Dòng sự kiện:
Tăng giá trị hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ
05/06/2018 11:00:29
Thay vì xuất thô, DN Việt đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chế biến thu về lợi nhuận cao.

Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, trong hơn 10 năm qua, Hoa Kỳ là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 41,6 tỷ USD, chiếm hơn 20% tỷ trọng xuất khẩu. Hiện tại, Việt Nam là đối tác xếp thứ 12 về xuất khẩu hàng hóa vào Hoa Kỳ, xếp thứ 27 về nhập khẩu hàng hóa và là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Hoa Kỳ.

Các DN Việt Nam cần đẩy cao giá trị gia tăng cho hàng hóa khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhận định, trong quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, hai nền kinh tế có tính chất bổ trợ cho nhau. Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển, có nhu cầu nhập khẩu lớn đối với nhiều loại máy móc, thiết bị công nghệ cao, các sản phẩm nông nghiệp làm đầu vào cho hoạt động sản xuất.

Trong khi đó, Hoa Kỳ lại có xu hướng nhập khẩu những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng và các sản phẩm mà Việt Nam vốn có lợi thế cạnh tranh trong sản xuất. Dù kim ngạch tăng trưởng nhưng cần nhìn rõ một điều là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam hiện nay vào thị trường Hoa Kỳ vẫn là các mặt hàng truyền thống như dệt may, da giày, đồ gỗ, máy móc thiết bị điện tử…

Các sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao hay các sản phẩm tiêu dùng cao cấp, liên quan trực tiếp tới sức khỏe con người vẫn chiếm tỷ trọng không đáng kể trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này.

Như vậy, việc tăng trưởng các phân khúc sản phẩm chất lượng cao là điều cần thiết. Để làm được điều này đòi hỏi các DN phải nỗ lực. Tuy nhiên, thách thức lớn đối với DN xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ là phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường. Hệ thống pháp luật của Hoa Kỳ đặt ra rất nhiều quy định chặt chẽ đối với hàng nhập khẩu. Ngoài luật liên bang, mỗi tiểu bang lại có những quy định khác nhau.

Theo đó, DN Việt Nam muốn đưa hàng vào thị trường Hoa Kỳ, cụ thể là tiểu bang nào thì phải tìm hiểu luật, những quy định tại tiểu bang đó, cũng như luật Liên bang có liên quan. Ngoài ra, xu hướng bảo hộ thông qua việc ban hành các quy định, tiêu chuẩn mới, có tính phức tạp về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt là đối với các sản phẩm nông-lâm- thủy sản cũng ngày càng được Hoa Kỳ tăng cường áp dụng.

Một điều cần chú ý nữa, chính sách thương mại năm 2018 mới của Hoa Kỳ vừa được công bố sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam, nên việc duy trì mức kim ngạch hiện tại, hay thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường này không phải dễ dàng.

Chia sẻ về cách thức vượt qua những rào cản của thị trường Hoa Kỳ đối với ngành thủy sản trong những năm qua, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, Vasep luôn đồng hành cùng các DN thuỷ sản tiến hành các biện pháp cụ thể nâng cao hiệu quả của công tác kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm chất lượng. DN thuỷ sản xem đây là giải pháp chiến lược để vượt qua thách thức và rào cản của thị trường.

Ngoài ra, hiệp hội cùng các DN tích cực tìm hiểu và cập nhật thông tin để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cũng như cải tiến và khắc phục những thiếu sót, đáp ứng tốt hơn yêu cầu đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đối với hàng hoá xuất khẩu.

Bà Virginia Foote, Hội đồng thành viên Amcham cho rằng, các DN Việt Nam cần đẩy cao giá trị gia tăng cho hàng hóa khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ, cũng như định hướng thị trường thật tốt. Để đảm bảo hoạt động xuất khẩu, giữ thị trường, hàng hóa phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như chủ nghĩa bảo hộ. Vì vậy, các DN Việt Nam nên liên kết, phối hợp, hợp tác với các DN bản địa để có thể nâng cao giá trị cho hàng hóa, tăng sức cạnh tranh. Đồng thời, DN nên chú trọng đầu tư máy móc, công nghệ, gia tăng chế biến hàng chất lượng cao, thu về lợi nhuận lớn thay vì chỉ xuất thô như trước đây.

Theo Thời báo Ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến