Dòng sự kiện:
Rủi ro xí phần đất dự án năng lượng tái tạo
20/03/2018 18:00:50
Thị trường năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió đang nóng lên nhanh chóng trong hai năm gần đây. Liên tục các sự kiện xúc tiến đầu tư và số lượng dự án được công bố.

Theo báo cáo cập nhật gần đây của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ - USAID, đến năm 2017, chỉ riêng điện mặt trời đã có hơn 100 dự án mới tham gia thị trường, trong đó riêng Bình Thuận có hơn 70 dự án.

Việc nhiều doanh nghiệp đăng ký đầu tư, xí phần đất trong các dự án năng lượng tái tạo gây khó khăn cho những nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư thực. Trong ảnh: Một dự án điện gió tại Bình Thuận. Ảnh: THÀNH HOA

Tuy nhiên, như cảnh báo gần đây được đưa ra bởi tổ chức minh bạch quốc tế, trong chuyên đề riêng về thị trường năng lượng tái tạo ở Việt Nam, quản trị kém, mức độ minh bạch thông tin thấp có thể trực tiếp dẫn đến rủi ro tham nhũng lớn trong thị trường này. Hai vấn đề rủi ro nổi cộm, có thể quan sát được, theo người viết, liên quan đến quy trình quy hoạch và cấp phép tham gia thị trường và đất đai.

Rủi ro... xí phần đất, bất chấp năng lực chủ đầu tư

Đối với các dự án năng lượng tái tạo, dù là điện gió hay điện mặt trời, vị trí đặt dự án đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Đơn giản là bởi những vùng tiềm năng, nơi có sức gió tự nhiên lớn hoặc cường độ nắng và giờ nắng cao, sẽ là những vùng có lợi thế kinh tế lớn hơn. Ý thức được điều đó, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chân đăng ký đầu tư dự án, với mục tiêu chính không phải tham gia ngay vào thị trường mà là giành trước những vùng tiềm năng, để rồi sau này sang nhượng kiếm lời từ những nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư thực. Với những người am hiểu thị trường điện tái tạo, thực trạng trên đã được “truyền tai” từ nhiều năm qua, rằng những vị trí “đẹp” thực tế đều đã có chủ, dù trên hiện trường chưa thấy “dự án - nhà máy” đâu.

Nhìn từ các con số thống kê, những nghi ngại này hoàn toàn có cơ sở. Một báo cáo của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ)(1) cho thấy, năm 2012 có 42 dự án điện gió được đăng ký đầu tư tại 11 tỉnh phía Nam. Trong 42 dự án đó, thời điểm 2012 có 27 dự án đang thực hiện báo cáo đầu tư, 12 dự án được duyệt phương án đầu tư, hai dự án hoàn thành thiết kế kỹ thuật và chưa có dự án nào được thi công. Tuy nhiên, đến thời điểm 2017, cũng theo thống kê từ GIZ, chỉ có năm nhà máy điện gió hoàn thành và đưa vào vận hành và năm dự án khác đang thi công(2). Số lượng dự án nằm trên giấy như vậy là quá lớn.

Dù việc cấp phép vẫn hoàn toàn đúng quy trình - có kiểm tra, có đánh giá năng lực và mục đích của nhà đầu tư - nhưng số lượng dự án “đầu cơ” vẫn lớn hơn nhiều so với dự án “đầu tư” thực sự!

Thực trạng này rõ ràng làm thiệt hại đến thị trường nói chung và những doanh nghiệp muốn đầu tư chân chính nói riêng. Bởi khi những “dự án đẹp” đã bị “xí phần”, họ buộc phải mua lại với chi phí cao hơn. Thị trường do đó phải gánh chịu chi phí trung gian không cần thiết.

Minh bạch hóa thông tin trên thị trường, trong đó bao gồm minh bạch hóa quy hoạch, quy trình cấp phép và minh bạch hóa thông tin giám sát thực thi, do đó là yêu cầu cần thiết để thị trường vận hành hiệu quả hơn. Nhất là trong bối cảnh nguồn vốn tài trợ cho thị trường năng lượng tái tạo phụ thuộc khá lớn vào các nhà đầu tư nước ngoài, yếu tố minh bạch càng phải được đặt lên hàng đầu.

Tiềm ẩn rủi ro đất đai

Đất đai là vấn đề tiếp theo có thể tiềm ẩn những rủi ro dẫn tới xung đột. Trong các loại hình năng lượng tái tạo, điện mặt trời lẫn điện gió đều sử dụng một diện tích đất đáng kể. Ví dụ, quy hoạch vùng tiềm năng dành cho điện gió của tỉnh Bến Tre chiếm tới 16,95% diện tích của tỉnh; Cà Mau chiếm 16,91%; Sóc Trăng chiếm 11,58%. Vì vậy, quỹ đất nông nghiệp chuyển đổi cho năng lượng sẽ là rất đáng kể.

Nếu cách thức thu hồi đất vẫn được thực hiện như thông lệ phổ biến hiện nay, tức tỉnh đứng ra thu hồi đất và giao cho nhà đầu tư thay vì nhà đầu tư trực tiếp thương lượng để nhận chuyển nhượng lại quyền sử dụng đất từ người dân, thì rủi ro sẽ là rất lớn. Do giá đất (quyền sử dụng đất) nông nghiệp vẫn còn khá rẻ, các nhà đầu tư sẽ không ngần ngại tìm cách “vẽ” dự án rồi thông qua chính quyền địa phương để giành đất, giữ chỗ như vừa phân tích ở trên. Thiệt hại kép sẽ thuộc về những doanh nghiệp chân chính lẫn người dân. Người dân không được chuyển nhượng đất nông nghiệp theo giá thị trường một cách công bằng; trong khi đó, những doanh nghiệp đầu tư đích thực cũng khó tiếp cận được quỹ đất và vị trí đất cần thiết với chi phí hợp lý.

Lời giải cho vấn đề này nằm ở hai yếu tố. Thứ nhất, minh bạch thông tin và giám sát chặt chẽ quy trình đăng ký đầu tư lẫn cấp phép của cơ quan quản lý. Và thứ hai, quan trọng hơn, việc thực hiện chuyển đổi đất đai từ người dân sang doanh nghiệp phải bắt buộc đi theo con đường thương lượng dân sự. Chính quyền cấp tỉnh tuyệt đối không được vin vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội để đứng ra thu hồi đất và giao cho doanh nghiệp làm dự án.

Với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân được duy trì xấp xỉ hơn 6%/năm cùng việc nhu cầu điện năng phục vụ phát triển kinh tế tăng gấp đôi tốc độ tăng GDP, nhu cầu năng lượng của Việt Nam là đặc biệt cao, cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn. Sự bùng nổ các dự án điện gió, điện mặt trời, vì thế là tín hiệu đáng lạc quan xét trong bối cảnh thủy điện đã chạm đến tiềm năng khai thác tối ưu và nhiệt điện than gây ra chi phí quá lớn cho môi trường và sức khỏe người dân. Tuy nhiên, để thị trường năng lượng tái tạo có thể phát triển lành mạnh, năng lực quản trị, đặc biệt là vấn đề minh bạch thông tin, cần phải gấp rút được giải quyết.

Theo TBKTSG

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến