Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2020 sụt giảm nghiêm trọng so với cùng kỳ 2019. Đây là quý đầu tiên doanh nghiệp xây dựng có doanh thu lớn nhất Việt Nam không còn nằm dưới sự lãnh đạo của nhà sáng lập Nguyễn Bá Dương sau khi ông rời Coteccons từ đầu tháng 10/2020. Sau khi ông Dương rút khỏi công ty, hàng loạt lãnh đạo gắn bó lâu năm của Coteccons cũng từ chức.
Trong quý cuối năm, doanh thu thuần của Coteccons chỉ đạt 4.296 tỷ đồng, giảm tới 42% so với cùng kỳ năm trước. Điểm đáng khích lệ là biên lợi nhuận gộp cải thiện thêm 1,6%.
Doanh thu giảm sút nhưng chi phí tài chính và đặc biệt chi phí quản lý doanh nghiệp của Coteccons tăng mạnh so với cùng kỳ vì phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi. Hậu quả là lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp trong quý IV/2020 chỉ đạt 94 tỷ đồng, thấp hơn 60% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế cả năm 2020, doanh thu thuần của Coteccons đạt 14.597 tỷ đồng, giảm 38% so với 2019. Lợi nhuận gộp đạt 866 tỷ với biên lãi gộp 5,9%, cao hơn so với mức 4,4% của năm trước.
Trong bối cảnh doanh thu giảm mạnh, phần thu nhập từ lãi tiền gửi ngân hàng hơn 200 tỷ đồng đóng góp quan trọng vào kết quả kinh doanh của công ty. Đến cuối năm 2020, Coteccons đang có 1.850 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn và gần 1.400 tỷ đồng tiền mặt.
Sau khi hạch toán các loại chi phí và thuế, lãi ròng của Coteccons năm 2020 đạt 463 tỷ, thấp hơn 35% so với năm trước. Đây là năm thứ 3 liên tiếp lợi nhuận sau thuế của Coteccons đi xuống, đồng thời là năm ghi nhận mức lợi nhuận thấp nhất từ sau 2014.
Theo giải trình của ban lãnh đạo công ty, nhiều dự án bất động sản giãn tiến độ xây dựng do chịu tác động của dịch Covid-19 từ đầu năm khiến doanh thu của Coteccons bị ảnh hưởng.
Như vậy, so với kế hoạch doanh thu và lợi nhuận hợp nhất lần lượt 16.000 tỷ đồng và 600 tỷ đồng được đại hội cổ đông thông qua, doanh nghiệp xây dựng thuộc nhóm đầu thị trường này đều không hoàn thành hai chỉ tiêu quan trọng nhất.
Đến cuối năm 2020, tổng tài sản của Coteccons đạt 14.200 tỷ đồng, giảm 2.000 tỷ sau một năm. Trong đó, chênh lệch chủ yếu đến từ việc lượng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn trên 3 tháng đến dưới 1 năm giảm 1.400 tỷ và các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng giảm 800 tỷ.
Coteccons vẫn duy trì chiến lược không vay nợ sau khi ông Nguyễn Bá Dương rời khỏi công ty. Đây là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi trên thị trường có doanh thu hơn 10.000 tỷ nhưng không có bất kỳ một khoản vay ngân hàng nào, giúp cấu trúc báo cáo tài chính lành mạnh.
Tác giả: Việt Đức
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy