Lấy lại niềm tin
GS.TS. Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhận định, năm học 2019-2020, kế hoạch năm học từ phổ thông đến đại học, thi cử đều đã được ấn định cụ thể, nhưng sự xuất hiện của dịch COVID-19 làm đảo lộn tất cả. Công tác chuẩn bị cho đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, việc bồi dưỡng, tập huấn giáo viên về chương trình mới, chuẩn bị thay sách đều bị ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến năm học mới 2020-2021.
Trong bối cảnh đó, Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT, các cơ sở đào tạo đã ưu tiên hàng đầu việc sắp xếp lại lịch học để học sinh không đến trường nhưng cũng không bị dừng việc học. Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo rất sát việc này, trong đó có việc chuyển từ dạy trực tiếp sang dạy và học online để phù hợp với tình hình mới. Tổ chức hình thành các bài giảng điện tử để các cơ sở giáo dục chia sẻ với nhau.
Khó khăn lớn nhất lúc đó là tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây là bước chuyển từ kỳ thi THPT quốc gia sang thi tốt nghiệp THPT và giao trách nhiệm cho địa phương. Khó khăn nữa là có hai đợt thi. Vì dịch bệnh không thể lường trước được nên phải thích ứng dần trong mọi hoàn cảnh; tổ chức dạy và học trong mọi điều kiện có thể và chấp nhận sống chung với nó.
Với việc chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới thực hiện thay sách từ năm học 2020-2021, Bộ GD&ĐT đã tổ chức bồi dưỡng trực tuyến kết hợp trực tiếp. Thành công của ngành giáo dục trong năm qua có thể thấy đến từ 2 yếu tố: đội ngũ nhà giáo tâm huyết và tác động tích cực từ các cấp quản lý. Trong khó khăn do dịch bệnh, các trường đã thực hiện chuyển đổi số, trong đó mạnh mẽ nhất là khối đại học. Tự chủ của một số trường đại học cũng bắt đầu rõ nét hơn qua đợt thử thách dịch COVID-19 vừa qua. Đặc biệt, sau khi Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi) và nghị định hướng dẫn thực hiện luật đi vào thực tế, niềm tin của xã hội dành cho giáo dục bắt đầu trở lại.
Vượt qua áp lực
GS.TS. Nguyễn Văn Minh nhìn nhận: “Chúng ta đang đối diện với những đòi hỏi thực tiễn, đối mặt với rất nhiều khó khăn, cả hữu hình và vô hình, cả vật chất và tinh thần; phải chống chọi với những xâm thực để giữ gìn phẩm giá người thầy và chúng ta đang đau đáu vì những điều chúng ta chưa làm được. Nhưng chúng ta không thể bi quan, vì rằng chúng ta đang bắt đầu cho những thay đổi.
Tôi muốn bắt đầu từ những đứa trẻ và bắt đầu từ tình yêu thương. Và giáo dục chính là cầu nối cho việc hình thành một giá trị, một chuẩn mực xã hội hướng tới một mạch ngầm trong văn hóa của một dân tộc. Mạch ngầm đó chỉ thẩm thấu qua con đường giáo dục; và hơn nữa, sự va đập, sự bào mòn của các yếu tố xung khắc nếu không đủ bản lĩnh, nền tảng và điều kiện thì có khi giá trị, chuẩn mực bị lung lay và xói lở. Điều kiện này chỉ có thể đảm bảo nếu có một nền giáo dục tiến bộ và những người thầy chân chính.
Tôi cho rằng, có hai áp lực cực kỳ quan trọng đối với giáo viên. Đó là giữ được tình yêu nghề nghiệp. Thứ hai là giữ được ý thức công việc của mỗi giáo viên. Những áp lực bên ngoài nếu tự thân làm chủ được, có được tình yêu với trẻ thì cách hành xử của giáo viên sẽ khác. Nếu không từ những tác động ngoại cảnh đè lên, giáo viên sẽ không tìm ra được lối thoát, không tìm ra được cách giải quyết thì sẽ có những hành vi đi ngược lại với quan điểm giáo dục. Do đó, tôi quan tâm đến đạo đức nhà giáo, lòng yêu nghề”.
TS. Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTN-TNND của Quốc hội: Nhiều nỗ lực của thầy và trò
Năm 2020, đất nước chịu tác động và hậu quả rất lớn của dịch bệnh COVID-19 và thiên tai, đặc biệt là bão lũ. Ngành giáo dục cũng đi qua một năm học trong điều kiện đặc biệt chưa từng xảy ra, nhiều biến động, xáo trộn, ảnh hưởng lớn đến hoạt động dạy và học.
Trong hoàn cảnh đó, với phương châm “Tạm dừng đến trường, không dừng học”, bằng việc chuyển đổi mạnh sang những phương pháp, hình thức phù hợp như học trực tuyến, dạy học từ xa qua truyền hình, internet; điều chỉnh linh hoạt nội dung dạy học…, toàn ngành giáo dục đã có nhiều nỗ lực để hoàn thành chương trình năm học; cùng với việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thành 2 đợt cũng như kế hoạch tuyển sinh đại học, cao đẳng phù hợp với điều kiện dịch bệnh đã tạo sự yên tâm cho thí sinh, xã hội, bảo đảm quyền và cơ hội tiếp cận công bằng cho học sinh. Để có được kết quả đó, ngành giáo dục-đào tạo cùng với đội ngũ các thầy cô giáo đã có nhiều nỗ lực, vượt qua nhiều khó khăn để có thể vừa đảm bảo việc dạy và học cho hơn 23 triệu học sinh, sinh viên cả nước, vừa tham gia phòng, chống có hiệu quả dịch bệnh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nơi gặp nhiều khó khăn để có thể tổ chức dạy và học trực tuyến.
Mỗi người trong cuộc sống có thể lựa chọn cho mình quan điểm về hạnh phúc khác nhau, nhưng tôi nghĩ, đối với người thầy, hạnh phúc đó chính là sự hy sinh, cống hiến vì sự nghiệp trồng người, dìu dắt từng thế hệ học sinh để các em trưởng thành, góp phần thực hiện nhiệm vụ cao cả ươm trồng thế hệ tương lai - nguồn nhân lực quan trọng cho đất nước phát triển. Dù ở thành phố hay nông thôn hay hải đảo đều có hình ảnh của các thầy, cô tận tụy phục vụ cho lý tưởng cao cả đó, mang lại niềm tin, niềm vui và sự tin tưởng cho xã hội.
Có thể thấy, dù khó khăn hơn rất nhiều so với những năm học trước nhưng chất lượng giáo dục phổ thông vẫn được giữ vững; chất lượng giáo dục đại học được cải thiện rõ rệt, tự chủ đại học được thúc đẩy, tạo đột phá trong quản trị, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Chỉ số xếp hạng và số lượng các trường đại học của Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng các trường có chất lượng tốt, uy tín trong khu vực và thế giới tiếp tục được nâng lên.
Tác giả: Nghiêm Huê