Dòng sự kiện:
Phó thủ tướng 'truy' thứ trưởng vì 'món nợ' văn bản
11/03/2017 08:07:30
“Tôi không cần anh xin phép Phó thủ tướng, phải nhìn vào cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện”. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói như vậy với Thứ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ xung quanh việc bộ nợ băn bản.

Tin liên quan

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam truy vấn Thứ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ khi điều hành Hội nghị do Bộ này nợ văn bản

Ngay sau bài phát biểu của Thứ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Trần Việt Thanh tại hội nghị triển khai Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tổ chức sáng 10-3, Phó Thủ tướng đã đề nghị vị này nán lại vài phút để hỏi thêm về một văn bản đang được xem là “vướng”, cần giải trình.

“Phải ban hành ngay thông tư”

Đó là Thông tư 28 về công bố hợp chuẩn, hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, một trong những văn bản mà TS. Nguyễn Đình Cung - viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - xem là “món nợ” với doanh nghiệp, đã kêu nhiều nhưng vẫn chưa được sửa đổi.

Thứ trưởng Thanh thừa nhận việc đổi mới trong công tác hợp quy, hợp chuẩn, đánh giá sự phù hợp thời gian qua được làm “rất vất vả”. Đến khi có sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng các kiến nghị của hiệp hội, doanh nghiệp, nghị định liên quan mới được ban hành vào tháng 2-2017.

Ông Thanh cũng “xin phép” trong thời hạn 1-2 tháng những văn bản hướng dẫn sẽ được ban hành theo hướng đổi mới.

Không đồng tình, Phó thủ tướng cho biết một trong những lý do khiến thông tư không sửa đổi là do vướng nghị định. Do đó, nay nghị định đã ban hành thì phải sửa đổi ngay.

“Đừng nói sau 1-2 tháng nữa. Tất cả vấn đề đã họp nhiều lần rồi, về khẩn trương ký thông tư ngay, không để nợ thông tư” - Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ ngay sau đó “xin phép” Phó thủ tướng cho thời hạn 15 ngày. Mặc dù nhận được tràng vỗ tay từ hội nghị, nhưng Phó thủ tướng lại nhắc: “Không phải xin Phó thủ tướng, mà phải nhìn vào cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện".

“Công chức còn thụ động, trì trệ”

Trước đó trong bài phát biểu, TS. Cung đã dẫn ra không ít trường hợp văn bản liên tục được cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị sửa đổi, đưa vào Nghị quyết 19 nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm. Ông Cung xem đây là những "món nợ" với doanh nghiệp.

Theo đánh giá của TS. Cung, dù việc thực hiện Nghị quyết 19 đã đạt nhiều kết quả tích cực, song những thay đổi từ các bộ ngành vẫn chưa đủ tạo sự thay đổi trong môi trường kinh doanh.

TS. Cung thẳng thắn nói còn tình trạng các cán bộ, công chức nói riêng và bộ máy quản lý nhà nước "còn thụ động, trì trệ, rất ít đổi mới, sáng tạo”. Khi doanh nghiệp có vướng mắc thì câu trả lời thường nghe nhất là “chúng tôi làm đúng theo quy định”.

Trong khi đó, cán bộ công chức ít quan tâm đến các vấn đề, khó khăn đối với doanh nghiệp do chính các quy định, văn bản cụ thể tạo ra, mà luôn cho rằng phần đúng thuộc về cơ quan nhà nước.

“Họ cũng ít khi chủ động đề xuất bổ sung, sửa đổi các quy định, và những sửa đổi chỉ xuất phát từ sức ép của người dân, doanh nghiệp” - ông Cung nói.

Đồng tình với vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng nếu chỉ triển khai thực hiện theo cách truyền thống, mà không có sự tích cực, năng động và sáng tạo của cán bộ, công chức nhà nước có thẩm quyền với tinh thần Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động và phục vụ người dân doanh nghiệp thì khó có thể đạt được mục tiêu đề ra.

Theo Tuổi trẻ

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến