuận sau thuế tăng 58,2% so với cùng kỳ.
Với nhóm cảng biển, mặc dù các doanh nghiệp đầu ngành như GMD, PHP và SGP chưa công bố báo cáo tài chính quý 2, nhưng kết quả kinh doanh từ 11 doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn (chiếm 20% vốn hóa ngành) cho thấy lợi nhuận nhóm này rất tích cực được hỗ trợ bởi tăng trưởng mạnh mẽ về sản lượng hàng hóa qua các cảng và giá cước biển ở mức cao.
Trong đó, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của 11 doanh nghiệp này tăng lần lượt là 82,7% và 11,5%, dẫn đầu là Cảng Quảng Ninh (CQN) với lợi nhuận sau thuế tăng 50,9% và Cảng Đồng Nai (PDN) với mức tăng 45,2%.
Cổ phiếu Cảng biển gần đây đã được thị trường chú ý đến với nhiều cổ phiếu tăng khá mạnh trong 2 tuần qua, bao gồm SGP tang 10,2%; ILB tang 15,6% và HAH tăng 9,7%.
Tác giả: Thủy Tiên
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy