Dòng sự kiện:
Nợ xấu đã 'sáng' hơn
28/10/2018 20:00:20
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng nợ xấu đã giảm rất mạnh, toàn hệ thống từ 10,08% vào cuối 2016 thì bây giờ còn 6,7% và nợ xấu trong bảng cân đối kế toán chỉ còn khoảng 2% so với mức 2,56% của đầu năm nay.

Trong phiên họp toàn thể chiều ngày 27/10 của Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã báo cáo thêm một số vấn đề mà Quốc hội quan tâm liên quan đến chất lượng tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu lại khu vực về thị trường tài chính.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Nợ xấu đã giảm rất mạnh

Phó Thủ tướng cũng cho biết, nhiều chỉ tiêu về thị trường tài chính của chúng ta đã đi trước được kế hoạch 5 năm, hiện nay thị trường chứng khoán đã tăng trưởng chiếm 10% GDP, trong đó cổ phiếu là 84%, vượt xa mức 70% đến năm 2020. Điều này giảm nhẹ được gánh nặng về cung ứng vốn trung dài hạn cho hệ thống về ngân hàng. 

Chúng ta đã giảm được rất mạnh nợ xấu, toàn hệ thống từ 10,08% vào cuối 2016 thì bây giờ chúng ta còn 6,7% (nợ xấu này bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC và các khoản nợ xấu tiềm tàng - PV) và nợ xấu trong bảng cân đối kế toán chỉ còn khoảng 2% so với mức 2,56% của đầu năm nay. 

Đồng thời, các tổ chức tín dụng thì Thống đốc đã phê chuẩn được 50 đề án cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án 1058 để thực hiện chủ trương của Trung ương và nghị quyết của Quốc hội.

Điểm sáng trong nhiệm kỳ này là Quốc hội đã ban hành được Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu và sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 07 về cơ cấu lại thu chi ngân sách và đảm bảo bền vững về nợ công. 

Phó Thủ tướng báo cáo thêm, một số đại biểu Quốc hội băn khoăn về chuyện nợ nước ngoài của quốc gia tăng sát trần thì đó là nợ nước ngoài quốc gia bao gồm nợ nước ngoài của Chính phủ và nợ nước ngoài của khối doanh nghiệp. Nợ nước ngoài của Chính phủ đã giảm được từ mức 60% trước đây xuống còn 40% trong cơ cấu nợ. Khối nợ nước ngoài thì một số giao dịch vừa rồi cũng có tăng lên, Thủ tướng đã có một hạn mức rất chặt chẽ cho mức nợ nước ngoài của quốc gia cho nên Chính phủ cũng hứa với Quốc hội sẽ tiếp tục kiểm soát chặt vấn đề này, nhất là trong điều kiện tỷ giá thế giới tăng mà nợ nước ngoài gia tăng lên thì nghĩa vụ trả nợ quốc gia là rất lớn.

Và được xử lý nhanh hơn

Trong một năm Nghị quyết 42 có hiệu lực (15/8/2017 – 15/8/2018), Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt nam (VAMC) và 6 tổ chức tín dụng liên kết với VAMC thực hiện Nghị quyết 42 đã thu hồi được gần 100 nghìn tỷ đồng nợ xấu trong tổng số hơn 277 nghìn tỷ đồng nợ gốc đã mua.

Riêng nửa cuối năm 2017 và 8 tháng năm 2018, VAMC thu được khoảng 48 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Điều này cho thấy trong một năm qua tốc độ và hiệu quả xử lý nợ xấu đã nâng lên rõ rệt.

Tính đến 30/6/2018, hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 138,29 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42.

Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 70,23 nghìn tỷ đồng (chiếm 50,78%), xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết 42 là 21,59 nghìn tỷ đồng (chiếm 15,61%) và xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 46,46 nghìn tỷ đồng (chiếm 33,59%).  

Theo số liệu của NHNN, đến cuối tháng 6/2018, tỷ lệ nợ xấu so với tổng nợ là 2,09%, giảm so với thời điểm 31/12/2016 (2,46%). 

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến