Thêm trạm thu phí Cienco 4 tại Thái Nguyên: Đi lối nào cũng phải trả phí
11/04/2017 10:54:16
Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới chưa chính thức đi vào vận hành, nhưng nhiều người dân khu vực và doanh nghiệp đã bức xúc, lo lắng khi đi đường QL3 mới hay cũ, thậm chí đi QL37 lên Tuyên Quang, Hà Giang cũng phải trả phí.

Tin liên quan

Dự án cũng đang có nguy cơ lặp lại những bất ổn, mâu thuẫn giữa người dân và chủ đầu tư như các dự án BOT Tam Nông, Việt Trì (Phú Thọ) hay Bến Thủy (Nghệ An) mới đây.

Đi vài ki lô mét cũng phải trả phí

 

Trạm thu phí đang được xây dựng trên QL3 cũ

Chị Nguyễn Thị Bình (ngụ xóm 9, xã Cổ Lũng, H.Phú Lương, Thái Nguyên - cách vị trí trạm thu phí hơn 1 km) cho biết có con học tại TP.Thái Nguyên, mỗi ngày đưa đón con đi học 2 lượt sẽ mất 70.000 đồng tiền phí. Không chỉ chị Bình, nhiều người dân tại H.Phú Lương, TP.Thái Nguyên cũng bức xúc với vị trí trạm, vì dù không đi được một mét đường mới nào cũng phải đóng phí.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km 75 - Km 100 do Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) thực hiện. Tháng 11.2016, Bộ Tài chính ban hành thông tư thu phí, theo đó dự án được đặt 2 trạm thu phí hoàn vốn trên tuyến mới (Thái Nguyên - Chợ Mới) và tuyến QL3 cũ trong đoạn Km 82 - Km 90 (phía trên ngã ba Bờ Đậu về phía Bắc Kạn).

UBND tỉnh Thái Nguyên đã có công văn gửi Bộ GTVT thống nhất vị trí trạm tại QL3 cũ trong đoạn Km 82 - Km 90. Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng sau khi tính toán thì phương án đặt trạm trên đoạn Km 82 - Km 90 QL3 cũ không khả thi về phương án tài chính của dự án (thiếu khoảng 1.400 tỉ đồng). Bộ này đã có công văn đề nghị và được UBND tỉnh Thái Nguyên thống nhất bố trí trạm thu phí trên tuyến QL3 cũ trong đoạn Km 75 - Km 82, đoạn từ đường tròn Tân Long đến ngã ba Bờ Đậu, nếu không sẽ không thể đầu tư được dự án.

Tiếp đó, chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới muốn đặt vị trí trạm BOT tại khu vực Km 76 + 080 QL3 (ngã ba đường tròn Tân Long). Không đồng ý với vị trí này, người dân đã có đơn đề nghị dịch chuyển trạm lên phía trên, tránh khu vực nhiều cơ quan và mật độ dân cư cao. Vị trí trên QL3 cũ sau đó được “chốt” tại khu vực Km 77+875 - Km 77+970 (hiện đang thi công).

Trên thực tế, vị trí đặt trạm thu phí tại QL3 cũ gây bức xúc nhất cho người dân, lý do vị trí của trạm này án ngữ ngay trước ngã ba Bờ Đậu (hướng Thái Nguyên - Bắc Kạn) khiến các chủ phương tiện từ Đại Từ (Thái Nguyên) đi Sơn Dương (Tuyên Quang) theo QL37 dù chỉ đi qua trạm BOT 2 km vẫn mất phí toàn tuyến.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Thái Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH TMDL Hà Lan, vị trí này là cửa ngõ của các tỉnh phía bắc. “Chỉ đi QL3 cũ vài ki lô mét để ra QL37 nhưng doanh nghiệp (DN) sẽ phải trả mức phí cho cả tuyến, nên người dân rất bức xúc. Tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới đầu tư mới thu phí dân không có ý kiến gì, nhưng QL3 cũ chỉ nâng cấp cải tạo mặt đường mà thu phí bằng tuyến mới là không thỏa đáng”, ông Hà chia sẻ và cho rằng tất cả các huyện tại khu vực gần trạm đều là huyện miền núi vùng cao, phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hóa đều phục vụ đồng bào khu vực này, nếu giá phí tăng lên thì giá thành sẽ đội lên.

“Đến ngày thu phí chính thức sẽ khốc liệt hơn rất nhiều, nếu chủ đầu tư và các bộ liên quan không có phương án hợp lý, thỏa đáng cho người dân. Hiệp hội cũng sẽ đề xuất chủ đầu tư điều chỉnh phí lại, ví dụ riêng xe buýt phải miễn phí, giá vé của QL3 cũ chỉ bằng 50% giá vé QL3 mới. Riêng những xe đi sang QL37 phải tính toán tránh chỉ vài ki lô mét thu phí bằng cả chặng, lái xe chắc chắn sẽ phản đối quyết liệt”, ông Hà cho hay.

“Chỉ đi QL3 cũ vài ki lô mét để ra QL37 nhưng doanh nghiệp sẽ phải trả mức phí cho cả tuyến, nên người dân rất bức xúc. Tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới đầu tư mới thu phí dân không có ý kiến gì, nhưng QL3 cũ chỉ nâng cấp cải tạo mặt đường mà thu phí bằng tuyến mới là không thỏa đáng”.

Ông Nguyễn Mạnh Hà,  Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Thái Nguyên

Đặt trạm thu phí sao cho phù hợp?

Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới có mức thu thấp nhất (với xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn) là 35.000 đồng/lượt. Mức giá cao nhất 200.000/lượt dành cho xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên và container 40 feet.

Trong khi đó, ông Trương Văn Phụng, Giám đốc Sở GTVT Thái Nguyên, cho biết: “Tôi chưa thấy DN nào có ý kiến chính thức, có đơn về Sở, về tỉnh hay đến gặp phản ánh trực tiếp với giám đốc Sở”. Ông Phụng cho rằng Bộ và địa phương, chủ đầu tư đã làm việc, theo hướng thực hiện chính sách miễn giảm cho xe buýt và các đối tượng người dân trong khu vực lân cận. Thái Nguyên cũng ra điều kiện chỉ chấp thuận vị trí trạm nếu Bộ GTVT bố trí quỹ bảo trì khắc phục, nâng cấp QL37. Cụ thể, từ năm 2014 - 2016, Bộ GTVT đã bố trí kinh phí cải tạo, sửa chữa, thảm lại mặt đường QL37 khoảng 80 tỉ đồng, trong năm 2017 đầu tư khoảng 20 tỉ đồng.

Cũng theo ông Phụng, người dân đặt câu hỏi tại sao đi đường này lại phải trả tiền cho đường kia, nhưng nhiều lúc vẫn phải lấy chỗ này bù chỗ kia, việc đặt trạm BOT trên QL3 cũ để gánh cho đường QL3 mới, nếu không thì không làm được đường Thái Nguyên - Chợ Mới. “Chủ trương của tỉnh là khi nào giải quyết cơ bản được ý kiến của DN và người dân mới thực hiện thu phí”, ông Phụng nói.

Lý giải cho việc trạm thu phí QL3 cũ nhiều lần thay đổi, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho rằng có sự thay đổi do nếu đặt ở vị trí ban đầu việc giải phóng mặt bằng sẽ rất khó khăn, sang vị trí mới thì quá gần trung tâm thị tứ, nên cuối cùng chốt vị trí hiện tại. “Văn bản thỏa thuận đều được các cấp chính quyền, từ xã, huyện đến tỉnh ký tên, đóng dấu thỏa thuận, không có việc Bộ GTVT muốn đặt ở đâu thì đặt”, ông Trường nói. Trả lời câu hỏi Bộ có lường trước nguy cơ mâu thuẫn đối đầu giữa chủ đầu tư và người dân như đã xảy ra ở các trạm BOT mới đây, ông Trường cho rằng văn bản miễn giảm phí cho người dân khu vực theo yêu cầu của tỉnh đang được Bộ Tài chính soạn thảo, dự kiến giữa tháng 5 khi tiến hành thu phí sẽ thực hiện miễn giảm.

Nhưng trên thực tế, sự “thỏa thuận” giữa Bộ GTVT và tỉnh Thái Nguyên về vị trí đặt trạm đã khiến người dân rơi vào cảnh không lối thoát, đi lối nào cũng phải trả phí. Trong khi đó, kinh phí cải tạo, sửa chữa QL37 lấy từ nguồn quỹ bảo trì thực chất cũng là nguồn phí do người dân đóng góp. Theo một chuyên gia giao thông, kinh phí từ quỹ bảo trì cũng là tiền phí người dân đóng hằng năm, không thể sử dụng nguồn quỹ cải tạo một tuyến đường này, rồi bắt người dân trả tiền cho nhà đầu tư BOT tuyến đường khác.

“Bộ GTVT nhiều lần khẳng định không có chuyện phí chồng phí, nhưng thực chất ở đây chính là phí chồng phí. Nhà đầu tư BOT khi thực hiện dự án phải tính đến lợi nhuận, nhưng vị trí đặt trạm thì cơ quan quản lý và địa phương phải tính thỏa đáng nhất lợi ích người dân, vì xét đến cùng, người dân là người móc tiền túi ra trả. Không thể để tình trạng cứ duyệt vị trí trạm, đến khi dự án vận hành, để mặc chủ đầu tư và người dân đối đầu dằng dai”, chuyên gia này khẳng định.

Đặt trạm thu phí BOT tại cầu Bến Thủy là không phù hợp

Ngày 10.4, ông Lê Minh Đạo, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho biết việc người dân H.Nghi Xuân dù không đi mét đường BOT nào của nhà đầu tư Cienco 4 nhưng vẫn phải “cõng phí” đã được lãnh đạo tỉnh này có nhiều văn bản báo cáo Thủ tướng và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính, Bộ GTVT. Mới đây ngày 22.3, tại buổi làm việc về các vấn đề liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh đã khẳng định vị trí đặt Trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 và Trạm thu phí cầu Bến Thủy 2 không phù hợp. Hai trạm thu phí này được thu phí hoàn vốn cho 7 dự án BOT, trong đó có 4 dự án đầu tư không nằm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, khi đầu tư không có sự thỏa thuận với tỉnh Hà Tĩnh. Việc này dẫn đến các phương tiện đi lại của người dân huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn và TX.Hồng Lĩnh... khi qua cầu Bến Thủy 1 và 2 không tham gia giao thông trên các dự án nhưng vẫn phải trả phí. Chưa kể, chất lượng các công trình BOT sau một thời gian ngắn khai thác, nhiều đoạn đã bị hằn lún vệt bánh xe, hư hỏng, xuống cấp nên thường xuyên phải sửa chữa. Ngoài ra, hình thức đầu tư BOT trong lĩnh vực giao thông phải áp dụng cho các dự án xây dựng những con đường hoàn toàn mới. Trong khi đó, hầu hết các dự án BOT hiện nay chỉ là nâng cấp, cải tạo trên các tuyến đường hiện hữu. Thậm chí nhiều dự án BOT được lập trên các tuyến đường huyết mạch, độc đạo khiến người dân không có sự lựa chọn nào khác...

Phạm Đức

Theo Mai Hà - Minh Phong (Báo Thanh Niên)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến