Dòng sự kiện:
Saigonbank đang tự đặt 'bẫy tăng trưởng' cho chính mình?
15/07/2018 10:05:22
Mặc dù phần lớn các chỉ tiêu này so với 2016 đều có tăng trưởng, song phần nào vẫn phản ánh bước lùi tổng thể về năng lực lên kế hoạch, dự báo và thực thi của các nhà điều hành Saigonbank.

Lên kế hoạch kinh doanh tích cực, nhưng nhiều năm Ngân hàng TMCP Sài Gòn (Saigonbank) đạt kết quả không thực sự khả quan. Trong hoạt động kinh doanh 2 năm gần nhất 2016-2017, Saigonbank đều có các chỉ tiêu tài chính được đặt ra khá cao so với năng lực của mình.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2017 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín, tính đến 31/12/2017, tổng tài sản tính đến hết năm đạt 21.319 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước.Tiền gửi khách hàng tăng nhẹ đạt 14.849 tỷ đồng. Cho vay khách hàng ghi nhận hơn 13.988 tỷ đồng, tăng hơn 12%. 

Tuy nhiên, năm 2017, lợi nhuận trước thuế của Saigonbank chỉ đạt 71 tỷ đồng, giảm 60% so với năm trước và mới chỉ đạt hơn 26% kế hoạch cả năm. Tỷ lệ nợ xấu đạt 2.97% tổng dư nợ.

Trong tài liệu phục vụ ĐHĐCĐ thường niên 2018, Ngân hàng Saigonbank đặt mục tiêu tổng tài sản tính đến cuối năm 2018 đạt 23,500 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện năm 2017. Huy động vốn dự kiến đạt 20,000 tỷ, dư nợ cho vay 15,800 tỷ đồng, tăng khoảng 12-13% so với năm 2017. Thanh toán đối ngoại ước đạt 310 triệu USD, bằng mức thực hiện năm 2017. Nợ xấu dưới 3% tổng dư nợ.

Lật lại BCTC quý 1/2018 của ngân hàng này thấy được, tính đến ngày 30/3, tổng tài sản của ngân hàng đạt 20,9 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm. So với toàn ngành ngân hàng, tổng tài sản của Saigonbank được liệt vào mức thấp. 

Các hoạt động kinh doanh trong kỳ cũng không có gì nổi bật, cho vay khách hàng đạt 13,7 nghìn tỷ, giảm so với hồi đầu năm. Tiền gửi của khách hàng tăng nhẹ và không đáng kể, lên 15,7 nghìn tỷ đồng.

Theo số liệu trên báo cáo tài chính của Saigonbank thì lợi nhuận trước thuế quý I/2018 giảm 5%, đạt 115 tỷ đồng so với con số 121 tỷ đồng cùng kỳ 2017. Ngân hàng này cũng thất thu đối với 378 tỷ đồng trong quý I/2018 do tín dụng giảm 2,7%, dừng ở con số tuyệt đối 13.727 tỷ đồng, lãi thuần giảm nhẹ so với cùng kỳ 2017 và đạt 158 tỷ đồng. Nợ xấu của ngân hàng này rất cao gần 4%, tăng mạnh so với 2,96% đầu năm nay.

Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng nhanh so với hồi đầu năm là 361 tỷ đồng, chiếm 66% tổng nợ xấu. Do đó, con số nợ xấu theo kế hoạch của năm 2018 liệu có đạt được hay không, rất cần sự cố gắng mạnh mẽ của ngân hàng "bé hạt tiêu" này. Nhất là trong thời điểm hiện tại, các ngân hàng đang chạy đua tăng vốn để đạt tiêu chuẩn của NHNN đề ra. Đây sẽ là một thách thức trong việc bảo toàn vốn tại Saigonbank.

Được biết, năm 2016, Saigonbank đã đạt lợi nhuận cao theo kế hoạch, là nhờ việc giảm trích lập dự phòng có “toan tính”. Với diễn biến của nợ xấu tăng lên (từ 2,63% lên 2,97% - thuộc mức cao nhất về tỷ lệ nợ xấu trong khối NHTM năm 2017), Saigonbank đã gây quan ngại về khả năng “thu lợi nhuận” từ “của để dành” là trích lập dự phòng rủi ro này, cho dù ngân hàng đặt quyết tâm thúc đẩy hoạt động xử lý thu hồi nợ.

Một chuyên gia nhận định phần nào nợ xấu đang được trích lập dự phòng rủi ro lớn của Saigonbank “nằm” ở các khoản cho vay gắn các doanh nghiệp có vốn Nhà nước/địa phương.

Hiện các ngân hàng “nhóm 4” đều đang có nhu cầu tăng vốn điều lệ nhằm nâng cao năng lực quản trị rủi ro, tăng năng lực đầu tư, mở rộng mạng lưới chi nhánh, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo quy định. Các NHTMCP thuộc nhóm này là BanVietCapital Bank, vốn điều lệ 3.000 tỷ; PGBank, vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, đang có kế hoạch sáp nhập vào HDBank; KienlongBank (3.000 tỷ đồng); NCB (3.010 tỷ đồng); GPBank (3.018 tỷ đồng); NamA Bank (3.021 tỷ đồng); BaoViet Bank (3.150 tỷ đồng) và VietABank (3.499 tỷ đồng)- theo số liệu cuối 2017. Trên nhóm này là các ngân hàng có vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng.

Bản thân Saigonbank cũng đã đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 4.080 tỷ đồng từ 2015-2016 nhưng đều “lỗi hẹn”. Nguyên do là thị trường chứng khoán không thuận lợi.

Trong một thông tin liên quan đến ngân hàng này, mới đây, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy quyết định thi hành kỷ luật hình thức cảnh cáo đối với đồng chí Phạm Văn Thông, nguyên Phó Chánh Văn phòng Thành ủy và đề nghị cho thôi giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Saigonbank.

Được biết, cơ cấu lãnh đạo của SaigonBank liên tục biến động, trong đó có vị trí Chủ tịch HĐQT khi ông Phạm Văn Thông vừa qua đã bị miễn nhiệm do sai phạm trong quá trình giữ chức Phó Chánh văn phòng Thành uỷ TP.HCM trước đây.

Và, ngay sau khi cựu chủ tịch bị kỷ luật, SaigonBank đã ra thông báo họp ĐHĐCĐ bất thường, dự kiến tổ chức trong tháng 8/2018 tại Tp.HCM.

Được biết, ông Phạm Văn Thông là nguyên Phó Chánh văn phòng Thành uỷ TP.HCM, và cũng chỉ mới ngồi "ghế" Chủ tịch SaigonBank từ tháng 6/2017 thay cho ông Trần Quốc Hải. Trong thông cáo được Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ TP.HCM phát đi ngày 6/7, ông Phạm Văn Thông cùng Chánh văn phòng bà Thái Thị Bích Liên và nhiều lãnh đạo Thành uỷ TP.HCM khác đã bị kỷ luật do sai phạm trong hai vụ việc: Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại Dự án khu dân cư Phước Kiển, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè và Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh Nhà Phú Nhuận hợp tác đầu tư để chuyển nhượng Dự án Khu nhà ở, phường An Phú, Quận 2.Ngoài kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo, Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ TP.HCM còn đề nghị cho thôi chức Chủ tịch HĐQT SaigonBank đối với ông Phạm Văn Thông.

Ở SaigonBank, Văn phòng Thành uỷ TP.HCM và Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh Nhà Phú Nhuận là hai cổ đông lớn nhất, nắm giữ lần lượt 18,18% và 16,64% vốn. Hai cổ đông lớn còn lại là Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hoà (16,35%) và Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (14,08%). Đầu năm nay, xuất hiện thông tin nhóm cổ đông Văn phòng Thành uỷ TP.HCM sẽ thoái hết vốn tại SaigonBank.

Thu Hà

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến