Dòng sự kiện:
Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền luân chuyển ngày càng nhanh
13/11/2021 10:03:34
VN-Index vượt lên trên 1.470 điểm; “Bộ đệm” của ngân hàng dày thêm; Doanh nghiệp tăng tốc phục hồi; Giá dầu tăng cao làm giảm tốc độ phục hồi nhu cầu dầu…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 12/11 tăng 300.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng thêm 400.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại mức 60,00 – 60,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 12 USD lên 1.861,9 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hạ nhiệt dần và lùi về dưới 1.850 USD/ounce vào cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 95,15 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 12/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.115 đồng/USD, tăng 10 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.545 – 22.745 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,14 USD (-1,64%), xuống 80,45 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,89 USD (-1,07%), xuống 81,98 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua dừng tại 64.800 USD, thì sang ngày hôm nay giao dịch khá ảm đạm và lùi về quanh 64.500 USD/BTC vào cuối ngày.

Chứng khoán trong nước

VN-Index vượt lên trên 1.470 điểm

Trong phiên sáng nay, thị trường chỉ giằng co trong biên độ hẹp và đóng cửa giảm điểm.

Bước sang phiên chiều, lực cầu chờ vợt hàng giá thấp lớn giúp VN-Index bứt trở lại và ngưỡng 1.450 điểm. Dòng tiền chuyển hướng vào nhóm bộ 3 trụ cột bank - chứng - thép, kéo VN-Index lên 1.470 điểm.

Nhóm ngân hàng với EIB tăng trần, CTG +2,35% MSB và OCB cùng tăng hơn 2%. Nhóm thép cũng tăng tốc hơn với HPG +1,1%, HSG +2,8%, NKG +5,3%, TLH + 4,1%, SMC +2,4%.

Dòng tiền vẫn chảy mạnh giúp hàng loạt mã vừa và nhỏ đua nhau tăng trần cùng trạng thái trắng bên bán như HQC, DAH, HHS, DAG, TNI, SJF, TLD, QCG, ITA…

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 3,1 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng 179,93 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 12/11: VN-Index tăng 11,02 điểm (+0,75%), lên 1.473,37 điểm; HNX-Index tăng 2,9 điểm (+0,66%), lên 441,63 điểm; UpCoM-Index tăng 1,45 điểm (+1,33%), lên 110,66 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall trái chiều trong phiên ngày thứ Năm (11/11) sau phiên bán tháo trên diện rộng do lo ngại lạm phát.

Một số cổ phiếu công nghệ khởi sắc vào ngày thứ Năm sau khi chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 10 của Mỹ đẩy lợi suất trái phiếu tăng vọt trong phiên trước đó. Cổ phiếu Nvidia tăng 3,2% và cổ phiếu AMD tăng 4,4%.

Ngược lại, cổ phiếu của Walt Disney giảm mạnh 7,1% và là lực cản nặng nề nhất đối với Dow Jones sau khi công bố lợi nhuận quý III đáng thất vọng do sụt giảm người dùng trực tuyến cũng như doanh thu của công viên giải trí.

Kết thúc phiên 11/11, chỉ số Dow Jones giảm 158,71 điểm (-0,44%), xuống 35.921,23 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,56 điểm (+0,06%), lên 4.649,27 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 81,58 điểm (+0,52%), lên 15.704,28 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng, khi giới đầu tư ồ ạt chọn mua nhóm cổ phiếu công nghệ.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,13% lên 29.609,97 điểm. Chỉ số Topix tăng 1,31% lên 2.040,60 điểm.

“Cổ phiếu công nghệ của Nhật Bản đã đi sau khá nhiều so với thị trường toàn cầu và P/E của thấp so với các nước khác, điều này đã khiến các nhà đầu tư mạnh dạn chọn mua,” Shigetoshi Kamada, Tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu của Tachibana Securities cho biết.

Trong đó, SoftBank Group tăng 2,58% và tăng 10% trong tuần, Tokyo Electron tăng 1,96% và M3 tăng 1,14%.

Các nhà phát triển bất động sản cũng tăng khá, với Mitsubishi Estate tăng 3,57% và Mitsui Fudosan tăng 4,66%.

Chứng khoán Trung Quốc trái chiều, với chỉ số bluechip giảm, khi nhóm cổ phiếu bất động sản bị chốt lời.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,18% lên 3.539,10 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,21% xuống 4.888,37 điểm.

Trong tuần, chỉ số Shanghai Composite tăng 1,4%. Chỉ số CSI300 tăng 1%.

Các công ty bất động sản giảm 2,3%, một ngày sau khi có phiên giao dịch tốt nhất trong gần 7 năm qua, nhờ hàng loạt tín hiệu tích cực về việc nới lỏng chính sách trong lĩnh vực này.

Chứng khoán Hồng Kông tăng, được thúc đẩy bởi các công ty công nghệ lớn, dù Alibaba là điểm trừ, sau khi doanh số Ngày Độc thân của họ tăng với tốc độ chậm nhất từ ​​trước đến nay.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,32% lên 25.327,97 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,37% lên 9.114,37 điểm.

Trong tuần, Hang Seng tăng 1,8% và HSCE tăng 3,3%, mức cao nhất trong ba tuần đối với cả hai.

Chỉ số Công nghệ tăng 1,6%, với các gã khổng lồ công nghệ Meituan và Tencent Holdings lần lượt tăng 2,6% và 1,6%.

Trong khi đó, Tập đoàn Alibaba giảm 0,5%, sau khi doanh số bán hàng Ngày Độc thân chỉ tăng 8,5%, tốc độ chậm nhất từ ​​trước đến nay, cho thấy những khó khăn về quy định siết chặt và chuỗi cung ứng đối với các công ty công nghệ của Trung Quốc.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng, nhưng ghi nhận tuần giảm điểm, do rủi ro lạm phát ngày càng tăng và trục trặc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 1,5% lên 2.968,80 điểm. Trong tuần, chỉ số này giảm 0,016%.

Kết thúc phiên 12/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 332,11 điểm (+1,13%), lên 29.609,97 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 6,31 điểm (+0,18%), lên 3.539,10 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 79,98 điểm (+0,32%), lên 25.327,97 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc tăng 43,88 điểm (+1,50%), lên 2.968,80 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- “Bộ đệm” của ngân hàng dày thêm

Các ngân hàng cho hay, dư nợ tái cơ cấu cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 ngày càng tăng nên nợ xấu cũng sẽ tăng và đòi hỏi nguồn trích lập dự phòng càng lớn. Điều này cũng đồng nghĩa “bộ đệm” chống rủi ro của ngân hàng cũng dày thêm...

- Ngóng thị trường giao dịch trái phiếu thứ cấp

Việc xây dựng thị trường giao dịch thứ cấp để tăng tính thanh khoản cho trái phiếu doanh nghiệp bên cạnh việc nâng chuẩn phát hành đang là điều nhiều chuyên gia trông đợi...

- Tháng 10 bội thu của trader nhạy sóng

Xu thế dòng tiền luân chuyển ngày càng nhanh và mạnh trên thị trường chứng khoán, bám theo các thông tin của từng nhóm ngành mang đến cơ hội giao dịch ngắn hạn và đầu tư năng động cho nhà đầu tư..>> Chi tiết

- Doanh nghiệp tăng tốc phục hồi

Các doanh nghiệp đang phục hồi, thậm chí đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh sau giai đoạn giãn cách xã hội...

- OPEC: Giá dầu tăng cao làm giảm tốc độ phục hồi nhu cầu dầu

Hôm thứ Năm (11/11), OPEC đã cắt giảm dự báo nhu cầu dầu thế giới cho quý IV/2021 do giá năng lượng cao kìm hãm sự phục hồi sau đại dịch Covid-19, điều này làm trì hoãn thời gian đưa nhu cầu dầu quay lại mức trước đại dịch cho đến cuối năm 2022...

Tác giả: Thạch Bắc

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến