Dòng sự kiện:
Thủ tướng: Giảm mạnh nợ xấu xuống 3% vào cuối năm 2015
05/12/2014 12:27:33
ANTT.VN – “Việt Nam sẽ tập trung hoàn thiện nhà nước pháp quyền và thể chế kinh tế thị trường”, đó là một trong sáu nhiệm vụ cơ bản mà Chính phủ sẽ quyết liệt thực hiện hiệu quả trong năm 2015, trích phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Diễn đàn quan hệ Đối tác phát triển Việt Nam vừa diễn ra sáng nay tại Hà Nội.

Tin liên quan

Toàn cảnh hội nghị VPDF diễn ra sáng nay (Ảnh: Ninh Giang)

Phát biểu tại Diễn đàn Quan hệ Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) sáng nay (5/12), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thông báo về các kết quả phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo… trong năm qua của Việt Nam, đồng thời chỉ ra 6 mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản mà Việt Nam sẽ quyết liệt thực hiện hiệu quả trong năm 2015.

Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2014-2015, Việt Nam tiếp tục kiên trì đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, có cơ chế khuyến khích, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế. 

Chia sẻ với  các đối tác phát triển, Thủ tướng cho biết, trong năm 2015, Chính phủ Việt Nam sẽ tập trung thực hiện 6 mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản:

Thứ nhất, Việt Nam sẽ tập trung hoàn thiện nhà nước pháp quyền và thể chế kinh tế thị trường, bảo đảm quyền tự do, dân chủ của người dân theo Hiến pháp quy định; Huy động và sử dụng hiệu quả cao nhất các nguồn lực; Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện tốt hơn môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, khuyến khích phát triển doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc hoàn thiện nhà nước pháp quyền, bảo đảm quyền tự do dân chủ của người dân và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo Hiến pháp năm 2013 mới ban hành là động lực, giải pháp chủ yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả của nền kinh tế Việt Nam.

Thứ hai, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô. Năm 2014, Việt Nam kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 3%; năm 2015, sẽ khoảng 5% để thúc đẩy phát triển kinh tế; giảm bội chi 5,3% năm 2014 xuống 5% năm 2015. Toàn bộ bội chi dành cho đầu tư phát triển. Việt Nam đảm bảo nợ công trong giới hạn an toàn. Xuất khẩu năm 2014 tăng trưởng 13%, tổng kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên đạt 150 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với khi Việt Nam mới gia nhập WTO; 3 năm liền Việt Nam xuất siêu, riêng năm 2014 xuất siêu 1,5 tỷ USD.

Năm 2014, Việt Nam có dự trữ ngoại hối tăng đáng kể, năm sau sẽ tiếp tục tăng và luôn đảm bảo tương đương 12 tuần nhập khẩu trở lên. Năm 2014, tăng GDP của Việt Nam là khoảng 5,9%; 2015, dự kiến GDP sẽ tăng khoảng 6,2%, và dự kiến kế hoạch giai đoạn 2016-2020, GDP sẽ tăng khoảng 6,5-7%/năm. Việt Nam tiếp tục kiểm soát để bảo đảm đồng tiền Việt Nam, giữ ổn định tỷ giá hối đoái.

Thứ ba, Việt Nam chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế, thực hiện đầy đủ các hiệp định thương mại, kinh tế mà Việt Nam ký kết. Đồng thời, tích cực đàm phán để kết thúc đàm phán 6 Hiệp định Thương mại mới, trong đó sẽ kết thúc hiệp định thương mại tự do với EU vào đầu năm 2015; Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh thuế quan Nga, Belarus, Kazakhstan; kết thúc đàm phán FTA với Hàn Quốc ngay đầu năm 2015.

Việt Nam sẽ cùng các đối tác tích cực đàm phán để sớm kết thúc đàm phán Hiệp định TPP. Trên cơ sở đó, Việt Nam cam kết tạo mọi thuận lợi để khuyến khích thúc đẩy thương mại, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động thương mại và đầu tư thành công ở Việt Nam. Việt Nam sẽ tích cực tham gia để hình thành cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015.

Thứ tư, Việt Nam sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, tập trung tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu DNNN đạt chỉ tiêu đặt ra giai đoạn 2014-2015 cổ phần hóa 432 DNNN. Không chỉ về số lượng, Việt Nam giảm mạnh tỷ trọng vốn nhà nước trong DN cổ phần hóa. Và nâng cao năng lực, hiệu quả kinh doanh của DNNN, bình đẳng, minh bạch trong kinh tế thị trường.

Tập trung tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng, giảm mạnh nợ xấu xuống 3% vào cuối năm 2015, đây là tỷ lệ nợ xấu thông thường của hệ thống ngân hàng trong nền kinh tế thị trường; đảm bảo an toàn, hiệu quả hệ thống ngân hàng. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, đa dạng hóa thị trường xuất – nhập khẩu hàng hóa, không phụ thuộc lớn vào một thị trường nào. Việt Nam cũng sẽ tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ 6 mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản mà Chính phủ sẽ quyết liệt thực hiện hiệu quả trong năm 2015

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ 6 mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản mà Chính phủ sẽ quyết liệt thực hiện hiệu quả trong năm 2015 (Ảnh: Ninh Giang)

Thứ năm, cùng với tiến bộ kinh tế, Việt Nam sẽ thực hiện tốt hơn tiến bộ xã hội, công bằng xã hội, đảm bảo an sinh, phúc lợi; tiếp tục giảm 2% số hộ nghèo năm 2015, riêng 63 huyện nghèo sẽ giảm 4% số hộ nghèo vào năm 2015. Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ đề ra. Việt Nam cũng sẵn sàng tham gia các mục tiêu mà LHQ đề ra sau năm 2015.

Thứ sáu, Việt Nam cùng với cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, sẽ tập trung các giải pháp đồng bộ để phòng chống tham nhũng có  hiệu quả hơn theo hướng hoàn thiện nhà nước pháp quyền, thể chế kinh tế thị trường, bảo đảm quyền tự do dân chủ của người dân theo Hiến pháp, thực hiện công khai, minh bạch quản lý tài chính công, tài sản công, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng

Cân nhắc tính độc lập của SBV theo hướng một NHTW hiện đại

Trước đó, trong phát biểu khai mạc, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới Victoria Kwakwa cũng đã đánh giá, cải cách doanh nghiệp nhà nước tiếp tục là vấn đề quan trọng. Đây sẽ là bàn đạp để các doanh nghiệp trong nước phát triển. Cải cách DNNN cần theo hướng giảm tập trung vào con số doanh nghiệp cổ phần hóa và thay vào đó cần chú ý đến chất lượng cổ phần hóa. Trước hết cần nâng tỷ lệ sở hữu tư nhân trong DNNN tăng mức độ hấp dẫn của các nhà đầu tư và tăng cường cải tiến quản trị doanh nghiệp. Đồng thời, cần nâng cao minh bạch thông qua công khai thông tin thường kỳ với độ tin cậy cao, chấm dứt ưu đãi vốn và đất đai và nên áp ngân sách cứng lên DNNN. Đó chính là những nhân tố quan trọng, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân, kể cả doanh nghiệp trong nước cùng phát triển.

Bên cạnh đó, cũng cần có một kế hoạch rõ ràng về giải quyết nợ xấu trong quá trình thực hiện cải cách ngành ngân hàng. Các nỗ lực gần đây nhằm tăng cường khung pháp lý cho hoạt động của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) là rất quan trọng nhưng ta vẫn còn phải trả lời câu hỏi cơ bản hơn là lấy vốn ở đâu ra để giải quyết nợ xấu.

“Nếu không có giải pháp đáng tin cậy thì các ngân hàng sẽ ngần ngại khi doanh nghiệp tư nhân vay vốn, nhất là doanh nghiệp nhỏ” đại diện World Bank nhấn mạnh.

Cũng trong diễn văn, bà Victoria Kwakwa đã nhận định, tuy tình hình kinh tế vĩ mô đã ổn định trong 3 năm qua nhưng kết quả vẫn còn chưa chắc chắn và Việt Nam cần tiếp tục củng cố sự ổn định vĩ mô dài hạn. Các chính sách  và quy trình  lập, duyệt kế hoạch hóa tài khóa và thực hiện chính sách tiền tệ và tỉ giá cũng phải vận động theo hướng minh bạch và nguyên tắc thị trường hơn.

“Cụ thể, cần xem xét và cân nhắc tính độc lập của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo hướng một NHTW hiện đại”, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam khuyến nghị.

N.G – Tú Anh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến