Dòng sự kiện:
Ngược sông theo “dấu” những con tàu cơi nới “ăn hàng” gỗ dăm
21/08/2015 14:33:18
ANTT.VN – Trong khi Bộ Giao thông vận tải siết chặt kiểm soát tải trọng xe, xe cơi nới trên đường bộ – thì ngược lại- dưới những con sông- các phương tiện đường sông lại “nhởn nhơ” bỏ mặc các quy tắc để hoạt động hàng ngày.

Tin liên quan

Bất chấp các luật lệ, phớt lờ sự an toàn đường thủy, trên các con sông thuộc địa bàn tỉnh Phú Thọ - Vĩnh Phúc - Tuyên Quang, những chuyến tàu cơi nới chở gỗ dăm ngược xuôi trên dòng nước...

Tàu mang biển kiểm soát PT 1929 sau khi chất đầy hàng ở khu vực Đoan Hùng bắt đầu xuôi theo dòng sông Lô chở gỗ dăm về nơi tập kết.

Hành trình theo dấu những con tàu gỗ dăm

Cuộc hành trình của phóng viên bắt đầu từ một nguồn tin, tàu chở gỗ dăm có xuất phát xuôi theo dòng sông Hồng từ Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ đi qua cầu Việt Trì, cầu Vĩnh Thịnh đến Cầu Long Biên và qua cầu Đuống để xuôi dòng tập kết tại Quảng Ninh.

“Cú” lội ngược sông của chúng tôi cũng bắt đầu từ đó. Xuất phát từ Hà Nội, phóng viên ngược hướng Ba Vì về huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) trên con nước đục ngàu của dòng hạ lưu sông Đà. Mặc cho mây trời vần vũ chuyển mưa dông, nhưng tàu thuyền dưới sông vẫn nhộn nhịp qua lại.

Dọc bờ sông Đà, tại huyện Thanh thủy, xuất hiện “dấu vết” ban đầu với một xưởng khai thác cát và tập kết gỗ dăm  tại xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy. Theo chỉ dẫn của người dân, băng qua con đường lắt léo đến bến Minh Châu (Xã Minh Châu, Ba Vì), người bán vé đò tại bến này cho biết: “Tàu chở dăm gỗ qua đây nhiều lắm, lúc nào chả có nhưng tôi cũng không biết họ lấy dăm gỗ từ đâu”.

Bến đò Minh Châu là nơi hợp lưu của 3 con sông: Sông Đà, sông Hồng và sông Lô nên tàu thuyền hoạt động tại đây đến từ nhiều nơi khác nhau, chính vì thế việc tìm ra manh mối xuất phát điểm những con tàu chở đầy dăm gỗ không hề đơn giản.

Trong khi đang “dò” hướng thì từ thượng nguồn sông Hồng, con tàu  mang biển kiểm soát PT 1929 đang xuôi theo dòng sông đục ngàu phù sa với cơ man gỗ dăm được chống đống trên boong. Tiếp tục đến bến Phà Then (Vĩnh Phúc), chúng tôi tiếp tục hỏi người bán vé phà tại đây về những con tàu chở gỗ dăm, tuy nhiên cũng chỉ nhận được câu trả lời “không biết nó xuất phát từ đâu, chỉ thấy đi qua lại trên sông nhiều lắm chắc là từ Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang… xuôi về”.

Qua phà Then vượt sông Lô sang huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phúc bất ngờ chúng tôi bắt gặp tàu chở dăm gỗ đầy ắp mang biển kiểm soát NĐ 2069 đang “lặc lè” di chuyển về phía cầu Việt Trì. Và cũng từ đây, các địa điểm “ăn hàng” của tàu chở gỗ dăm bắt đầu lộ diện, khi những con tàu không tải tấp nập đổ về dọc bờ sông Lô, cập bến tại các địa chỉ của hai tỉnh Phú Thọ và Tuyên Quang “ăn hàng”…

Gỗ dăm được tập kết đầy trên các xưởng dọc sông trên địa bàn xã Hùng Long - Đoan Hùng - Phú Thọ

Lộ dấu nơi “ăn hàng”

Từ Sơn Dương, Tuyên Quang, phóng viên tìm đường về huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Đến xã Hùng Long, Đoan Hùng khi mặt trời dần khuất núi thì manh mối cung cấp gỗ dăm cũng hiện hữu rõ hơn. Dọc con đường ở xã Hùng Long, những mảnh gỗ dăm rơi vãi đầy hai bên đường.

Với lợi thế nằm ven sông Lô, tại thôn 8 (hay còn gọi là thôn Tiền Phong), xã Hùng Long, hai xưởng sản xuất gỗ dăm lớn hiện ra, trước tiên là xưởng gỗ dăm gỗ có tên “Vina Chip Tây Bắc”, trên biển hiệu còn ghi rõ “Điểm thu mua cây keo, dăm gỗ cân chuẩn, tiền tươi”, ngay cạnh đó là một doanh nghiệp có tên “Công ty TNHH chế biến gỗ và lâm sản Phú Thọ”, trên biển hiệu cũng ghi rõ “thu mua gỗ và dăm gỗ”.

Ngoài hai đại gia Vina Chip Tây Bắc  và Công ty TNHH chế biến gỗ và lâm sản Phú Thọ , xã Hùng Long cũng là nơi “đóng đô” của một loạt các doanh nghiệp thu mua và chế biến dăm gỗ như doanh nghiệp Hương Anh, Hiển Anh... Ghi nhận của phóng viên cho thấy, xã nghèo miền núi này tập trung từ 10 – 15 xưởng chế biến, thu mua gỗ và dăm gỗ với khối lượng lớn, từng đống gỗ, từng ụ gỗ dăm được chất cao ngất. Bên dưới sông là những con tàu được cơi nới bằng những cây cọc gỗ đang tích cực “ăn hàng”.

Bảng hiệu một doanh nghiệp thu mua gỗ, sản xuất gỗ dăm tại Phú Thọ

Theo điều tra của phóng viên, ngoài địa điểm sản xuất gỗ dăm ở Phú Thọ, Vina Chip Tây Bắc còn có nhiều điểm sản xuất gỗ dăm khác như ở bến sông Bôi (Hòa Bình)…

Tại một xưởng gỗ dăm thuộc xã Hùng Long (xưởng này không có biển hiệu), nhiều con tàu đang nằm chờ đến lượt đến bốc gỗ. Sau nhiều giờ đồng hồng chờ đợi, tàu vận tải thủy biển kiểm soát PT 1536 đã lấy đủ lượng gỗ dăm. Con tàu trọng tải lớn này đã phải cơi nới boong bằng những thanh gỗ, chăng lưới bên ngoài để gia cố thêm diện tích bốc hàng. Cách đó không xa là con tàu mang biển kiểm soát HD 1499 đang được băng chuyền chuyển dăm gỗ xuống boong tàu và cũng được cơi nới tương tự.

“Cô hàng xóm” của xã Hùng Long là xã Sóc Đăng cũng là địa điểm “trên bến dưới thuyền” với hàng trăm con tàu chở gỗ dăm cập bến mỗi ngày. Tại đây, các doanh nghiệp sản xuất, thu mua gỗ và dăm gỗ hầu như dọc kín bờ sông Lô, máy móc tấp nập hoạt động, tàu chở gỗ dăm, chở cát sỏi tập kết chật kín bờ sông.

Ông Bùi Văn Thái, người dân tại thôn 3, xã Hùng Long cho biết, các doanh nghiệp sản xuất, thu mua dăm gỗ về đây được khoảng 1 – 2 năm rồi. “Tôi cũng không rõ họ từ đâu đến đây chứ hình như không phải doanh nghiệp ở địa phương”, ông Thái, nói.

Trong khi Bộ GTVT đã quyết tâm ngăn chặn xe quá khổ, quá tải lưu thông ở đường bộ, thì ngược lại, dưới đường sông, dường như các con tàu chở gỗ dăm bất chấp luật lệ lại chưa được cơ quan quản lý “đoái hoài”, bỏ mặc cho những chuyến hành trình đầy nguy hiểm.

Những con tàu bất chấp nguy hiểm, tập kết gỗ dăm xuôi theo sông Hồng, Sô Lô về đâu, mời bạn đọc tiếp tục theo dõi…

Thiên Di – Thủy Tiên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến