Sabeco: Cánh chim không mỏi sải cánh về đâu?
13/02/2015 12:51:32
ANTT.VN - “Dù bạn không cao nhưng người khác cũng phải ngước nhìn” – Đúng như câu slogan vang danh cho dòng sản phẩm Sài Gòn Special nổi tiếng của mình, với định hướng phát triển đúng đắn và lâu dài, thương hiệu bia lâu đời nhất Việt Nam đang khiến các “ông lớn” khắp thế giới phải ngước nhìn không chỉ trên sân nhà mà đang dần vươn tầm ra thị trường quốc tế.

Tin liên quan

Thương hiệu bia 140 năm và câu chuyện về một cách chim không mỏi

Tháng 6 tới đây, Bia Sài Gòn – dòng bia Việt lâu đời nhất sẽ chính thức đón mừng sinh nhật thứ 140 và kỷ niệm 39 năm phát triển thương hiệu.

Với tuổi đời vắt ngang qua ba thế kỷ và khởi thủy chỉ là một xưởng nấu bia thô sơ (mà mục đích chính thì lại là sản xuất nước đá để tiêu thụ tại xứ nhiệt đới) nằm lấp bóng trong những tán mướt xanh trên góc phố mà ngày nay là đường Nguyễn Chí Thanh của “Hòn ngọc Viễn Đông” cũng đang thời kỳ khởi dựng, anh chàng kỹ sư Công Nghiệp (Arts et Métiers – Paris) kiêm sĩ quan hàng hải (giải ngũ tại Sài Gòn) Victor Larue đã cất chưng những mẻ mạch đầu tiên để cho ra đời một loại bia mà thương hiệu đã trở thành một phần lịch sử say nồng của Sài Gòn hoa lệ; trải qua những biến trải sâu sắc của thời cuộc,  sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, giữa năm 1977 Công ty Rượu bia miền Nam (tiền thân của Tổng công ty CP Bia – Rượu - NGK Sài Gòn Sabeco) tiếp nhận cơ ngơi cũ đổi tên thành Nhà máy bia Sài Gòn, mở ra một giai đoạn mới, giai đoạn của vượt bão, khẳng định, phát triển, vươn tầm và hội nhập.

Tháng Sáu tới đây, Bia Sài Gòn sẽ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 140 của mình

Với 46 đơn vị thành viên trải rộng địa bàn hoạt động trên khắp các vùng miền, trong đó, phát triển 24 nhà máy sản xuất Bia Sài Gòn, hệ thống công ty CPTM trên 10 khu vực với 37 chi nhánh trên toàn quốc, Sabeco vẫn tiếp tục khẳng định vị thế “cánh chim đầu đàn” của không chỉ phân mảng bia mà còn cả ngành đồ uống Việt. Nếu như tại thời điểm khai sinh Sabeco, sản lượng Bia Sài Gòn mới đạt mức 21,5 triệu lít thì đến hết năm 2014 con số trên đã được nhân lên tới hơn 63 lần, với chủng loại sản phẩm đa dạng, đa “gu”, đáp ứng tối đa thị hiếu  thưởng thức khác nhau cho các khách hàng, đồng thời, đưa Bia Sài Gòn đến gần hơn, thân hơn và  trở thành người bạn quen thuộc của hàng triệu người dân Việt. Cụ thể, theo kết quả khảo sát gần đây của công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, sản phẩm 333 đứng vị trí thứ 3 trong top 5 thương hiệu đồ uống được chọn mua nhiều nhất tại Việt Nam hay theo báo cáo của Nielsen tháng 9/2014, hiện tại thị phần của Bia Sài Gòn đang chiếm tới 39% thị trường nội địa.

Không chỉ khẳng định vị thế, mở rộng thị phần trong nước, sản phẩm của Sabeco cũng đã vượt khỏi biên giới Việt, có mặt ở 17 quốc gia, chinh phục được các thị trường khó tính như: Đức, Mỹ, Nhật, Hà Lan…Trong đó, Saigon Export đã có mặt ở siêu thị Tesco – hệ thống siêu thị lớn nhất tại Anh.  Bia Sài Gòn đang  xếp vị trí thứ 21 trong các tập đoàn sản xuất bia lớn nhất thế giới, nằm trong top 3 các nhà sản xuất Bia hàng đầu khu vực Đông Nam Á và là thành viên thứ 351 tại Học viện Bia Berlin – một trong những cái nôi của văn hóa bia toàn cầu.

Theo số liệu được công bố trong dịp tổ chức sơ kết tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2014, triển khai phương hướng thực hiện kế hoạch năm 2015 và nhận cờ thi đua đơn vị xuất sắc của Bộ Công Thương  vào ngày 8/1 vừa rồi, các chỉ tiêu kinh doanh của Sabeco đều đã vượt so với kế hoạch năm: Sản lượng tiêu thụ bia Sài Gòn đạt 1.356 triệu lít, bằng 102% kế hoạch, tăng 3% so với cùng kỳ; tổng doanh thu đạt 29.788 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch, tăng 4% so với cùng kỳ; tổng nộp ngân sách đạt 6.985 tỷ đồng, bằng 103% kế hoạch, tăng 5% so với cùng kỳ. Cùng với đó, trong năm 2014, Sabeco đã ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế tới 3.914 tỷ đồng, đạt 107% kế hoạch năm và tăng 9% so với cùng kỳ.

Chia sẻ về những kết quả đầy ấn tượng trên, Bà Phạm Thị Hồng Hạnh – Tổng giám đốc Sabeco cho biết, trong năm qua, Sabeco đã phối hợp cùng Viện Chiến lược, Bộ Giao thông Vận tải đánh giá hệ thống logistics hiện có nhằm giảm chi phí, hợp lý hóa cung đường vận tải. Sabeco cũng đưa các dự án đầu tư mới vào sản xuất (nhà máy bia Sài Gòn – Sóc Trăng, Sài Gòn – Vĩnh Long); triển khai dự án nhà máy bia Sài Gòn – Kiên Giang, triển khai hệ thống nhân men tại nhà máy Sài Gòn – Hà Tĩnh; đầu tư đổi mới dây chuyền chiết chai, tank nằm ngang sản xuất bia cao cấp tại nhà máy bia Sài Gòn – Nguyễn Chí Thanh, nhà máy Sài Gòn – Củ Chi.

“Dù bạn không cao nhưng người khác vẫn phải ngước nhìn”

Liên tục khẳng định vị thế số một trong ngành đồ uống Việt và đang nỗ lực vươn tầm ra thế giới, tuổi 140 của Bia Sài Gòn đươc xác định là một bước chuyển mình và không ngừng phát triển với nhiều hoài bão lớn, tuy nhiên, con đường thành công không trải hoa hồng…

Nhận định về tình hình thị trường và đề ra phương hướng hoạt động cho Sabeco trong 2015, dấu mốc quan trọng trong chặng đường lịch sử của Bia Sài Gòn, TGĐ Phạm Thị Hồng Hạnh cho hay: các khó khăn về giá cả, nguyên vật liệu, biến đổi khí hậu là các yếu tố bất lợi cho sự phát triển kinh tế trong nước, ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng và tốc độ tiêu thụ sản phẩm bia Sài Gòn. Với việc Chính phủ bỏ trần khống chế chi phí quảng cáo 15% và giá xăng dầu giảm sẽ giúp chi phí vận tải giảm tương ứng so với năm 2014 là thuận lợi lớn, nhưng cũng là thách thức cho các DN trong bối cảnh thị trường nội địa chịu nhiều sức ép cạnh tranh, đặc biệt từ các thương hiệu nước ngoài. Dự báo năm nay, Sabeco tăng trưởng 1% sản lượng và 4% doanh thu so với cùng kỳ.

2015 cũng được đánh giá là một năm hội nhập của cả nền kinh tế, hàng loạt hiệp định thương mại sẽ được kết thúc đàm phán, ký kết và chính thức đi vào hiệu lực, hàng rào thuế quan nhiều mặt hàng sẽ được dỡ bỏ cơ bản theo đúng lộ trình; cùng với đó, xét riêng đối với phân mảng đồ uống, chắc chắn cuộc chiến thị phần sẽ ngày thêm chật chội với sự góp mặt của hàng loạt “tay chơi” lớn. Có thể khẳng định chưa có bao giờ và ở đâu thị trường bia lại cạnh tranh khốc liệt như lúc này; các hãng bia lớn trên thế giới gần như đã hội tụ đông đủ ở Việt Nam như Mỹ, Nhật, Nam Mỹ, Hà Lan, Hàn Quốc, Thái Lan… Độ giãn cách của các phân khúc thị trường lại quá lớn. Không đâu như ở Việt Nam, có thể uống một cốc bia hơi với giá 6.000 đồng, nhưng cũng có thể mua 1 lít bia với giá lên tới 2 triệu, gấp trên 100 lần, trong khi ở các nước, độ giãn cách thông thường dưới 10 lần. Chính vì thị trường có độ sai biệt lớn, nhiều đối thủ cạnh tranh, với nhiều cấp độ giá cả, nên thị trường về cơ bản nằm trong tay người mua, và vì thế, phải tổ chức lại hoạt động thị trường, tăng cường quảng cáo, tiếp thị, tìm phân khúc cho sản phẩm, phân định lại thị trường, ứng với mỗi vùng, miền, văn hóa khác nhau thì có sản phẩm nào, cách tiếp thị tương ứng…, tất cả phải bài bản.

Các dòng sản phẩm của Sabeco đã khắc sâu trong tâm khảm mỗi người tiêu dùng

Muốn tồn tại, đứng vững và phát triển trong một điều kiện kinh doanh mới không còn cách nào khác ngoài việc phải biết tiên liệu, lường đoán và thích ứng với những thách thức mới, tự vận động, tự cải tiến, đón đầu xu  hướng, nắm giữ cơ hội và chủ động biến những trở lực thành động lực.

Nhận thức được điều này, ngay từ sớm, Sabeco đã tích cực chuyển mình, đa dạng hóa sản phẩm, cải tiến mẫu mã, đổi mới dây chuyền để hội nhập, khẳng định và củng cố vị thế “cánh chim đầu đàn” của làng bia Việt.

Thành công của Sabeco đã được người tiêu dùng và các hãng cạnh tranh công nhận, Bia Sài Gòn đã là một thương hiệu lớn, nhưng ban lãnh đạo chưa bao giờ cảm thấy ung dung. Chia sẻ với báo giới, Chủ tịch HĐQT Sabeco Phan Đăng Tuất từng chia sẻ, trong cuộc đua thị trường, chỉ cần mình im hơi lặng tiếng một chút là khách hàng đặt câu hỏi ngay. Ông chiêm nghiệm rằng, hình như trong các cuộc chạy đua marathon, người về đích chặng đầu thì ít về đích chặng cuối. Bởi thế, ông cho rằng, phải biết phân bổ nguồn lực để dẫn đầu đoàn đua từ đầu đến cuối, đó là sức ép lớn nhất của người dẫn đầu và ông luôn nhận thức khó khăn nhiều hơn thuận lợi, bởi đánh mất dễ hơn là duy trì tiếng tốt. Hơn thế nữa, quá trình tái cấu trúc của một doanh nghiệp dẫn đầu về sản lượng bia ở Việt Nam mới chỉ bắt đầu. Quan điểm của ban lãnh đạo khi tái cấu trúc Sabeco là nhằm tạo cho doanh nghiệp một hình ảnh mới, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn với ba phương châm: Thứ nhất là nhất thể hóa quy trình sản xuất - tiêu thụ; quán triệt từ sản xuất đến đầu ra (khâu tiêu thụ) và hậu đầu ra (khâu chăm sóc khách hàng); Thứ hai là tái cấu trúc theo hướng minh bạch hóa. Mặc dù là doanh nghiệp chưa niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, nhưng Sabeco là công ty đại chúng lớn nên đã triển khai việc báo cáo tài chính, kiểm toán 6 tháng/lần; Thứ ba, hiện đại hóa quản trị.

“Dù bạn không cao nhưng người khác cũng phải ngước nhìn” – Đúng như câu slogan vang danh cho dòng sản phẩm Sài Gòn Special nổi tiếng của mình, với định hướng phát triển đúng đắn và lâu dài, thương hiệu bia lâu đời nhất Việt Nam đang khiến các “ông lớn” khắp thế giới phải ngước nhìn không chỉ trên sân nhà mà còn vươn tầm ra thị trường quốc tế.

Ninh Giang

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến