Dòng sự kiện:
Những 'nữ thần' kể chuyện bị lạm dụng tình dục
02/12/2017 10:40:37
16 bức chân dung của 16 "nữ thần" mạnh mẽ vượt qua bạo lực, bị xâm hại và đang sống cuộc sống tích cực cùng những câu chuyện lắng đọng và ý nghĩa về cuộc đời của họ sẽ truyền cảm hứng cho người xem.

Tại Bảo tàng Phụ Nữ Việt Nam, không khí ấm áp của triển lãm “1001 chân dung Nữ thần” của họa sĩ Hiratsuka Niki kể về hành trình phá vỡ rào cản im lặng và phục hồi của 16 phụ nữ trải qua bạo lực tình dục đã khiến người xem quên bẵng đi cái giá lạnh của mùa đông.

Họa sĩ Hiratsuka Niki

Triển lãm được thực hiện với sự tài trợ của Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền phụ nữ (UN Women) và sự hỗ trợ kỹ thuật từ Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA).

Kể về hành trình thực hiện “1001 chân dung Nữ thần”, họa sĩ Hiratsuka Niki chia sẻ: “Khi mới tới Việt Nam vào cuối năm 2016, tôi hoàn toàn không nhận thức được những thử thách và trở ngại nằm ở phía trước. Tôi đã mang dự án của mình tới Việt Nam, nơi mà rất nhiều phụ nữ không dám dùng danh tính thật của mình để chia sẻ câu chuyện của họ về lạm dụng tình dục.

Dù vậy, tôi đã phát hiện ra những phụ nữ, từng người một, sẵn sàng để bước lên phía trước và đẩy lùi những rào cản, bất chấp tất cả mọi thứ. Hầu hết họ đều lo ngại cho sự an nguy của thế hệ trẻ tương lai tại Việt Nam. Sự che chở dành cho các em gái chỉ có thể được bảo đảm bằng nhận thức, giáo dục và hiểu biết sâu xa hơn về vấn đề này. Do đó, họ phá vỡ sự im lặng của mình”.

Cũng là người từng bị xâm hại tình dục, họa sĩ Hiratsuka Niki không đứng từ xa vẽ mà bước vào cuộc đời nhân vật nên 16 bức chân dung dưới bàn tay của chị sống động như cất thành lời. 16 câu chuyện của 16 người phụ nữ vùng đứng dậy từ bùn đen của lạm dụng tình dục được kể thủ thỉ tâm tình nhưng đầy sức lay động.

Bức chân dung nhân vật Trang Bùi

Cô gái Trang Bùi với khuôn mặt bầu bĩnh, phúc hậu, đôi mắt biết cười. Không ai có thể tưởng tượng rằng người con gái này đã từng phát điên vì bị lạm dụng tình dục: “Khi tôi đang học năm nhất đại học, tôi có bạn trai và một vài người bạn là con trai. Một người trong số đó là bạn của bạn trai tôi, tôi gọi là “anh trai” bởi vì bọn tôi thân với nhau. Cả ba ở cùng một câu lạc bộ nhảy và được chọn vào đội hình tham dự giải vô địch toàn quốc.

Khi chúng tôi vào Sài Gòn thi đấu, tôi bị ngất do lao lực. Tôi lập tức được đưa vào viện và được điều trị. Khi trở về chỗ nghỉ, tôi phải nằm trên giường cả ngày hôm sau để nghỉ ngơi. Ký ức tối hôm sau trống không do mọi người đều ra ngoài để ăn mừng thành công của cả đội trong cuộc thi. Nhưng, khoảng 2h sáng, tôi có cảm giác anh trai đi lên giường và sờ soạng ngực tôi. Lúc đó tôi mệt mỏi, mê sảng và tưởng rằng tôi nằm mơ. Tôi đẩy anh ra và bảo anh đi đi, nhưng anh chỉ dịch ra và ở nguyên trên giường. Tôi không biết tại sao mình giữ im lặng và anh lại làm cái việc đó. Lần thứ hai, tôi đẩy anh ra.

Đến sáng, khi có sức để đứng dậy, những sự kiện của buổi tối đó tái hiện lại trong tâm trí tôi. Cuối cùng, tôi cũng thấy được rằng chúng là thật. Tôi đã nghĩ: “Wow, cái việc ấy đã xảy ra và người đấy lại là anh trai mình”.

Có lẽ bởi vì anh là bạn tôi nên tôi không muốn ai biết về việc đó. Nhưng sau đấy tôi như lên cơn điên. Bạn tôi bảo rằng lần này tôi đã hơi mất kiểm soát. Không thể ngừng la hét mặc dù không ai hiểu được tôi nói gì. Tôi cảm thấy như vào thời điểm ấy có cái gì trong tôi tan vỡ.

Trải nghiệm đó ảnh hưởng rất nhiều đến tôi, nhưng tôi cảm thấy tốt hơn nhiều sau khi nói ra câu chuyện. Người đầu tiên bạn tìm tới có thể không phải lúc nào cũng là đúng người, nhưng khi nhận được sự phản ứng bạn cần, việc này thực sự là có ích”.

Người xem lặng người trước câu chuyện của những nạn nhân bị xâm hại tình dục

Chúng tôi bước tới cạnh bức chân dùng cô gái mặc bộ trang phục truyền thống của dân tộc Tày và đọc những dòng tâm sự của Nông Kể về vấp ngã đầu đời vì lỡ trao niềm tin cho một người đàn ông xa lạ: “Tôi sinh ra ở bản Phi Nhuan, Lào Cai. Tôi là người dân tộc Tày nhưng ở thành phố Lào Cai từ hồi học phổ thông và chuẩn bị vào đại học.

Năm ngoái, lúc tới ở TP Lào Cai, tôi thuê trọ suốt thời gian dài. Tôi có anh hàng xóm rất thích và quan tâm đến tôi. Chúng tôi bắt đầu thân nhau. Anh kể cho tôi là anh sinh năm 1995, có việc làm ổn định và rằng anh muốn làm bạn trai tôi.

Tôi đồng ý và chúng tôi hẹn hò trong một tháng. Khi tôi đã tin tưởng anh ấy, chúng tôi ngủ với nhau và sau đó anh thay đổi. Anh muốn quan hệ với tôi rất nhiều và cáu giận khi tôi không đồng ý. Tôi nhẫn nhịn vì tôi thực sự yêu anh.

Một hôm tôi giở ví và thấy chứng minh nhân dân của anh. Anh không sinh năm 1995 mà là 1988, anh đã có vợ và con gái. Khi tôi hỏi tại sao anh nói dối thì anh bảo tôi rằng tôi chỉ là bồ.

Tôi về quê và cắt đứt hoàn toàn với anh. Anh gọi nhiều lần nhưng tôi không bao giờ nghe máy. Từ hồi đó tôi nghe được rất nhiều người cũng có chuyện giống vậy xảy ra với họ và tình trạng này phổ biến ở Việt Nam ra sao. Đa số đàn ông Việt có vợ đẹp, có tiền thì cuối cùng đều đi ngoại tình cả.

Tôi được dạy từ chính câu chuyện của mình là phải cảnh giác hơn với những người tôi gặp. Đây là một bài học cho tôi, để tôi không bao giờ gặp gỡ và qua lại với những con người như thế một lần nữa”.

Bức chân dung Trang Nguyễn và câu chuyện của cô

Ấn tượng mạnh mẽ nhất với bức chân dung của Trang Nguyễn là đôi kính to dày, mái tóc ngắn cá tính và khuôn mặt đanh lại. Nhưng ẩn sau vẻ mạnh mẽ cố tỏ ra bên ngoài ấy là một vết thương không thể lành da suốt những năm tháng tuổi thơ: “Lúc đó tôi 8 tuổi. Tóc hung và ngắn như con trai. Tôi mặc một chiếc váy vàng, lấm tấm chấm xanh ở thân dưới, nom cũng đáng yêu.

Nhiều lần tôi nhớ lại và nghĩ về việc đời sống cá nhân bị ảnh hưởng như thế nào bởi chuyện đó. Tôi có cảm giác sợ hãi nếu bắt gặp một nhóm đàn ông lạ. Tôi khó chịu khi nghe người khác nói bộ phận trên cơ thể mình “ngon”, “chuẩn”. Tôi cảm thấy giống như bản thân lúc nào cũng có thể rơi vào tình huống ấy lần nữa. Ở thế bị động là điều rất đáng sợ đối với tôi.

Có lần, tôi đi ra biển với một chị bạn gái khá thân. Chúng tôi đi mua dầu gội đầu thì phải. Trên đường về, tôi nhìn thấy một nhóm đàn ông cởi trần đứng đó. Hai chị em đều đang mặc đồ ngắn nên tôi bảo chị đi đường khác. Chị ấy nói: “Sao? Em sợ à? Có gì mà phải sợ mấy thằng đó?”. Tôi cảm thấy bị tổn thương và đột nhiên lúc đó nhận ra vết thương lòng này là bởi ký ức lúc bé.

Năm ngoái, tôi phát hiện mình là song tính. Lúc biết, tôi vừa mừng vừa lo. Nhưng từ khi hiểu thêm về bản thân, tôi thấy con người mình trọn vẹn và đầy đủ hơn. Tôi coi những sang chấn tâm lý là một phần tâm hồn. Nó nhắc tôi nhớ rằng, phải yêu thương và chăm sóc bản thân cả trong những thời kỳ đen tối và khó khăn nhất.

Sự im lặng lúc đầu có thể dễ chịu, nhưng sau dần sẽ làm tê liệt cảm xúc, dể đến một lúc nào đó, tôi không còn cảm nhận thấy gì nữa. Khi tôi lựa chọn việc kể lại cho những người khác, mối liên kết sẽ xuất hiện và chữa lành những vết thương”.

Nhiều người xem đứng lặng nhìn một lần nữa bức chân dung của nhân vật sau khi đọc xong những dòng tâm sự gan ruột của họ, thậm chí còn rơm rớm nước mắt. Triển lãm chỉ vỏn vẹn 16 bức họa nhưng tiếng nói của nó thì vô cùng lớn lao.

Một số bức chân dung đi cùng những câu chuyện khác được trưng bày tại triển lãm:

Mạnh Long

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến