Dòng sự kiện:
'Phải thúc đẩy thật nhanh thanh toán điện tử trên di động'
08/06/2020 05:51:46
Trong phát biểu về thúc đẩy chính phủ điện tử gần đây, Phó Thủ tướng cho rằng, một điểm rất quan trọng là phải thúc đẩy nhanh thanh toán điện tử, phải mở thật nhanh để cho người dân có thể thanh toán trên di động.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, một điểm rất quan trọng là phải thúc đẩy nhanh thanh toán điện tử, phải mở thật nhanh để cho người dân có thể thanh toán trên di động.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cho dù thời gian qua thanh toán điện tử của Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất trong các nước ASEAN, nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng đặt ra. Nếu chính sách cởi mở sẽ thúc đẩy thanh toán điện tử tăng rất mạnh. Vì vậy, phải có chính sách để thúc đẩy thanh toán điện tử.

Bộ TT&TT cho biết, chậm nhất đến tháng 6/2020 sẽ triển khai dịch vụ Mobile Money. Bộ TT&TT đề nghị các doanh nghiệp chuẩn bị kỹ đề án và cơ sở vật chất để triển khai nhanh khi có giấy phép cung cấp dịch vụ này.

Chia sẻ tại tọa đàm “Thúc đẩy thanh toán điện tử trên toàn quốc” mới đây, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng: “Các chính sách phải bắt đầu từ nhu cầu cuộc sống. Theo chỉ đạo của Chính phủ thì hiện nay đã có rất nhiều những báo cáo đánh giá, đặc biệt là báo cáo đánh giá gần đây của Ngân hàng Nhà nước phân tích về tất cả rủi ro cũng như hiện thực hóa việc thanh toán qua tài khoản viễn thông và gần đây nhất thì Bộ Công Thương đã nhận được góp ý cho Nghị định 101,  trong đó cũng có những điều khoản là tiền đề cho việc thanh toán qua tài khoản viễn thông. Tôi cho rằng với tất cả những sự chuẩn bị như thế chúng ta sẽ sớm có một hành lang pháp lý tốt để có thể thực hiện đến việc thanh toán qua tài khoản viễn thông".

Ông Đặng Hoàng Hải cũng chia sẻ, những vướng mắc trong thanh toán bằng tiền mặt đang xảy ra với thương mại điện tử khiến người dùng mất niềm tin. Tuy nhiên, dịch vụ Mobile Money sẽ tạo ra niềm tin với người dùng. Người tiêu dùng thấy mọi tranh chấp được giải quyết dễ dàng và có độ tin cậy cao.

Ông Phạm Trung Kiên, Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel cho rằng, nếu Chính phủ cho sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán các dịch vụ hàng hóa có mệnh giá nhỏ không những không phải là là đối thủ cạnh tranh mà ngược lại còn thúc đẩy các ngân hàng phát triển mạnh hơn.

“Ngân hàng cực kỳ hưởng lợi từ Mobile Money cũng như việc các đơn vị như Viettel triển khai. Hiện nay không có một ngân hàng nào ở Việt Nam phục vụ những khoản thanh toán nhỏ lẻ, chi tiêu siêu nhỏ hàng ngày. Với năng lực về công nghệ, về hạ tầng, về con người, các nhà mạng sẽ đào tạo người dân quen với thanh toán điện tử, quen với món chi tiêu vài chục nghìn, vài trăm nghìn đồng hàng ngày và khi họ cần chi tiêu những món lớn hơn như mua điện thoại, TV, mua nhà mua xe, họ sẽ nghĩ đến ngân hàng. Vì không ai sử dụng điện thoại để mua nhà, ô tô hay xe máy cả. Hiện nay, ngân hàng mới phục vụ được 30% dân số, nhưng nhờ Mobile Money sẽ có thể tiếp cận đến 70% dân số. Ví dụ một người dân Nhật có 7,5 cái thẻ ngân hàng bình quân, nhưng 40% thuê bao di động của Nhật hàng tháng vẫn sử dụng Mobile Money để chi tiêu cho các món siêu nhỏ. Viettel có lợi thế làm chủ công nghệ”, ông Kiên nói.

Ông Kiên còn cho biết, suốt 2 năm gần đây, Chính phủ đã quan tâm đến vấn đề này để tạo đà cho phát triển các dịch vụ mới theo xu hướng 4.0. Thủ tướng đã đồng ý về chủ trương cho thanh toán hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ bằng tài khoản viễn thông. Nếu được cấp phép dịch vụ Mobile Money thì chỉ “qua 1 đêm” tất cả người dân sử dụng dịch vụ di động đều có thể tham gia thanh toán không dùng tiền mặt. Ví dụ tại Huế chỉ 7% người dân biết tải ứng dụng về điện thoại để sử dụng. Đây là lợi thế của nhà mạng vì ở đâu có sóng thì người dân có thể sử dụng được dịch vụ Mobile Monney.

Theo: Vietnamnet
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến