Dòng sự kiện:
Thanh Hóa: Tuyến đê chắn biển 143 tỷ đồng mới sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng
06/06/2019 18:33:02
Tuyến đê biển tại huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) được đầu tư từ ngân sách nhà nước với tổng vốn 143 tỷ đồng, dù mới đi vào sử dụng 2 năm, công trình đã nứt toác chằng chịt trên bề mặt.

Tuyến đê chắn sóng ven biển có chiều dài 5km qua địa bàn các xã Minh Lộc, Đa Lộc, Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, được đầu tư xây dựng năm 2009 từ nguồn ngân sách trung ương.

Dự án có tổng vốn 143 tỷ đồng, do 2 đơn vị thi công thực hiện là Công ty TNHH Xây dựng Trường Sơn (có trụ sở tại Ninh Bình) và Công ty TNHH Xây dựng Phúc Thành (có trụ sở tại Thanh Hóa).

Sau nhiều năm thi công, đến đầu năm 2017, công trình hoàn tất và được đưa vào sử dụng. Thời gian gần đây, mặt đê có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng khi xuất hiện những vết nứt chằng chịt, sâu hoắm tách mặt đê ra làm đôi.

Hình ảnh nứt toác trên bề mặt đê

Theo người dân địa phương, tình trạng này xuất hiện từ cuối năm 2018. Người dân địa phương phản ánh, mùa mưa bão đã cận kề, họ lo sợ mặt đê không đảm bảo an toàn.

Ông Vũ Văn Đỉnh, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc cho biết: “Có khoảng 500m đê bị hư hỏng nặng, còn nhiều chỗ bị nứt nhẹ. Đây là dự án do UBND huyện Hậu Lộc làm chủ đầu tư. Sau khi xuất hiện tình trạng này, nhiều lần họp, tiếp xúc cử tri, chúng tôi đều ý kiến và kiến nghị để sửa chữa, gia cố lại mặt đê”.

Theo ông Đỉnh, việc nhiều đoạn đê bị nứt toác như vậy có thể do nền đất yếu hoặc trong quá trình thi công không được lu lèn cẩn thận. Thời điểm tuyến đê vừa được bàn giao đã xuất hiện việc rạn nứt trên bề mặt, sau đó đã được đơn vị thi công đổ một lớp bê tông mới lên trên lớp mặt bê tông cũ có độ dày khoảng 5cm. Tuy nhiên, đê này được cải tạo từ nền đê cũ xây dựng từ trước nên trong quá trình đổ bê tông để sửa chữa bề mặt lại không đồng đều, có chỗ dày, chỗ mỏng và không đảm bảo độ dày theo yêu cầu .

Các vết nứt lớn và sâu hoắm

“Dù đơn vị thi công đã có những hành động trong việc tu sửa, gia cố lại đoạn đê, nhưng chừng đó vẫn chưa đủ vì do nền đất cũ rất yếu nên đất bị sụt lún khiến lớp bê tông trên mặt đê bị rạn nứt. Trong khi đó xã đã đưa ra quyết định nghiêm cấm các xe quá khổ, quá tải lưu thông trên đê nhưng mặt đê vẫn bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều lần xã họp, tiếp xúc cử tri đã báo cáo với cơ quan cấp trên”, ông Đỉnh nói.

Các vết nứt đã được trám lại bằng xi măng

Ông Ngọ Viết Thắng, Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Hậu Lộc cho biết: Công trình đã được thanh tra, quyết toán từ năm 2017. Để xảy ra sự cố nứt toác như vậy UBND huyện đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn phối hợp với nhau và thành lập đoàn cùng với Hạt đê điều Hậu Lộc (là đơn vị trực tiếp tiếp nhận và quản lý tuyến đê này) xuống hiện trường đánh giá lại thực trạng”.

Hiện, đơn vị thi công đã có động thái khắc phục bằng cách cho nhân công trám lại các vết nứt, nhưng địa phương vẫn lo ngại biện pháp này e rằng cũng chỉ mang tính chất tạm thời khi bản thân dự án này đã không đảm bảo chất lượng. 

Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến