Dòng sự kiện:
Thăm 'Vương Quốc Nồi Đất', nơi giữ lửa nghề hàng trăm năm
17/01/2021 09:56:45
Nghề làm nồi đất ở xã Trù Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) đã có lịch sử hàng trăm năm, cứ cha truyền con nối từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Xã Trù Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) cách TP Vinh khoảng 80km về phía Tây. Trù Sơn có vị trí địa lý là vùng đất bán sơn địa, đời sống nhân dân chủ yếu là làm nông nghiệp và làm nồi đất.

Chúng tôi về thăm làng nghề nồi đất đầu những ngày đông, gió Bắc thổi từng cơn khiến cái lạnh thêm giá buốt, đi trên quốc lộ 7C (đường N5) dễ dàng nhận biết lối rẽ vào làng nồi Trù Sơn khi thấy những cột khói rơm rạ bốc cao. Chúng tôi rẽ vào con đường vừa mới được bê tông hoá, hai bên ruộng đồng đang chuẩn bị vào vụ Đông. Càng vào sâu thì mùi rơm cháy, khói từ các lò nung nồi càng thấy gần hơn. 

Nghề chỉ truyền được cho phụ nữ

Chẳng ai nhớ hay có ghi chép tài liệu nào về lịch sử ra đời của làng nồi Trù Sơn. Những người già cũng chỉ biết từ khi sinh ra, đã thấy ông bà, cha mẹ mình cần mẫn bên gánh đất sét. Theo câu chuyện mà dân gian truyền miệng, xưa kia nghề nồi đất vốn ở huyện Nghi Lộc (Nghệ An) nhưng chỉ truyền cho con dâu.

Về sau, có cô con gái nhà nọ lấy chồng về làng Trù Sơn, huyện Đô Lương, vất vả thiếu thốn nên được mẹ đẻ phá lệ, bí mật truyền nghề. Nhờ vậy bà con nơi đây cũng được học theo. Lại có truyền thuyết cho rằng, chính công chúa con vua Trần đã dạy cho người dân Trù Sơn làm nồi đất để cuộc sống bớt cơ cực. Nhưng với xuất xứ nào, qua hàng trăm năm, đây vẫn là làng nồi duy nhất còn lại của xứ Nghệ.

Những người phụ nữ có bàn tay khoé léo nhào nặn nồi đất

Điều đặc biệt, từ bao đời nay, nghề làm nồi chỉ được truyền lại cho phụ nữ dù là con dâu hay con gái. Lý do đơn giản vì làm nghề nồi cần đức tính nhẹ nhàng, khéo léo, cẩn thận... Làm nồi đất, muốn nhanh cũng không được, phải từ từ, nhẫn nại, dùng lực không quá nhẹ cũng không quá mạnh, như vậy, nồi mới tròn và có độ dày đều. 

Chính vì vậy, ở làng nồi Trù Sơn, người phụ nữ lại trở thành trụ cột, lao động chính; nếu như nhà nào ít con gái thì sẽ rất vất vả. Như gia đình bà Nguyễn Thị Hoản (87 tuổi, làng Thượng Giáp, xã Trù Sơn) có 6 người con trai, không có một cô con gái nào nên công việc làm nồi một mình bà gánh vác. Chồng mất sớm, một mình bà nuôi các con bằng mấy sào ruộng và những ngày còng lưng làm nồi. 

“Nhà họ đông người, làm được nhiều, đi bán khắp nơi. Còn tôi sức lực có hạn, làm được ít thì đến phiên mang ra chợ Trù ngồi bán, chờ thương lái đến nhập. Sau này, con trai lớn, có con dâu mới thêm người phụ giúp”, bà Hoản nhớ lại.

Nung nôì đất là qui trình quan trọng để cho ra sản phẩm chất lượng

Ở làng nồi đất Trù Sơn, đàn ông, trai tráng đảm nhận việc đi đào đất, kéo đất sét từ mạn Nghi Văn, huyện Nghi Lộc hoặc xã Sơn Thành, huyện Yên Thành cách làng 8 – 10km. Ngày trước, chưa có xe cộ, vai những người đàn ông làng nồi hằn vết chai sần của dây thừng kéo đất. Họ cũng là người dùng đôi tay, bàn chân nhào, giẫm đất cho nhuyễn, loại bỏ từng viên sạn nhỏ. 

Bên cạnh đó, đàn ông đi gom lá, cành cây khô về làm củi đốt và cẩn thận xếp hàng trăm chiếc nồi để nung chín trong suốt nửa ngày. Và khi có thành phẩm, họ sẽ xếp đủ loại nồi to nhỏ lên xe thồ, cơm đùm cơm nắm, rong ruổi đi bán khắp nơi vào Hà Tĩnh, Quảng Bình hay ra tận Thanh Hóa, Hà Nam. 

Ông Nguyễn Đình Thảo, trú xóm 10, xã Trù Sơn cho biết, mỗi chuyến đi kéo dài 1 – 2 tuần, bán cho đến khi hết nồi hoặc nếu còn ít thì gửi lại cho các nhà buôn rồi quay về làng, tiếp tục chuẩn bị cho mẻ mới.

Tôi cũng từng thồ nồi đất đi bán, nhưng chỉ xuống đến thành phố Vinh rồi quay về vì nhà không có người làm.

Giữ lửa nghề cha ông

Dừng chân vào nhà gia đình bà Nguyễn Thị Anh, ở xã Trù Sơn, huyện Đô Lương, chúng tôi quan sát thấy xung quanh đã sẵn rơm rạ, những cành khô thuộc loại có dầu như thông, vọt.. đang chuẩn bị được nhóm lửa. Công đoạn nung nồi là quan trọng nhất để cho ra sản phẩm chất lượng. Đáng chú ý, ngọn lửa nung không khi nào được tắt, nên tất cả người trong nhà được huy động để giữ cho lửa.

“Vì phải mất đến 4 – 5 tiếng đồng hồ để nung nồi nên chúng tôi thường bắt đầu vào buổi trưa, đến chiều tối là vừa xong. Nhưng không phải cứ cho chất đốt vào cứ thế nung, mà phải qua nhiều lần trở nồi, nên vô cùng vất vả và cực nhọc”, bà Anh nói.


Những sản phẩm vừa mới ra lò

Sau khi những bàn tay khéo léo đã nhào nặn xong những chiếc nồi, chúng được  xếp ngửa thành từng ụ lớn. Cái nhỏ nằm trong cái to thành từng chồng, rồi đốt từ dưới lên để khói bao trùm toàn bộ lò nung. Sau khoảng 30 – 40 phút thì dừng lại, hạ nồi, đảo trên xuống dưới và nung tiếp cho đều. Giai đoạn “hơ nồi” là lâu nhất, cho đến khi khói ám đen cả trong lẫn ngoài toàn bộ số nồi thì tắt lửa. Lúc này, những người thợ lấy rơm ướt quấn xung quanh làm lớp vỏ lò, dùng thanh sắt và tận dụng những chiếc nồi hỏng làm vật chèn cố định lại, bắt đầu đốt đợt hai. Cứ cháy hết lớp vỏ này lại bồi thêm lớp khác, bao giờ rơm tàn mà ngọn lửa vẫn bốc lên từ miệng nồi nghĩa là đã chín. Mỗi lần nung như vậy gồm khoảng từ 250 – 300 chiếc nồi. 

Nhìn mẻ sản phẩm mới ra lò đã được xếp đặt cẩn thận ở góc nhà, bà Nguyễn Thị Anh hài lòng: “Hầu như không có cái nào nứt vỡ, ngày mai có thể gọi người đến nhập”. Rồi bà nói thêm, nghề này cực, các cụ ngày xưa từng bảo đây là nghề “bán xương nuôi thịt”. Làng Trù Sơn chiếm ba phần đồi núi, đất đai cằn cỗi. Mỗi nhà chỉ được vài sào ruộng mà còn phải nhờ trời mưa thuận gió hòa mới có gạo ăn. Không làm thêm nghề phụ thì lấy gì để sống, nuôi con cái lúc nông nhàn, giáp hạt. Thế nên đời ông bà đến con cháu kế tục giữ nghề làm kế sinh nhai đến tận bây giờ.

Người dân dùng rơm để nung nồi cho ra sản phẩm chất lượng

Nồi đất làng Trù Sơn không cầu kỳ, không nhiều hình dáng, có lẽ là làng nghề truyền thống trong văn hoá làm đồ gốm của người Việt xưa mà vẫn giữ y nguyên đến bây giờ. Các sản phẩm cũng không có cải tiến chỉ đơn giản gồm: nồi nấu cơm, đồ xôi, ngâm giá đỗ, kho cá, sắc thuốc… với kích cỡ to nhỏ khác nhau. Nay có thêm chậu hoa, ống đựng tiền tiết kiệm nhưng số lượng ít. 

Cũng vì làm thủ công, không pha trộn nguyên liệu nên nồi đất làng Trù Sơn vẫn mộc mạc với màu vàng đỏ, mỏng nhẹ, độ bền cao, giữ nguyên hương vị thức ăn khi nấu. Có lẽ, tính thông dụng đã làm nên sức sống bền bỉ của nồi đất xứ Nghệ. Theo người dân Trù Sơn, hiện nay, nhu cầu dùng nồi đất vẫn cao, đặc biệt là các nhà hàng, khách sạn thường chủ động liên hệ đặt mua với số lượng lớn. Giá bán từ 8 – 15 nghìn đồng/nồi tùy kích cỡ to nhỏ. 

Làng nghề Trù Sơn cũng là địa chỉ tin cậy cho các em học sinh trải nghiệm cuộc sống

Ông Nguyễn Thụy Chính, Chủ tịch UBND xã Trù Sơn, huyện Đô Lương cho biết: Hiện nay, toàn xã Trù Sơn có khoảng 60 hộ làm nghề gốm, tập trung chủ yếu ở làng Lưu Mỹ và Thượng Giáp.

“Mỗi tháng, làng nghề làm ra hàng chục nghìn sản phẩm, cao điểm nhất là vào 3 tháng cuối năm. Hiện, chính quyền địa phương cũng khuyến khích các hộ dân duy trì, phát triển làng nghề nồi đất như một ngành kinh tế đặc biệt. Trong đó, tổ chức các cuộc giao lưu, giới thiệu sản phẩm với địa phương khác, hướng đến hoạt động du lịch trải nghiệm”, ông Chính nói.

Với sự phát triển mạnh mẽ của thời đại công nghệ 4.0, khi mà những vật dụng được làm từ nồi đất bịthay thế bằng nhôm, thuỷ tinh, gang… thì làng nghề làm nồi đất đã dần mất đi thị trường. Thế nhưng,ở Trù Sơn vẫn có những ngôi làng truyền thống, gia đình truyền thống cố gắng giữ lại cái nghề hàng trăm năm trước đã sống cùng cha ông họ.

Văn Bình

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến