Khu đô thị mới Thủ Thiêm: Đại gia vô danh làm siêu đô thị
22/10/2014 08:42:37
ANTT.VN - Thế chân Vinaconex thực hiện xây dựng cầu Thủ Thiêm, những dự án đối ứng mà Tp. Hồ Chí Minh trao tay cho Công ty Đại Quang Minh tiếp quản được kỳ vọng sẽ là thần dược để vực dậy niềm tin ở những người dân đã trao quyền sử dụng đất cho chính quyền địa phương.

Tin liên quan

 
Hơn 10 năm sau ngày khu đô thị mới Thủ Thiêm được quy hoạch là trung tâm hành chính của thành phố Hồ Chí Minh, hàng triệu người dân đều kì vọng một hình ảnh hiện đại, văn minh mà các chủ đầu tư bất động sản vẽ ra. Hàng loạt ông chủ địa ốc chia nhau miếng bánh quỹ đất lên đến 657 ha, hứa hẹn xây dựng các dự án tầm cỡ với vốn đâu tư lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng,  xây dựng khu đô thị đảm bảo các chức năng chính là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp của thành phố, khu vực và có vị trí quốc tế, là trung tâm văn hóa, nghỉ ngơi, giải trí.

Đánh thức “công chúa ngủ say”

Trong đó, đặc biệt là khu biệt thự thuộc dự án Đại Quang Minh thuộc khu chức năng số 5, nằm ngay trung tâm Thủ Thiêm, cách hầm khoảng 550m là dự án thấp tầng duy nhất, hứa hẹn sẽ là đô thị hiện đại nhất Sài Gòn.

Bắt đầu từ giữa năm 2011, dự án dân cư 37 ha của công ty Đại Quang Minh được UBND thành phố chấp thuận, ký quỹ số tiền 888 tỷ đồng. Thế những gần 2 năm sau, đến ngày 21/1/2013, những thủ tục hành chính về việc giao đất thực hiện mới được hoàn tất. Với tổng diện tích được bàn giao là 371.525 m2 thuộc phường An Lợi Đông, quận 2, dự án bao gồm nhà 1.131 căn biệt thự, và các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng (trường học văn hóa, công viên, cây xanh, đường giao thông…)

Phối cảnh tổng thể của dự án Đại Quang Minh

Trong những năm qua, do tình hình kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp không mặn mà trong đầu tư xây dựng dẫn đến nhiều dự án trong khu đô thị Thủ Thiêm bị đắp chiếu nằm im. Tránh tình trạng “công chúa ngủ say” kéo dài, TP.HCM đã có chủ trương giao cho một số đơn vị khác thực hiện việc đánh thức, vực dậy các dự án. Theo đó, các dự án bị đóng băng dần được thay máu chủ đầu tư, và nổi bật là đại gia bất động sản Đại Quang Minh.

Tháng 6/2013 khi VIDIFI chính thức rút khỏi 4 dự án tuyến đường vào trung tâm dự án Thủ Thiêm với lý do tập trung vốn cho dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, thì từ đó Công ty Cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh đã thay thế, và xuất hiện. Theo tính toán của chủ đầu tư, để hoàn thành 4 tuyến đường này cần khoản kinh phí lên đến khoảng 12.000 tỷ đồng. Ngày 26/4 vừa qua, dự án này cũng đã chính thức được khởi công xây dựng.

Với kế hoạch đầu tư vào 4 tuyến đường vào trung tâm Thủ Thiêm, UBND TP Hồ Chí Minh đã không để Đại Quang Minh chịu thiệt thòi, quyền khai thác 4 khu đất II, IIA, III, IIIA nghiễm nhiên về tay đại gia này, giá trị quyền sử dụng là 12.490 tỷ đồng. Nếu tính cả chi phí lãi vay, trượt giá, thì chủ đầu tư phải chi số tiền lên đến 16.407 tỷ đồng.

Mới đây, vào đầu tháng 6/2014, Đại Quang Minh lại được UBND TP.HCM giao thực hiện dự án cầu Thủ Thiêm 2 theo hình thức hợp đồng BT thay cho Vinaconex. Được biết, tổng mức đầu tư cây cầu này là 2.300 tỷ đồng. Trước đó, khoảng năm 2009, UBND TP đã giao Vinaconex nghiên cứu đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 2, nhưng đến nay công trình vẫn chưa được xác định thời gian xây dựng.

Đổi lại, Ban quản lý đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm thẩm định giá trị quyền sử dụng đất của 11 lô đất trong khu đô thị Thủ Thiêm (theo giá thị trường) để lấy làm cơ sở đàm phán hợp đồng BT với Công ty Đại Quang Minh. Cầu Thủ Thiêm 2 dự kiến có điểm đầu nối với đường Tôn Đức Thắng, quận 1 (gần nhà máy Ba Son) bắc qua sông Sài Gòn để nối với khu đô thị mới Thủ Thiêm. Phương án thiết kế mới cũng nâng từ 4 làn xe lên thành 6 làn xe chạy, tốc độ thiết kế tối đa 80km/h.

Cầu Thủ Thiêm 2 tăng cường giao thông cho Thủ Thiêm và trung tâm Sài Gòn

Mọi thứ đều có giá của nó, nhưng so với sự e dè của các nhà đầu tư khi rót vốn vào Thủ Thiêm hiện nay, thì những quyết định dự án mà Đại Quang Minh tiếp quản chắc chắn là thần dược để vực dậy niềm tin ở những người dân đã quyết định trao quyền sử dụng đất cho chính quyền địa phương.

Những ông chủ bí ẩn

Công ty Đại Quang Minh có vốn điều lệ 4.200 tỷ đồng, trong đó, cá nhân ông Trần Đăng Khoa nắm 17,5% vốn điều lệ; CTCP Đầu tư Mai Linh nắm 37,5% và CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) nắm 45%. Cả ông Trần Bá Dương và Trần Đăng Khoa đều là những đại gia khá kín tiếng trên thị trường bất động sản.

Ngoài hoạt động sản xuất và kinh doanh ô tô, Trường Hải còn tham gia vào lĩnh vực đầu tư và xây dựng địa ốc. Thậm chí, doanh nghiệp này còn rất lấy làm tin tưởng khi cho rằng “đây cũng chính là hướng phát triển mới của Thaco, tham gia thử nghiệm kinh doanh địa ốc, từng bước thực hiện chiến lược phát triển Thaco thành tập đoàn đa ngành nghề mang tầm khu vực ASEAN”.

Báo cáo tài chính năm 2012 của Thaco, ông Trần Bá Dương đã chi “cực đậm” cho “hướng phát triển” này. Năm 2012, trong khi thị trường bất động sản đang hấp hối, giá nhà đất rơi tự do chưa biết khi nào hồi phục, Thaco đã chi ra 909 tỷ đồng để sở hữu 30% CP Đại Quang Minh, 1.102 tỷ mua CP của công ty CP Đầu tư Mai Linh - chủ đầu tư dự án Golden Palace trên đường Mễ Trì, Hà Nội. Động tác bắt đáy thị trường này gây nhiều sửng sốt cho nhà đầu tư trong ngành.

Ông vua thị trường ô tô Trần Bá Dương đầu tư mạnh tay vào BĐS

Cái tên còn lại là ông Trần Đăng Khoa- thường được gọi là “Khoa Keangnam”, bởi ông tham gia khá sâu vào hoạt động mua bán, giao dịch tại một trong những dự án “hot” nhất thị trường Hà Nội thời điểm 2007-2009 trên vai trò trợ lý chủ tịch Công ty Keangnam Vina - chủ đầu tư khu Tổ hợp Keangnam Landmark Tower. Vợ ông Khoa- bà Nguyễn Thị Minh Hồng đã tạo nên cặp trai tài gái sắc trên thị trường địa ốc, khi vừa điều hành công ty CP đầu tư Mai Linh, vừa là chủ sở hữu của công ty Cp đầu tư Hồng Ngân.

Ông Trần Đăng Khoa là người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực bất động sản nhưng khá kín tiếng, những dự án đầu tư khủng người ta chỉ biết đến sau khi đi vào hoạt động.

Hoa Liên
 
 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến