Dòng sự kiện:
Người vay vốn tự trả nợ tăng đột biến
26/12/2018 19:01:10
Việc khách hàng chủ động trả nợ tăng cao trong thời gian qua cho thấy ý thức, nhận thức của khách hàng vay nợ đã được nâng cao.

Ngày 25/12, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh dẫn đầu đoàn Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và các vụ, cục chức năng của NHNN làm việc với hệ thống ngân hàng TP HCM.

Tự trả nợ chiếm gần 50%

Theo số liệu thống kê của Cục Thanh tra giám sát ngân hàng TP HCM, kế từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD có hiệu lực (15/8/2017) đến nay, hệ thống ngân hàng TP.HCM đã xử lý được trên 36 ngàn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, khách hàng vay vốn tự trả nợ ngân hàng chiếm đến 49%; 34% xử lý bằng dự phòng rủi ro; số còn lại được xử lý bằng các hình thức khác như bán nợ xấu cho VAMC…

Nợ xấu đã được giải quyết cơ bản nhưng vẫn còn một số TCTD có nợ xấu cao

Việc khách hàng chủ động trả nợ tăng cao trong thời gian qua cho thấy ý thức, nhận thức của khách hàng vay nợ đã được nâng cao. Bên cạnh đó, theo lãnh đạo các TCTD ở TP HCM, một phần cũng nhờ kinh tế tăng trưởng tốt, thị trường bất động sản và thị trường hàng hóa trong hơn một năm qua có những bước phục hồi quan trọng đã tạo điều kiện quan trọng cho người vay vốn chủ động trả nợ vay ngân hàng.

Theo giới chuyên gia, “linh hồn” của Nghị quyết 42 là việc thu giữ và bán tài sản bảo đảm để thu hồi nợ vay - một giải pháp hữu hiệu để đánh tan “cục máu đông” nợ xấu trong nền kinh tế. Theo đó, quyền chủ nợ được khẳng định và bảo vệ thông qua các quy định rõ ràng về quyền thu giữ tài sản của các TCTD, VAMC, quyền ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho TCTD, VAMC khi xử lý tài sản bảo đảm của khách hàng, bên bảo đảm để thu hồi nợ.

Thế nhưng, sau hơn 1 năm triển khai trên thực tế, việc xử lý nợ xấu vẫn còn gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn Nghị quyết 42 cho phép TCTD và VAMC được quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, điều kiện lớn nhất để TCTD, VAMC có quyền thu giữ tài sản bảo đảm là tại Hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho TCTD có quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Do vậy, nếu Hợp đồng bảo đảm không thỏa thuận cụ thể về quyền thu giữ hoặc có thỏa thuận những nội dung không rõ ràng có thể gây bất lợi cho TCTD trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng để thực hiện quyền lợi của mình. Bên cạnh đó chưa có hướng dẫn cụ thể về xử lý được các BĐS là dự án còn dở dang. Việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp theo Điều 8 Nghị quyết 42 cũng có thể không phát huy được nếu bên có nghĩa vụ trả nợ/chủ tài sản/bên bảo đảm không hợp tác, chống đối…

Bởi vậy, theo các TCTD nếu một khoản nợ xấu được mang ra tòa án thì yên tâm về mặt pháp lý nhưng quy trình tố tụng mất rất nhiều thời gian. Vì vậy giải pháp được nhiều TCTD ưa dùng nhất là thuyết phục khách hàng trả nợ. Và chỉ khi hết phương cách, các TCTD mới sử dụng đến biện pháp xử lý bằng dự phòng rủi ro.

TP HCM nên có Ban chỉ đạo xử lý nợ xấu

Theo số liệu thống kê của NHNN chi nhánh TP HCM, tính đến hết tháng 9/2018 nợ xấu của các TCTD trên địa bàn đã giảm xuống 2,9% trên tổng dư nợ, thấp hơn so với tỷ lệ nợ xấu 3,17% ở thời điểm cuối năm 2017. Tuy nhiên cũng có một thực tế, hiện trên địa bàn TP HCM đang có “3 ngân hàng không đồng” và DongA Bank đang trong quá trình tái cơ cấu nên tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn so với tổng nợ xấu trong toàn hệ thống ngân hàng vẫn còn cao. Trong khi đó, quá trình thi hành án đối với các bản án liên quan đến các tranh chấp trong hoạt động ngân hàng tại TP.HCM vẫn còn tồn đọng hơn 20 ngàn tỷ đồng mà các TCTD chưa thể thu hồi nợ.

Vì vậy các TCTD mong muốn trong quá trình thực hiện Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu cần có sự chỉ đạo từ cấp cao nhất đối với các cơ quan thuộc hệ thống tư pháp (công an, tòa án, thi hành án) để đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ nhằm đạt được mục tiêu đưa nợ xấu bao gồm cả nội bảng và ngoại bảng trong hệ thống ngân hàng về dưới 3% tổng dư nợ theo Nghị quyết Quốc hội vào năm 2020.

Ghi nhận những nỗ lực của hệ thống ngân hàng TP HCM trong việc xử lý nợ xấu theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt là việc khách hàng tự trả nợ, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, điều này không chỉ thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật của người dân rất cao khi tỷ lệ khách hàng tự trả nợ vay cho ngân hàng tăng đột biến, mà còn có hiệu ứng lan tỏa đến tâm lý người vay vốn có chủ động trả nợ.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cũng chỉ ra vẫn còn có những TCTD xử lý nợ xấu chưa tốt, dẫn đến nợ xấu phát sinh trong năm 2018 làm ảnh hưởng đến kết quả toàn địa bàn. Trong khi TP HCM là một thị trường lớn nên kết quả xử lý nợ xấu của thành phố sẽ tác động rất lớn đến chỉ số chung của toàn hệ thống.

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa tiến trình xử lý nợ xấu trên địa bàn, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh đề nghị NHNN chi nhánh TP HCM thành lập một ban chỉ đạo xử lý nợ xấu, đồng thời xây dựng quy chế làm việc cụ thể và lên chương trình làm việc rõ ràng, giao chỉ tiêu cụ thể cho các TCTD trên địa bàn. Theo đó, sau một thời gian mới có thể tạo ra những bước đột phá trong công tác xử lý nợ xấu bao gồm cả nợ xấu nội bảng, nợ xấu ngoại bảng (bao gồm các khoản nợ tiềm ẩn rủi ro, các khoản phải thu…).

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cũng dẫn ra cách làm quyết liệt của ACB trong việc xử lý nợ xấu như một ví dụ điển hình để các TCTD khác có thể noi theo. Đó là ACB đã phân loại 10 chi nhánh có tỷ lệ nợ xấu cao hơn mức 3% tổng dư nợ để có những hình thức kiểm soát chặt chẽ. Đồng thời có những hình thức thưởng phạt và giao chỉ tiêu cụ thể cho từng chi nhánh phải phấn đấu kéo nợ xấu xuống dưới 3%.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến