Dòng sự kiện:
Ông Trần Đình Long dùng gì để bảo đảm khoản vay gần 35.000 tỷ đồng cho Hoà Phát?
01/09/2019 17:01:06
Báo cáo tài chính 6 tháng 2019 soát xét cho thấy, Hoà Phát của ông Trần Đình Long đang chịu áp lực lớn về vay nợ, khi khoản mục nợ phải trả tăng mạnh lên 48.763 tỷ đồng.

Sau khi BCTC hợp nhất 6 tháng đầu năm 2019 đã soát xét của Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG) được công bố, một nội dung được cổ đông Hòa Phát và nhà đầu tư quan tâm chính là các khoản nợ của doanh nghiệp.

Trong tổng tài sản tại ngày 30/6 trị giá 93.019 tỷ đồng, nợ phải trả được Hoà Phát của ông Trần Đình Long ghi nhận ở mức 48.763 tỷ đồng, tăng thêm 11.163 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2019. Tỷ lệ nợ phải trả/Tổng nguồn vốn của Hòa Phát vì vậy cũng tăng từ 48% lên 52,4%.

Trong đó, giá trị khoản vay ngắn hạn và dài hạn tại ngày 30/6/2019 của Hoà Phát lần lượt là 14.012 tỷ đồng và 20.526 tỷ đồng. Như vậy, tổng giá trị của hai khoản vay này là 34.538 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ tương 71% nợ phải trả và 37% tổng nguồn vốn.

Trong số tiền 14.012 tỷ đồng vay ngắn hạn, Hoà Phát của ông Trần Đình Long ghi nhận 11.380 tỷ đồng vay bằng VND, 2.334 tỷ đồng vay bằng USD và hơn 27 tỷ đồng vay bằng JPY.

Phân loại khoản mục vay ngắn hạn, Hoà Phát có khoản vay ngắn hạn trị giá 8.297 tỷ đồng bằng VND và 1.535 tỷ đồng bằng USD được đảm bảo bằng một số khoản tương đương tiền, đầu tư nắm giữ tới ngày đáo hạn ngắn hạn, hàng tồn kho, tài sản cố định hữu hình và vô hình, chi phí trả trước dài hạn và một số cổ phiếu HPG thuộc sở hữu của thành viên HĐQT Tập đoàn Hoà Phát.

Trước đó, tháng 5/2019, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát, đã quyết định dùng 100 triệu cổ phiếu HPG có trị giá gần 3.300 tỷ đồng để bảo lãnh cho một công ty con của Hòa Phát vay 1.700 tỷ đồng từ Vietcombank.

Và đó không phải lần đầu tiên ông Trần Đình Long sử dụng cổ phiếu cá nhân để bảo đảm khoản vay cho Hoà Phát. Năm 2016, ông Trần Đình Long bảo đảm bằng cổ phiếu của cá nhân cho Công ty TNHH MTV Thương mại và Sản xuất thức ăn chăn nuôi Hòa Phát vay vốn tại Vietcombank để bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh với hạn mức 600 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho vay là 3 triệu cổ phiếu HPG, được định giá tại mức giá 20.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng giá trị 60 tỷ đồng.

Quay trở lại khoản vay ngắn hạn tính tới ngày 30/6/2019 của Hoà Phát, các khoản vay ngắn hạn bằng VND chịu lãi suất từ 3,4-6,61%/năm, các khoản vay bằng USD chịu lãi suất từ 2,9- 4,1%/năm, các khoản vay bằng JPY chịu lãi suất 1,3%/năm.

Chủ nợ dài hạn lớn nhất của Hòa Phát là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) với dư nợ 7.997 tỷđồng, kế đến là Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VietcomBank) với 6.099 tỷ đồng; ngân hàng nước ngoài BNP Paribas là nhà băng duy nhất cho Hòa Phát vay dài hạn bằng USD với dư nợ qui đổi 4.670 tỷ đồng.

Các khoản vay dài hạn bằng VND chịu lãi suất từ 2,6% đến 11% một năm. Khoản vay dài hạn bằng USD chịu lãi suất Libor + biên độ 2,05% mỗi năm.

Các khoản vay dài hạn tại VietinBank, Vietcombank và ANZ được đảm bảo bằng một số hàng tồn kho, tài sản cố định hữu hình, xây dựng cơ bản dở dang của một số dự án thuộc Tập đoàn Hòa Phát.

Khoản vay VND từ ngân hàng HSBC trị giá 884 tỷ đồng được bảo lãnh bởi một công ty con trong Tập đoàn.

Các tài sản được Hòa Phát sử dụng làm tài sản bảo đảm tại ngày 30/6 là tiền và tương đương tiền (3 tỷ đồng), chi phí trả trước dài hạn (30 tỷ đồng), tài sản cố định hữu hình (3.232 tỷ đồng), hàng tồn kho (3.515 tỷ đồng), công trình xây dựng cơ bản dở dang (40.237 tỷ đồng).

Giá trị tài sản Hòa Phát dùng làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại ngày 1/1 và 30/6/2019. Nguồn: Báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm.

Theo Hòa Phát, tại ngày 30/6 công ty đang có 6.952 tỷ đồng tài sản tài chính hưởng lãi suất cố định, 29.586 tỷ đồng nợ phải trả với lãi suất cố định và 4.683 tỷ đồng nợ phải trả với lãi suất thả nổi. 

Theo tính toán của công ty, mỗi thay đổi 100 điểm cơ bản (1 điểm %) của lãi suất sẽ làm tăng hoặc giảm 22,4 tỷ đồng lợi nhuận kế toán trước thuế hợp nhất, giả sử các biến số khác như tỷ giá hối đoái không thay đổi.

Trong đó, dự án Khu liên hợp gang thép tại Dung Quất ghi nhận con số chi phí xây dựng dở dang lên tới 42.919 tỷ đồng, tăng hơn 9.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2019 và chiếm trên 90% tổng chi phí đầu tư của Hoà Phát vào các dự án lớn.

Trước đó, khi Hoà Phát của ông Trần Đình Long công bố BCTC quý II/2019 với lượng nợ vay tăng và chi phí lãi vay tăng lên nhanh chóng, nhiều nhà đầu tư đã đưa ra dự đoán, số tiền này nhiều khả năng được dùng để tài trợ việc xây dựng cơ bản dự án Khu liên hợp gang thép tại Dung Quất. Đây là dự án được ban lãnh đạo Hoà Phát đầu tư lớn về tiền bạc, thời gian, tâm sức với mục tiêu sẽ tạo nên tầm vóc mới, một diện mạo mới cho Hòa Phát.

Theo Công ty Chứng khoán VCB, cuối quý II/2019, dự án Khu liên hợp gang thép tại Dung Quất đã đưa vào chạy thử nghiệm lò cao 1. Toàn bộ dây chuyên chuyền lò cao 1, luyện thép và nhà máy cán thép 1 sẽ được đồng bộ và bắt đầu thương mại vào cuối năm 2019. Đến tháng 3/2020, Hoà Phát sẽ có sản phẩm thép cán nóng.

Đến cuối 2019, Hoà Phát của ông Trần Đình Long sẽ đầu tư 50.000 tỷ đồng cho dự án Khu liên hợp gang thép tại Dung Quất. Số tiền này được ghi nhận ban đầu tại “Tài sản xây dựng cơ bản dở dang”. Sau đó, tiến trình chuyển thành tài sản cố định sẽ phụ thuộc vào tiến độ nghiệm thu các nhà máy thành phần.

Trong đó, nhà máy cán thép 1 đã được chuyển sang tài sản cố định và bắt đầu trích khấu hao từ Q2/2019. Dự kiến đến hết năm 2019 giá trị khấu hao tăng thêm từ dự án Khu liên hợp gang thép tại Dung Quất sẽ trong khoảng từ 1.000-1.500 tỷ đồng. Đồng thời, theo ước tính từ phía doanh nghiệp, sau khi dự án Dung Quất được vận hành hoàn toàn năm 2020 tổng khấu hao tăng thêm sẽ vào khoảng 4.000 tỷ đồng/năm.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến