Nợ công lớn không có nghĩa dừng đầu tư
27/10/2014 10:51:54
"Chúng ta đã thấy, hiện nợ công đã quá lớn rồi, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là chúng ta không đầu tư. Vấn đề là chúng ta đầu tư cho những dự án nào thực sự cấp thiết và hiệu quả".

Tin liên quan

Vì sao chọn CHK quốc tế Long Thành là phương án tối ưu?
 
PGS. TS. Trần Hoàng Ngân thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia (ĐBQH TP Hồ Chí Minh) chia sẻ với PV Báo Giao thông xung quanh câu chuyện về việc đầu tư dự án CHK quốc tế Long Thành cũng như tác động của nó trong tổng thể nợ công của Việt Nam.


Chọn thời điểm phù hợp với “thể trạng” nền kinh tế

PGS. TS. Trần Hoàng Ngân


Là ĐBQH, ông nhìn nhận thế nào về việc trong tương lai, Việt Nam có một CHK quốc tế đón cả trăm triệu lượt khách mỗi năm?
 

Để đáp ứng được chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam từ những năm 2020 trở đi, cũng như đáp ứng công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và nhu cầu phát triển ngành dịch vụ, du lịch tại Việt Nam, rõ ràng chúng ta cần có những sân bay tầm cỡ, quy mô lớn, như những gì chúng ta đã được nghe khi dự án CHK quốc tế Long Thành được giới thiệu thời gian qua. Chắc chắn một điều, Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ quá tải trong thời gian tới. Do đó cần phải có một sân bay theo chuẩn quốc tế, đáp ứng sự phát triển kinh tế chung. Vấn đề là lựa chọn địa điểm ở đâu. Hiện nay đại đa số nghiêng về Long Thành và chúng ta thấy việc chọn Long Thành là có cơ sở thực tiễn.
 
Trong thời điểm hiện nay, đặt dự án này trong tổng thể nợ công thì mức độ tác động thế nào, thưa ông?

Dự án CHK quốc tế Long Thành có cần thiết và cấp thiết hay không, đó là vấn đề chúng ta đang chờ báo cáo để biết rõ thời điểm nào triển khai dự án. Tuy nhiên, vấn đề liên quan đặt ra hiện nay là nợ công. Như đã thấy, hiện nợ công của Việt Nam là lớn, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là chúng ta không có đầu tư. Vấn đề là chúng ta đầu tư cho những dự án nào thực sự cấp thiết và hiệu quả. Có thể là chúng ta triển khai chậm hơn một bước thì nó phù hợp hơn với thể trạng chung của nền kinh tế cũng như là tình hình nợ công. Còn về chủ trương là đồng ý.
 
Thế còn thời điểm đầu tư, theo ông khi nào là phù hợp?
 

Tôi được báo cáo của ban soạn thảo dự án cho biết, triển khai từ năm 2017. Ở thời điểm đó (2017 - PV), giới hạn nợ công sẽ khác đi rồi, chứ không còn ở mức 64% đến năm 2015 (Quốc hội đặt ra trần nợ công là 65% GDP - PV). Khi đó, dự án triển khai vẫn thỏa mãn được. Hiện nay dự án này mới đang ở giai đoạn trao đổi, bàn để ra chủ trương chứ chưa phải triển khai dự án. Dự án này cũng đang có nhiều quan điểm rất khác nhau, nên theo tôi sự chậm lại là cần thiết. Cần có những hội thảo khoa học để các chuyên gia trong và ngoài nước đóng góp ý kiến.
 
Theo ông, mức tác động của dự án đối với nợ công thời điểm năm 2017 sẽ không lớn?
 
Khi đó GDP của Việt Nam tăng lên rồi, đồng nghĩa với việc mẫu số sẽ lớn hơn. Ví dụ, GDP của năm 2015 là 4 triệu tỷ, sang năm 2016 có thể là 4,2 - 4,3 triệu tỷ, tức là GDP tăng dần thì số tiền mà giai đoạn đầu dự án Long Thành là 160 nghìn tỷ, tỷ lệ tương đối sẽ nhỏ đi và do đó nó cũng sẽ ảnh hưởng không nhiều đến nợ công.
 
Dự án này có số vốn rất cao, đầu tư rất lớn nên khi chúng ta chấp nhận dự án CHK quốc tế Long Thành vào thời điểm này là chấp nhận phá vỡ mức pháp định đối với nợ công. Do vậy, tôi đề nghị nên chậm một bước để việc thẩm định rõ ràng hơn, sự đồng thuận lớn hơn và khi đó việc triển khai dự án sẽ nhanh chóng hơn.
  
Đóng góp trở lại cho nền kinh tế
 
Điều mà ông nói là "lùi một bước" có khiến chúng ta chậm chân không khi mà thực tế Tân Sơn Nhất đã và đang quá tải?
 
Nếu một sân bay quá tải thực sự là một điều mừng (cười). Vì thực tế hiện nay sân bay ở các nước ế ẩm lắm. Vào thời điểm nhất định, Tân Sơn Nhất sẽ quá tải. Vấn đề là từ nay cho đến khi CHK quốc tế Long Thành được chấp thuận triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng, chúng ta phải có giải pháp tổ chức khai thác CHK quốc tế Tân Sơn Nhất một cách khoa học, hợp lý cả trên không và ở dưới mặt đất. Tổ chức các chuyến bay thế nào, sử dụng đường băng ra sao để khai thác hiệu quả và như vậy cũng có tác dụng giảm tải. Khả năng quá tải có thể diễn ra trong khoảng từ năm 2017 - 2020, chứ hiện tại nó vẫn đáp ứng được.
 
Cùng với đó, chúng ta cũng phải tổ chức ngành Du lịch cùng những ngành dịch vụ đi liền với nó; tổ chức dịch vụ trung chuyển hàng không quốc tế để người ta transit ở đây rồi lại đi tiếp.
 
Khi CHK quốc tế Long Thành hoàn thành, giống như một đòn bẩy kinh tế sẽ ảnh hưởng tích cực đến cán cân nợ công, tăng nguồn ngân sách?
 

Điều đó là đương nhiên, nhưng giải ngân dự án phải 5 năm, đến khi hiệu quả phải 5 năm sau. Nên mình tính là tính từ đây đến khi thi công công trình. Dĩ nhiên, đến năm 2023 khi hoàn thành thì nó sẽ đóng góp trở lại để trả nợ khoản vay trước đã, sau đó mới là đóng góp cho nền kinh tế. Người ta hiện cũng đang lo lắng nhiều là hiệu quả sử dụng vào năm 2023 có vấn đề gì xảy ra nữa hay không. Tất cả những dự báo, tình huống đều phải được tính đến ngay từ lúc này, khi mọi việc vẫn đang được bàn luận, đóng góp.
 
Cảm ơn ông!
 
Theo Bình Minh/Báo Giao thông

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến