Dòng sự kiện:
Tâm sự phóng viên trẻ mới vào nghề: Những thử thách không tên
21/06/2018 08:24:09
Vừa mới chập chững bước vào nghề báo, phóng viên trẻ không chỉ gặp những khó khăn về mặt nghiệp vụ mà còn những thử thách không tên khác...

Bạn Trương Khánh, cộng tác viên báo Công an TP Hồ Chí Minh: Thiếu tư cách pháp nhân khi làm nghề

Trương Khánh đang ghi nhận tình trạng biển báo hư hỏng ở huyện Nam Đông (Thừa Thiên - Huế).

Từ thời sinh viên khi đang học tại trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên - Huế, vì bản thân thường xuyên tham gia hoạt động xã hội nên tôi thỉnh thoảng có viết các dạng tin cho trang web đoàn trường. Xuất phát từ đó dạng tin kiểu vậy, tôi bắt đầu thích nghề viết lách.

Tốt nghiệp trường cao đẳng, dù cơ hội việc làm có nhưng vì yêu nghề báo nên tôi tập tễnh cộng tác tin bài cho nhiều tờ báo như: Giáo dục và Thời đại, báo Thừa Thiên - Huế, Tạp chí Quê hương Ngày nay và hiện tại là công tác viên thường xuyên của báo Công an TP HCM.

Khoan nói về nghiệp vụ, một cộng tác viên thì khó khăn đầu tiên là việc tiếp cận thông tin về những vấn đề nóng, dư luận quan tâm nhưng bản thân chưa được tờ báo mình cộng tác cấp giấy giới thiệu với tư cách pháp nhân là người làm báo.

Vì vậy, nhiều thông tin phải tự tìm hiểu bằng các nguồn riêng hoặc theo kiểu "50:50", nghĩa là việc cơ quan chức năng thích trả lời hay không là tùy "cảm hứng" của họ. Do đó, độ rủi ro thông tin rất cao so với những phóng viên chính thức của các tờ báo khác.

Ngoài ra, do chưa có thu nhập ổn định nên việc đầu tư các phương tiện máy móc cho nghề vẫn còn khó khăn, trong khi yêu cầu nhiệm vụ tin bài lại cần có phương tiện hiện đại. Nếu không vì đam mê thì rất dễ bỏ cuộc.

Bạn Nguyễn Tuấn Hiệp, cộng tác viên Tạp chí Khám phá: Cách làm mới đề tài, tìm sự riêng biệt

Tuấn Hiệp tác nghiệp tại Festival Huế 2016.

Do địa bàn hoạt động ở Thừa Thiên - Huế là nơi đào tạo hàng nghìn sinh viên báo chí hằng năm nên các đề tài "nằm" ở đây thường bị các cộng tác viên là sinh viên học báo "cày nát".

Bởi vậy, khi mới ra trường, sau khi chọn tờ báo cống hiến lâu dài, thì với tôi khó khăn trước mắt là không chỉ cách tìm ra đề tài mới mà còn là cách làm mới đề tài "cũ" để có góc nhìn riêng biệt tạo nên dấu ấn cho bản thân.

Là phóng viên chuyên viết về những thành tựu về kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo khởi nghiệp cho tỉnh nhà, do đó, tôi cũng rất mong chính quyền quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ cung cấp thông tin để có những bài viết hay, bổ ích.

Bạn Nguyễn Văn Dinh, PV báo Tài nguyên và Môi trường: Giữ mình trước cám dỗ

Văn Dinh đang ghi nhận phản ánh nhiều người dân thôn 4, xã Điền Hòa, huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) về việc chính quyền xã cấp đất trái thẩm quyền.

Tôi đam mê nghề báo từ khi còn là học sinh và có thể nói sự đam mê ấy đã giúp tôi vượt qua những khó khăn ban đầu với nghề. Đến nay, tôi đã tròn 1 năm ra trường và đi làm báo. Dù sinh viên đã đi viết, trải nghiệm nhưng khi thật sự bước chân vào môi trường báo chí chính thức, tôi vẫn còn bỡ ngỡ.

Buổi ban đầu, nguồn tin cũng như sự quen biết còn thiếu, thấy các anh chị phóng viên đi trước đăng tin bài lên thì thường bản thân chỉ biết đi viết lại. Dần dần khi đã tự khai thác đề tài, mày mò để tạo sự khác biệt, đi nhiều để tiếp xúc với thực tế thì khi ấy mới tự tin hơn trong các kỹ năng.

Đặc biệt, khi mới ra trường, do sự trải nghiệm chưa nhiều nên khả năng xã giao còn rụt rè, ngôn ngữ nói còn hạn chế nên nhiều nơi họ không tin tưởng và ngại cung cấp thông tin.

Với lại, nghiệp vụ viết không chỉ là yêu cầu về câu chữ ngữ pháp mà còn chặt chẽ về mặt bản chất nội dung, do còn non kinh nghiệm nên đôi khi mắc phải lối viết chủ quan, viết thiếu ý…

Các phóng viên trẻ trong một lần tác nghiệp về công tác chấn chỉnh vỉa hè ở Huế.

Bên cạnh đó, do bản thân thường lao vào các đề tài phản ánh mặt trái xã hội như ô nhiễm môi trường, doanh nghiệp xả thải, khai thác tài nguyên trái phép… nên có những lúc doanh nghiệp bị phản ánh tự tìm đến và "ngả giá" để không viết bài.

Nếu không vì trách nhiệm người làm báo, không vì trách nhiệm với người cung cấp thông tin, đặc biệt với áp lực cuộc sống "cơm áo gạo tiền" thì trước những cám dỗ này, phóng viên trẻ rất dễ sa ngã.

Với tuổi đời còn non trẻ, tôi không bao giờ cho phép mình có sự ỷ lại, không bao giờ ảo tưởng về nghề mà luôn luôn cố gắng trau dồi về chuyên môn, học hỏi tôn trọng những anh chị đồng nghiệp và tìm kiếm những mối quan hệ tốt, từ đó nỗ lực bản thân để không ngừng vươn lên.

Bạn Nguyễn Hiền, PV Tạp chí Môi trường và Đô thị điện tử: Dung hòa các mối quan hệ

PV Nguyễn Hiền tác nghiệp tại Đại nội Huế.

Lúc đầu tôi cứ nghĩ viết báo cũng dễ dàng nhưng chỉ khi bước chân vào môi trường ấy, tôi mới cảm thấy mọi thứ rất nhiều khó khăn.

Hóa ra, làm báo không chỉ làm tốt về mặt nội dung mà còn phải biết dung hòa những mối quan hệ trong nghề.

Có những đề tài phản ánh mặt trái, sau khi tiếp cận thông tin đầy để chuẩn bị viết bài đưa lên công luận thì nhận những cuộc điện thoại "can thiệp" của nhiều người, trong đó có cả các đồng nghiệp đi trước. Lúc này, bản thân là người làm nghề trẻ, non kinh nghiệm nên cảm thấy phân vân khi đứng giữa ngã ba đường: hoặc viết hoặc dừng lại. Dừng lại thì cảm thấy day dứt nghề, day dứt với nguồn tin mà viết tiếp thì "mất lòng" với đồng nghiệp đi trước.

Tất nhiên đó chỉ là một vài trường hợp nhỏ, bên cạnh tôi vẫn còn những người anh, người chị, người thầy chân chính với nghề, họ luôn dẫn dắt, động viên tôi tiếp tục theo đuổi ước mơ trên con đường mình đã chọn.

Lê Kông (thực hiện)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến