Dòng sự kiện:
Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Thanh Hóa: Giải tỏa các cơ sở gỗ dăm trái phép
11/05/2016 19:10:22
ANTT.VN – Đó là yêu cầu của tỉnh Thanh Hóa mà Phó chủ tịch thường trực tỉnh Nguyễn Đức Quyền nêu ra trong cuộc họp nghe báo cáo kết quả kiểm tra, đánh giá tình hình hoạt động sản xuất của các cơ sở băm dăm gỗ trên địa bàn tỉnh này vào hôm nay, 11/5.

Tin liên quan

Theo đó, vào sáng nay (11/5/2016), tỉnh Thanh Hóa đã họp nghe báo cáo kết quả kiểm tra, đánh giá tình hình hoạt động sản xuất của các cơ sở băm dăm gỗ trên địa bàn tỉnh và bàn biện pháp khắc phục những tồn tại trong thời gian qua.

Chủ trì cuộc họp là ông Nguyễn Đức Quyền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng sự tham dự của đại diện lãnh đạo các sở, ngành: Văn phòng UBND tỉnh, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố: Lang Chánh, Cẩm Thủy, Triệu Sơn, Như Xuân, Như Thanh, Tĩnh Gia, Thường Xuân, Thọ Xuân, Thạch Thành, thành phố Thanh Hóa.

Ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa tại cuộc họp nghe báo cáo kết quả kiểm tra, đánh giá tình hình hoạt động sản xuất của các cơ sở băm dăm gỗ trên địa bàn tỉnh

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 40 cơ sở sản xuất, chế biến dăm gỗ xuất khẩu tại 10 huyện, trong đó có 16 cơ sở được UBND tỉnh chấp thuận thông qua các văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định cho thuê đất, quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Qua kiểm tra thực tế và tổng hợp báo cáo của các đơn vị, các cơ sở sản xuất, chế biến dăm gỗ trên địa bàn đã cơ bản giải quyết được đầu ra cho người trồng rừng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Bên cạnh những mặt tích cực, việc sản xuất, chế biến dăm gỗ trên địa bàn tỉnh còn một số bất cập như: tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh, tranh mua, tranh bán gây mất trật tự xã hội; có 28 cơ sở sản xuất, chế biến dăm gỗ trên địa bàn tỉnh không được cấp có thẩm quyền chấp thuận nội dung sản xuất dăm gỗ, 5 cơ sở được chấp thuận có nội dung sản xuất dăm gỗ hoạt động vượt công suất đăng ký; một số huyện có nhiều cơ sở sản xuất dăm gỗ hoạt động trái phép (không được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc vượt công suất) là Thường Xuân, Triệu Sơn, Như Xuân, Như Thanh, Tĩnh Gia, Thạch Thành.

Xưởng gỗ dăm trái phép của công ty TNHH Minh Long trên địa bàn KKT Nghi Sơn

Ông Nguyễn Đức Quyền khẳng định, tình trạng hoạt động trái phép của các nhà masyy gỗ dăm đã làm phá vỡ quy hoạch sản xuất lâm nghiệp của tỉnh, thất thoát trong hoạt động thu thuế của nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của người trồng rừng... "Do vậy, trong thời gian tới, tỉnh yêu cầu cần chấn chỉnh hoạt động, xử lý triệt để các cơ sở băm dăm gỗ trái phép trên địa bàn tỉnh, đóng cửa các cơ sở băm dăm gỗ chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận", ông Quyền cho biết.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thành quy hoạch vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; sau khi giải tỏa các cơ sở hoạt động trái phép, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp vào đầu tư lĩnh vực dăm gỗ. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương tăng cường quản lý hoạt động các doanh nghiệp sau đầu tư về mặt quy mô, công nghệ; xúc tiến thu hút các nhà đầu tư có năng lực. Đối với UBND các huyện có cơ sở sản xuất, chế biến dăm gỗ cần quản lý chặt chẽ nguồn nguyên liệu, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để tình trạng hoạt động trái phép tiếp tục diễn ra.

Đùn đẩy trách nhiệm

Tại huyện Tĩnh Gia, 5 cơ sở gỗ dăm trái phép đã bị BQL KKT Nghi Sơn điểm mặt, chỉ tên như Công ty TNHH đầu tư Nghi Sơn (xã Nghi Sơn), Cty cổ phần Sinh Lộc Phát (xã Nghi Sơn), Cty TNHH Thành Tiến ( xã Hải Thượng), Cty TNHH Minh Long, Cty TNHHH Việt Trung (xã Trường Lâm). Dù đã hoạt động từ khá lâu nhưng các xưởng gỗ dăm này vẫn không bị bất cứ sở, ban ngành hay chính quyền địa phương xử lý.

Trong khi đó, ông Lê Thanh Hà, Phó BQL khu kinh tế Nghi Sơn cho rằng trách nhiệm xử lý là của chính quyền địa phương, BQL không có quyền hạn làm việc này.

Thì, ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia lại cho rằng huyện không có trách nhiệm gì về việc các xưởng gỗ dăm trái phép mọc lên trên địa bàn mà trách nhiệm phải thuộc về BQL KKT Nghi Sơn. “Cái đó đi mà hỏi BQL khu kinh tế, huyện chỉ lo cho đời sống nhân dân” – ông Dũng trả lời PV khi được hỏi về các xưởng gỗ dăm trái phép tại huyện Tĩnh Gia.

Hàng loạt nhà máy gỗ dăm trái phép trên địa bàn huyện Tĩnh Gia vẫn chưa bị xử lý thì nhiều nhà máy mới “manh nha” mọc lên và đi vào hoạt động. Theo tìm hiểu mới nhất của PV thì tại xã Trường Lâm huyện Tĩnh Gia, Công ty Cổ phần Tân Phú đang cố tình xây dựng nhà xưởng để băm dăm dù đã bị chính quyền xã ngăn cản. Còn tại mỏ đá Trường Lâm của Cty cổ phần 471, một cơ sở băm dăm không phép vừa xây dựng, lắp đặt dây chuyền xong và đã hoạt động băm dăm.

Thủy Tiên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến