Nước Mỹ chia rẽ sâu sắc trước cuộc họp lịch sử của Fed
15/09/2015 10:07:38
ANTT.VN - Mức tăng 0,25% có thể không quá lớn, tuy nhiên động thái này có thể là cột mốc đảo chiều trong chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nếu biết rằng tổ chức này đã liên tục giảm lãi suất từ 5,25% xuống và duy trì ở mức gần 0% trong suốt một thời gian dài.

Tin liên quan

Stanley Fischer - phó chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ Fed cùng giới lãnh đạo của tổ chức này đang phải đối mặt với quyết định khó khăn nhất trong nhiều năm qua.
Liệu có nên tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, hay trì hoãn như mong muốn của thị trường? Fischer cho rằng cái giá của sự chờ đợi là không thể lường hết được.

Tăng trưởng chậm trên toàn cầu và thị trường chứng khoán diễn biến bất thường tại Mỹ có thể là những tác nhân ảnh hưởng tới quyết định cuối cùng của Fed. Liệu rằng đây đã phải là thời điểm tốt nhất để tăng lãi suất hay chưa?

Cựu phó chủ tịch Fed Donald Kolh cho rằng nên chờ tới thời điểm mà các tín hiệu trên toàn cầu trở nên rõ ràng hơn. Giới đầu tư cũng ủng hộ với ý kiến này với 70% đồng ý rằng Fed sẽ hoãn đưa ra quyết định vào cuộc họp giữa tuần này.

3 tháng trước khi được bổ nhiệm vào vị trí số 2 của Fed, Fischer đã lưu ý trong một bài phát biểu rằng chờ đợi có cái giá riêng của nó. Trong cách nhìn của ông, các tín hiệu kinh tế luôn là không rõ ràng. “Đừng đánh giá quá cao lợi ích của việc chờ đợi”, ông nói.

Quay lại thời gian đảm nhiệm cương vị giám đốc ngân hàng Trung ương Israel từ năm 2005 tới 2013, Fischer và ban cố vấn đã từng có một quyết định rất khó khăn và cân nhắc hoãn cho tới khi tình hình rõ ràng hơn. Tuy nhiên phó giám đốc ngân hàng này - Meir Sokoler đã khuyên Fischer rằng: “Sẽ không bao giờ có cái gọi là thời điểm rõ ràng, tình hình sẽ chỉ phức tạp hơn trong một phương diện khác”.

Fischer cũng đã có một cách nhìn tương tự gần đây. “Tình hình luôn luôn là không rõ ràng và chúng ta buộc phải chấp nhận nó”. Ông nói với CNBC ngày 28/ 8 khi được hỏi liệu Fed có nên hoãn tăng lãi suất cho tới thời điểm mọi yếu tố trở nên rõ ràng hơn hay không.

Fed có nên tăng lãi suất vào thời điểm này?

Giới phân tích đang bị chia rẽ sâu sắc về quyết định vào giữa tuần này của Fed. Lần cuối cùng tổ chức này tăng lãi suất cơ bản là vào tháng 6/2009, thêm 0,25 điểm phần trăm lên 5,25%. Từ đó Fed chỉ có làm một việc là giảm lãi suất rồi duy trì nó ở mức 0,25% hay gần như bằng 0% trong nhiều năm qua.

Đến khi không còn cách nào khác để giảm nữa thì Fed lại áp dụng gói “Nới lỏng định lượng (QE)” nhằm tiếp tục bơm tiền vào nền kinh tế - về bản chất không khác gì giảm lãi suất. Do vậy, quyết định tăng lãi suất dù chỉ ở mức 0,25% nếu có ở cuộc họp giữa tuần này sẽ đánh dấu bước đảo chiều trong chính sách tiền tệ của Fed.

Jan Hatzius, nhà tư vấn cao cấp tại Goldman Sachs Inc dự đoán Fed sẽ hoãn việc ra quyết định trong tuần này trong bối cảnh chứng khoán đang biến động tiêu cực. Hơn nữa, đồng USD mạnh cũng đã là một yếu tố thắt chặt thị trường tài chính.

Michael Feroli, nhà kinh tế cao cấp tại JPMorgan Chase lại cho rằng Fed sẽ tăng lãi suất ngay trong tuần này, dựa trên thị trường lao động đang ấm lên ở Mỹ với tỉ lệ thất nghiệp tháng 8 ở mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Ngay cả giới chức Fed cũng đưa ra những thông tin trái chiều.

Chủ tịch Fed ở thành phố Richmond Jeffrey Lacker - một thành viên tham gia vào việc ra quyết định của Fed năm nay, nói hôm 4/9 rằng đã đến lúc kết thúc thời đại “0%”.

Kohn, cựu phó chủ tịch Fed giai đoạn 2006 - 2010, phát biểu hôm 3/9 rằng Fed có thể trì hoãn việc tăng lãi suất nhằm có thêm thời gian phân tích tình hình các thị trường trên thế giới.
“Đang có những lực kéo giảm phát trên thị trường, từ châu Âu cho tới châu Á”, ông nói, “Thêm một chút thời gian có thể giúp bạn phân tích được nền kinh tế thế giới sẽ phản ứng thế nào và những tác động dội ngược vào nền kinh tế Mỹ”.

Jon Faust – cựu cố vấn cao cấp của Fed cho biết vấn đề lớn nhất nếu trì hoãn tăng lãi suất là việc có thể mất tới 1 thậm chí là 2 tháng để phân tích tình hình hiện tại. Điều này khiến việc ra quyết định của Fed có thể kéo dài tới tận năm sau.

Nghi Điền (Theo Bloomberg)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến