Dòng sự kiện:
Những bất thường vụ cưỡng chế ngôi nhà tiền tỉ sau ly hôn ở Sài Gòn
20/07/2015 09:40:06
Ngôi nhà khá bề thế, nằm mặt tiền, rộng 120m2 của đôi vợ chồng sau khi ly hôn đã xảy ra nhiều bất thường kỳ lạ.

Tin liên quan

Ông Phạm Tiến Cử trước ngôi nhà của mình sau khi bị cưỡng chế mà đến nay cửa vẫn khóa vì không có ai ở.

Thay vì cặp vợ chồng ly hôn tự thỏa thuận, giải quyết theo nguyên tắc tài sản chung theo Bộ Luật hôn nhân và Gia đình thì cơ quan thi hành án lại “nhúng tay” đem ngôi nhà ra phát mãi, thậm chí là cưỡng chế…, rồi để xảy ra những khuất tất đằng sau vụ ly hôn này.

Ly hôn theo luật

Sau 17 năm chung sống có 2 con chung, năm 2013, hai vợ chồng ông Phạm Tiến Cử (SN 1945) và bà Nguyễn Thị Thanh Thùy (SN 1962) ra tòa xin ly hôn với tài sản chung là căn nhà số T8, đường Hồng Lĩnh, phường 15, quận 10, TPHCM. Phán quyết của tòa phúc thẩm TAND TPHCM ngày 8.1.2014 tuyên cho bà Thùy có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền phát mãi căn nhà (là tài sản chung) để phân chia mỗi người được hưởng một nửa giá trị quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà.

Nhận thấy tòa án cho phép bà Thùy (bên vợ) được quyền đơn phương yêu cầu cơ quan thi hành án phát mãi căn nhà nói trên mà không có ý kiến chấp thuận của bên chồng là không đúng với Điều 59 Bộ luật Hôn nhân Gia đình cũng như Bộ luật Dân sự về quyền cơ bản định đoạt tài sản của công dân, nên ông Cử có đơn gửi TAND Tối cao yêu cầu xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của ông.

Tuy nhiên, đùng một cái, vào tháng 3.2015, sau khi có đơn yêu cầu của bà Thùy, cơ quan thi hành án quận 10 đã tống đạt ngay quyết định thi hành án. "Tôi là chồng cũ và cũng có ½ quyền lợi trong căn nhà nên tôi từng đề nghị được ưu tiên xin mua lại ½ giá trị căn nhà theo thời giá thị trường để đưa tiền cho vợ cũ, nhưng Chi cục thi hành quận 10, TPHCM nhất mực không chịu với lý do là "bà Thùy không đồng ý" mà cứ đòi phải phát mãi rao bán căn nhà ra bên ngoài cho bằng được", ông Cử bức xúc.

Điều đáng nói, trước khi phát mãi, Hội đồng quy định giá tài sản TPHCM đã xác định giá trị căn nhà này là 7,3 tỉ đồng (tính tròn), trong khi đó, Chi cục thi hành án quận 10 tổ chức phiên đấu giá ngày 13.2 đưa ra mức chốt cuối cùng cho người mua trúng chỉ với giá 6,3 tỉ đồng. Nhận thấy phiên đấu giá này có dấu hiệu bất thường, người mua trúng giá thấp hơn giá trị thật được xác định ban đầu tới 2 tỉ đồng, nên ông Cử cương quyết "cố thủ" không chịu giao nhà.

Thế là, chưa đến 2 tháng sau, ngày 7.4, Chi cục thi hành quận 10 đã tiến hành tổ chức cưỡng chế "dọn sạch", "khóa cổng" căn nhà số T8, “đuổi” ông Cử cùng người thân ra khỏi chính căn nhà của mình đã từng ở và sinh hoạt từ mấy chục năm nay để bàn giao cho chủ mới nhằm lấy số tiền 6,3 tỉ đồng để giao chia đôi cho bà Thùy và ông Cử.

Chia tài sản không đúng luật?

Đến nay, sau 3 tháng trời, vẫn chưa thấy chủ mới tới nhận nhà. Khi phóng viên Báo Lao Động & Đời sống đi xác minh vụ việc theo phản ánh của ông Cử thì căn nhà ấy vẫn cửa đóng then cài, số tiền 6,3 tỉ đồng "trúng giá" hiện vẫn không rõ là có thật hay "ảo", nếu thật thì nó đang nằm ở đâu mà đến nay bản thân ông Cử cũng không hề nhận được thông báo từ Chi cục thi hành án quận 10. Trong khi đó, chính ông cũng không hay biết là ai là người trúng giá, số tiền ông nhận được từ 1/2 giá trị căn nhà nói trên là bao nhiêu?

Một người hàng xóm của ông Cử nói: "Sau khi ly hôn, mấy năm nay, vợ ông Cử bỏ đi nơi khác, ông sống với mấy đứa cháu. Đùng một cái, cơ quan thi hành án đến cưỡng chế mà mục đích chính là bán lấy tiền chia đều cho vợ chồng ông ấy. Theo tôi biết, căn nhà ấy đã có người đến hỏi mua giá 8,4 tỉ đồng, tại sao không để vợ chồng họ (ông Cử) giải quyết mà cơ quan thi hành án phải can thiệp phát mãi, cưỡng chế để làm gì cho rắc rối?".

Đúng là rắc rối, cực kỳ "khó hiểu", bởi căn nhà ấy không hề vi phạm an toàn lộ giới, chủ nhân của nó cũng không làm điều gì bất hợp phát, không phạm tội hình sự, cũng không thế chấp ngân hàng đến nỗi phải mang nợ để cơ quan thi hành án buộc yêu cầu phát mãi, sau đó rầm rộ cưỡng chế.

"Đến nay, tôi cũng không hiểu vì lý do gì vụ thi hành án hôn nhân tài sản chung của tôi lại không được bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Bởi bà Thùy chỉ được phép yêu cầu thi hành án phần tài sản của mình được chia thôi. Rõ ràng, danh dự của tôi chẳng những bị xúc phạm mà tài sản còn bị tổn thất. Tôi cho rằng, cơ quan thi hành án dân sự quận 10 đã thực hiện không đúng quy định của pháp luật về thi hành án, kể cả lách, lạm dụng luật vì mục đích chủ quan, cưỡng đoạt tài sản chung của tôi, không loại trừ có tiêu cực trong việc đấu giá tài sản chung, cưỡng chế, ép buộc phải giao nhà, đẩy tôi và gia đình con cháu tôi lâm vào bước đường cùng", ông Cử nói trong nước mắt.

"Cơ quan thi hành án quận 10 không cho ông Cử ưu tiên mua lại căn nhà của chính mình là tước quyền hạn của công dân theo luật định, đồng thời còn không tạo điều kiện cho ông này mua lại phần tài sản mà vợ cũ (bà Thùy) được chia là không đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân theo quy định tại Điều 5, Luật Thi hành án dân sự, Điều 74 của Luật thi hành án và Điều 15b Nghị định 125/2013/NĐ-CP ngày 14.10.2013 của Thủ tướng chính phủ".

"Ngày 10.6, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng đã có văn bản số 2737 gửi Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự yêu cầu xem xét lại đơn của ông Cử nêu về việc Chi cục thi hành án dân sự quận 10 đã tổ chức kê biên, bán đấu giá tài sản của gia đình ông nhưng không cho ông quyền được mua lại tài sản chung là không đúng với Quy định số 125/2013/NĐ-CP ngày 14.10.2013 của Chính phủ. Đặc biệt, quyết định giải quyết khiếu nại của Chi cục thi hành án dân sự quận 10 viện dẫn không đúng, áp đặt, gây thiệt hại cho gia đình ông".

Theo Laodong.com.vn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến