Dòng sự kiện:
“Thiên thời, địa lợi” và mối lương duyên của nữ hoàng cá tra Trương Thị Lệ Khanh
04/03/2020 09:08:52
Dưới sự điều hành của bà Trương Thị Lệ Khanh và các cộng sự, năm 2019, CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) đạt 7.867,14 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 15,1% so với năm 2018 và lợi nhuận trước thuế giảm 22,4%, đạt 1.687,56 tỷ đồng.

'Mối duyên với con cá tra của bà Trương Thị Lệ Khanh bắt đầu như nào?

"Nữ hoàng cá tra" Trương Thị Lệ Khanh sinh năm 1961 ở vùng sông nước Đồng bằng Sông Cửu Long (An Giang). Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế tại Đại học Tài chính Kinh tế TP HCM, bà Khanh làm việc ở một công ty xuất khẩu thủy sản tại An Giang. Quá trình làm việc ở đây đã giúp bà có sự am hiểu về ngành thủy sản và con cá.

Lúc ấy ngành sản xuất cá mới chỉ có nhà máy ở An Giang nhưng vùng nuôi thì có tại An Giang và Đồng Tháp. Bà Khanh sang Đồng Tháp lập nghiệp. Năm 1997, bà thuê lại một nhà máy của công ty Sa Giang để thành lập Vĩnh Hoàn với vốn ban đầu 70 triệu đồng, 70 công nhân.

Ban đầu phương thức kinh doanh là gia công xuất khẩu. Hai năm sau, Vĩnh Hoàn thành lập cơ sở chế biến riêng bằng cách thuê lại một xưởng sản xuất tại Cao Lãnh (Đồng Tháp).

Năm 2007, Vĩnh Hoàn chuyển đổi mô hình sang công ty cổ phần và lên sàn cuối năm đó. Bà Trương Thị Lệ Khanh hiện là người giàu thứ 30 trên sàn chứng khoán Việt Nam với tài sản hơn 2.652 tỷ đồng.

Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Vĩnh Hoàn

Trong danh sách tỷ phú nữ của Việt Nam, bà Khanh xếp thứ 4 (sau CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo, 2 nữ Phó Chủ tịch Vingroup là Phạm Thu Hương và Phạm Thúy Hằng).

Hiện, bà Trương Thị Lệ Khanh đang sở hữu trực tiếp 43,5% cổ phần của Vĩnh Hoàn và là Chủ tịch Ủy ban cá nước ngọt VASEP.

Nói về khát vọng của mình từ những ngày đầu xây dựng Vĩnh Hoàn, bà Trương Thị Lệ Khanh  cho biết: “Vì công ty xuất khẩu nên ngay từ khi thành lập, khát vọng của tôi là ra khơi và tôi muốn tồn tại, phát triển mãi mãi. Vĩnh là vĩnh viễn. Hoàn là hoàn cầu. Vĩnh Hoàn là mãi mãi tồn tại trên khắp thế giới”. Đây cũng là công ty "đa quốc gia" khá đặc biệt với 70% lãnh đạo cấp cao là nữ với Chủ tịch HĐQT Trương Thị Lệ Khanh.

Bà Lệ Khanh cho rằng, yếu tố quyết định thành công của cá nhân bà và Vĩnh Hoàn chính là "thiên thời, địa lợi".

Năm 1995, lệnh cấm vận kinh tế với Việt Nam được gỡ bỏ khiến đầu ra cho ngành cá được khơi thông, kéo theo sự bùng nổ của ngành chế biến xuất khẩu cá tra.

"Công việc kinh doanh lúc đó luôn trong tình trạng sản xuất không đủ cho nhu cầu. Tôi cho rằng thiên thời địa lợi là yếu tố may mắn cho việc khởi nghiệp của mình", bà Khanh nói.

Doanh nghiệp của nữ đại gia Trương Thị Lệ Khanh rơi vào thế khó?

Suốt 23 năm qua, dưới sự lèo lái của nữ thuyền trưởng Trương Thị Lệ Khanh, Vĩnh Hoàn đã trở thành doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam.

Tuy nhiên dù khởi nghiệp với thiên thời, địa lợi, nhưng khó khăn lúc nào cũng trực chờ trong quá trình kinh doanh khi mà quý IV/2019 đã chứng kiến sự lao dốc mạnh trong hầu hết chỉ số kinh doanh của Vĩnh Hoàn, trong đó, lợi nhuận ròng "bốc hơi" hơn 50% so với cùng kỳ. 

Cụ thể, quý IV/2019, doanh thu của Vĩnh Hoàn đạt 2.171 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2018. Giá vốn giảm 12,5% và lợi nhuận gộp giảm 46,5%, còn 305 tỷ đồng. Biên lợi nhuận giảm từ 21,1% xuống còn 14,1%.

Doanh thu tài chính gấp 2,5 lần, trong khi, chi phí giảm nhẹ giúp lợi nhuận đạt 30 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng 34%, lên 76 tỷ đồng, chủ yếu đến từ chi phí vận chuyển, lưu kho và các chi phí dịch vụ mua ngoài khác. Mặt khác, chi phí doanh nghiệp giảm 19%, còn 76 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế giảm 51%, còn 199 tỷ đồng do giá bán giảm. Lãi cơ bản trên cổ phiếu giảm tương ứng, còn 2.118 đồng/cp. Giá cá tra nguyên liệu trong quý IV duy trì ở mức thấp. Tính đến cuối năm 2019, cá tra nguyên liệu ghi nhận giá quanh vùng 18.000 đồng/kg. Trong khi cùng kỳ năm trước, cá tra nguyên liệu có thời điểm được giao dịch gấp đôi ở mức giá 36.000 đồng/kg (tháng 10/2018).

Theo số liệu mới nhất 11 tháng từ doanh nghiệp, doanh số xuất khẩu đạt 296 triệu USD, giảm 15% so cùng kỳ năm trước. Tính chung toàn thị trường, Vĩnh Hoàn cho biết giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1,8 tỷ USD, giảm 11% cùng kỳ năm trước. 

Giải thích cho tình trạng kinh doanh sa sút kỳ vừa rồi, bà Trương Thị Lệ Khanh cho biết, nguyên nhân đến từ giá bán giảm.

Lợi nhuận ròng quý IV của Vĩnh Hoàn "bốc hơi" hơn 50% so với cùng kỳ năm 2018

Lũy kế cả năm 2019, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu đạt 7.867 tỷ đồng, giảm 15% và lợi nhuận sau thuế là 1.180 tỷ đồng, giảm 18%. Như vậy, công ty hoàn thành 78% kế hoạch doanh thu và 94% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tính đến cuối năm, tổng tài sản của công ty thủy sản này là 6.613 tỷ đồng, chủ yếu nằm ở các khoản phải thu ngắn hạn. Một chỉ số có biến động mạnh là tiền gửi ngân hàng kỳ hạn trên 3 tháng và dưới 1 năm khi tăng từ 607 tỷ đồng vào đầu kỳ lên 1.492 tỷ đồng. Ngoài ra, vào tháng 6/2019, công ty thông qua việc chuyển nhượng 35% cổ phần tại Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm Xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang và 25% cổ phần tại Octogone Holdings Pte.Lte nên cuối kỳ, khoản đầu tư vào công ty liên kết không còn 388 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, nợ phải trả là 1.714 tỷ đồng, giảm 24% đầu kỳ. Trong đó, nợ vay ngân hàng ngắn hạn chiếm phần lớn với 866 tỷ đồng.

Khánh Linh (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến