Dòng sự kiện:
Ổn định lãi suất, tỷ giá: Thể hiện bản lĩnh và tự tin của ngành Ngân hàng
07/11/2019 07:00:09
Chúng ta cần kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội là một chỉ tiêu hàng đầu...

Ảnh minh hoạ

“Trong 2 năm qua, khi đồng USD đã nhiều lần thay đổi tỷ giá, đồng nhân dân tệ cũng mất giá rất nhiều nhưng VND rất ổn định, tôi đánh giá rất cao việc điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của NHNN, điều này đã thể hiện bản lĩnh và sự tự tin của ngành Ngân hàng thời gian qua”, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) đã nhấn mạnh như vậy khi đánh giá về hoạt động ngân hàng tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Thân dòng tiền rất quan trọng, nó được ví như mạch máu trong cơ thể. Đặc biệt vừa qua, ngành Ngân hàng đã thực hiện rất tốt việc điều hành CSTT nên đã giúp lãi suất và tỷ giá được ổn định, dòng vốn được lưu thông thông suốt. Điều này đã giúp cộng đồng DNNVV được hưởng lợi rất nhiều bởi nhờ các điều kiện đầu vào này ổn định nên họ tập trung vào đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, họ không sợ đồng tiền mất giá.

Tuy nhiên, ông cũng mong muốn Chính phủ và NHNN có những chính sách cụ thể hơn để ngân hàng và DN cùng đồng hành, có nhiều DNNVV được tiếp cận với vốn vay ngân hàng bởi hiện có đến 98% DNNVV và đang chiếm vị trí rất lớn trong tạo việc làm và đóng góp vào GDP.

Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nhận định tăng trưởng kinh tế năm 2019 ước đạt 6,8% là rất khả thi. Bởi các CSTT được điều hành, quản lý chặt chẽ, tín dụng tăng trưởng hợp lý, sử dụng có hiệu quả và phù hợp với tăng trưởng kinh tế. Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã phát huy rất hiệu quả. Nợ tín dụng hàng năm được xử lý tăng gấp hai lần so với trước khi có nghị quyết. Nợ xấu nội bảng giảm mạnh còn 1,98%, nợ xấu, nợ tiềm ẩn giảm còn 4,95%.

“Đây là tín hiệu đáng mừng đối với ngành Ngân hàng trong những năm qua”, đại biểu Tiến nhấn mạnh đồng thời đề nghị Chính phủ cần báo cáo bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sau 2 năm thực hiện để phát huy những điểm thuận lợi và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để nghị quyết đạt hiệu quả cao hơn.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) thể hiện sự đồng tình và chung vui với những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội của nước ta trong những năm vừa qua. Đặc biệt, trong khi kinh tế thế giới đối mặt với nhiều rủi ro và suy giảm, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) liên tục điều chỉnh tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới từ 3,6% xuống còn 3%, thì kinh tế nước ta vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao từ 6,2% năm 2016 đến 9 tháng đầu năm 2019 chúng ta tăng trưởng 6,98%.

Điểm đáng chú ý là trong 4 năm qua, từ năm 2016 đến tháng 10/2019, nước ta xuất siêu 19,7 tỷ USD, góp phần cải thiện cán cân thanh toán vãng lai, cán cân thanh toán quốc tế và tăng dự trữ ngoại hối.

Cũng theo đại biểu, trong các yếu tố đầu vào của tăng trưởng kinh tế như lao động, vốn và TFP thì yếu tố vốn quyết định đến 45-50% GDP, trong đó tín dụng là một trong những nguồn vốn rất quan trọng. Trong 5 năm qua với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và quyết tâm của Chính phủ, chúng ta đã giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát liên tiếp trong 5 năm dưới 4%, kéo giảm bội chi, nợ công, xử lý nợ xấu, đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia và an toàn hệ thống ngân hàng.

Vì lẽ đó người dân vẫn tin tưởng vào hệ thống ngân hàng và gửi tiền vào hệ thống ngân hàng, cho đến tháng 7/2019 ngân hàng đã huy động nguồn vốn được trên 8,2 triệu tỷ đồng, trong đó 4,7 triệu tỷ đến từ tiền gửi của người dân. Nhờ vậy ngân hàng đã có nguồn vốn ổn định để cung ứng cho nền kinh tế và dư nợ đến cuối tháng 7 lên đến 7,8 triệu tỷ đồng, tương đương 130% GDP. Điều đó cho thấy chúng ta cần kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội là một chỉ tiêu hàng đầu.

“Chính phủ và NHNN cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động ngân hàng, nâng cao chất lượng tín dụng, tránh để nợ xấu quay trở lại. Bên cạnh đó, chúng ta tiếp tục tái cơ cấu thị trường tài chính để thị trường chứng khoán trở thành kênh cung ứng vốn quan trọng trung, dài hạn cho nền kinh tế”, ông Ngân phát biểu.

Theo: Thời báo ngân hàng
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến