Bùng nổ phát hành 10 tỷ USD trái phiếu...
Theo số liệu của Công ty Chứng khoán SSI, lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 11 tháng đầu năm 2019 đã vượt tổng lượng phát hành của cả năm 2018.
Cụ thể, riêng trong tháng 11/2019, có 24.199 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành. Qua đó, tổng lượng phát hành 11 tháng đầu năm là 206.680 tỷ đồng bao gồm cả phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng. Con số này chưa bao gồm các các đợt phát hành riêng lẻ trong 3 tháng đầu năm 2019 do chưa được công bố chi tiết.
Tuy nhiên, căn cứ dữ liệu tổng hợp kết quả phát hành riêng lẻ lũy kế 10 tháng của HNX, nhóm nghiên cứu tại SSI ước tính lượng phát hành riêng lẻ 3 tháng đầu năm 2019 là khoảng 30.000 tỷ đồng.
Như vậy, tổng lượng trái phiếu doanhg nghiệp thực tế phát hành 11 tháng đầu năm là khoảng 237.000 tỷ đồng, cao hơn 5,8% so với tổng lượng phát hành trong cả năm 2018.
Kỳ hạn và lãi suất bình quân toàn thị trường lần lượt là 3,71 năm và 8,7%/năm. Trong đó nhóm có kỳ hạn dài nhất là nhóm phát triển hạ tầng (5,14 năm); nhóm bất động sản có lãi suất bình quân 10,24%, cao hơn hẳn các nhóm ngân hàng, định chế tài chính, phát triển hạ tầng nhưng vẫn thấp hơn nhóm các doanh nghiệp khác (10,49%) do ảnh hưởng của lô phát hành 1.402 tỷ đồng kỳ hạn 5 năm, lãi suất 20%/năm của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng.
Trong tháng 11, nhà đầu tư nước ngoài mua 100 tỷ đồng trái phiếu 12 tháng của công ty chứng khoán KIS Việt Nam và 456.7 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 4 năm của Công ty Cổ phần Nhựa Đồng Nai. Tổng lượng mua sơ cấp của nhà đầu tư nước ngoài trong 11 tháng đầu năm 2019 là gần 14.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 7% khối lượng phát hành.
Sau tháng 10 chững lại, tháng 11 các ngân hàng thương mại bắt đầu đẩy mạnh phát hành trái phiếu với 14.149 tỷ đồng trái phiếu mới, đưa số lũy kế phát hành của các ngân hàng thương mại trong 11 tháng lên mức 94 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao nhất (45.5%) trong các nhóm ngành tham gia phát hành trái phiêu doanh nghiệp.
Riêng BIDV phát hành 8.618 tỷ đồng, trong đó có 2.800 tỷ đồng là trái phiếu phát hành ra công chúng, đây là đợt phát hành ra công chúng lần thứ 2 của ngân hàng này sau đợt phát hành 3.000 tỷ vào tháng 9/2019.
Từ đầu năm đến nay, BIDV đã phát hành tổng cộng 12.817 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn từ 6 đến 10 năm và đủ tiêu chuẩn để tính vào vốn cấp 2 của ngân hàng này, toàn bộ đều có lãi suất thả nổi với biên độ cộng thêm từ 1,1-1,4%/năm so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm 12 tháng.
Ngoài BIDV, trong tháng qua, MBB cũng phát hành thêm 80 tỷ đồng kỳ hạn 10 năm để tăng vốn cấp 2; các ngân hàng còn lại gồm VPB, VIB, LPB, SHB, HDB, Seabank chỉ phát hành các kỳ hạn 2-3 năm với lãi suất cố định 6,3-7,0%/năm
Các doanh nghiệp bất động sản phát hành 6.952 tỷ đồng trong tháng 11, và tổng cộng 71.312 tỷ đồng trong 11 tháng 2019 – chiếm 34,5% tổng lượng phát hành toàn thị trường.
Lô phát hành lớn nhất trong tháng là 2.029 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Tiếp vận và Bất động sản Tân Liên Phát Tân Cảng với kỳ hạn 12 tháng và do 1 định chế tài chính mua toàn bộ.
Techcombank là tổ chức quản lý tài sản đảm bảo, tài khoản tiền trái phiếu, lãi suất các kỳ thả nổi của trái phiếu cũng được tham chiếu theo lãi suất cho vay ngắn hạn của Techcombank, tài sản đảm bảo là cổ phần của Vingroup, một đối tác lớn của Techcombank.
Các lô phát hành trái phiếu bất động sản lớn khác gồm 1.500 tỷ đồng trái phiếu 5 năm của Công ty Cổ phần Du lịch Thung lũng Nữ Hoàng; 1.135 tỷ đồng trái phiếu 18 tháng của Công ty Cổ phần Veracity, chủ đầu tư dự án Summit Building (Hà Nội); 570 tỷ đồng trái phiếu 2 năm của Vinametric - chủ khách sạn Saigon Prince Hotel; 500 tỷ trái phiếu kèm chứng quyền của Tập đoàn Hà Đô; 500 tỷ đồng trái phiếu 3 năm của Hưng Thịnh Land...
... ẩn chứa nhiều rủi ro
Thị trường trái phiếu DN “tăng nóng” cũng ẩn chứa nhiều rủi ro. Theo các chuyên gia kinh tế, đáng lo nhất là độ minh bạch thông tin của nhiều DN Việt Nam không cao. Vì vậy nhà đầu tư có thể đối mặt với những rủi ro khi mua phải trái phiếu của những DN kinh doanh thua lỗ, kém hiệu quả.
Ngoài ra, nhiều DN Việt Nam có năng lực tài chính hạn chế, dự án hoặc phương án sản xuất kinh doanh thiếu khả thi, khả năng hoàn vốn thấp. Chưa kể, công tác hạch toán kế toán thiếu chuyên nghiệp, trình độ quản lý thấp. Nhiều DN còn ngại công bố thông tin, thậm chí giấu thông tin, báo cáo thông tin tài chính chưa rõ ràng, trong khi tính minh bạch là một trong những điều kiện quan trọng.
Hơn nữa, DN phát hành trái phiếu không bị giám sát về giải ngân, về sử dụng vốn, nên nguồn vốn huy động được không rõ DN có đầu tư cho dự án hay lại dùng để làm việc khác, vấn đề này rất khó kiểm soát.
Với trái phiếu các DN bất động sản phát hành, thường có tài sản đảm bảo dưới dạng quyền sử dụng đất. Nhưng quyền sử dụng đất có vấn đề hay không, rất khó được biết rõ. Liệu đất đó có bị tranh chấp, tính pháp lý như thế nào, DN đã dùng để vay vốn hay góp vốn với đối tác nào chưa, đã sử dụng cho giao dịch khác chưa, giá đất được thẩm định như thế nào?
Không những thế, tồn kho bất động sản hiện rất lớn, nhiều sản phẩm đưa ra thị trường nhưng chưa tiêu thụ được vì có liên quan đến khả năng trả nợ cho chủ đầu tư trái phiếu.
Cơ quan chức năng đã phải đưa ra cảnh báo rủi ro với nhà đầu tư. Giữa năm 2019, Ngân hàng Nhà nước ra công văn yêu cầu các ngân hàng thương mại siết hoạt động đầu tư trái phiếu DN, nhất là trái phiếu của các DN bất động sản. Trong đó, nhấn mạnh sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư trái phiếu DN.
Cuối tháng 11, Bộ Tài chính cũng cảnh báo nhà đầu tư trái phiếu DN, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, không nên mua trái phiếu DN chỉ vì lãi suất cao. Với đặc thù trái phiếu DN là công cụ nợ do DN phát hành, theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn. Trong khi khả năng trả nợ của DN phụ thuộc rất lớn vào tình hình tài chính và kết quả kinh doanh. Vì vậy, nhà đầu tư cần phải cân nhắc, đánh giá được rủi ro trước khi quyết định mua.
Một số rủi ro đó, theo Bộ Tài chính, là: DN không thực hiện được các điều kiện, điều khoản của trái phiếu do mất khả năng thanh toán; không thanh toán được đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu; không thực hiện được cam kết với nhà đầu tư về mua lại trái phiếu trước hạn,...
Bên cạnh đó, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn cũng được rút xuống, theo quy định mới nhất của Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể, từ 1/1/2020 sẽ về 40%, sau hai năm giảm theo lộ trình, đến 1/10/2022 còn 30%. Điều này sẽ khiến việc vay vốn trung, dài hạn tại ngân hàng khó hơn, lãi suất cao hơn. Như vậy, các DN sẽ phải huy động vốn từ các kênh khác như phát hành cổ phiếu, trái phiếu DN,... Thị trường tái phiếu DN năm 2020, dự báo tiếp tục nhộn nhịp với lãi suất hấp dẫn hơn hẳn gửi ngân hàng.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, muốn mua trái phiếu DN, nhà đầu tư cần phải nắm rõ các thông tin: trái phiếu do DN nào phát hành, thương hiệu, uy tín của DN đó ra sao; mục đích phát hành; có tài sản đảm bảo không; có được ngân hàng bảo lãnh thanh toán không; cam kết của chủ thể phát hành đối với trái phiếu như thế nào; kỳ hạn và phương thức trả nợ gốc, lãi; tình hình tài chính và việc sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu của DN phát hành.
Khánh Linh (T/h)
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy