Dòng sự kiện:
Thủ tướng: Kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc
05/12/2015 14:49:05
ANTT.VN – Sáng nay tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam 2015 (VDPF) với sự tham gia của nhiều cơ quan, ban ngành Chính phủ cùng giới chuyên gia, quan sát quốc tế.

Tin liên quan

VDPF 2015 tập trung thảo luận về những kết quả đã đạt được trong Kế hoạch 5 năm 2011-2015 và những mục tiêu, định hướng cho Kế hoạch 5 năm 2016-2020. Ảnh: PV

Những kết quả đáng ghi nhận

Nhận xét về tình hình phát triển KT-XH 2011-2015, Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh  nhận xét rằng Kế hoạch 5 năm vừa qua bắt đầu trong bối cảnh tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu lan rộng, làm cho mặt trái của chính sách kích cầu nền kinh tế bộc lộ rõ hơn:  Kinh tế vĩ mô mất ổn định, lạm phát tăng cao, đồng tiền mất giá, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đời sống của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn.

Do vậy ngay từ đầu năm 2011, Chính phủ đã ban hành nghị quyết 11/NQCP ngày 24/2/2011 với mục tiêu: Tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, trên cơ sở kinh tế vĩ mô ổn định sẽ phấn đấu đạt tăng trưởng cao hơn vào những năm cuối nhiệm kỳ.

Bộ trưởng Vinh cho rằng sau những biện pháp quyết liệt của các cấp, ban ngành, các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 11 đều đã đạt được:

 - Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định: CPI năm 2011 từ 18,13% giảm xuống 1,84% trong năm 2014 và dưới 1% trong năm 2015. Tỉ giá hối đoái ổn định, giá trị và niềm tin vào đồng Việt Nam tăng lên, lãi suất ngân hàng giảm mạnh, dự trữ ngoại hối tăng cao, các cân đối lớn của kinh tế được đảm bảo.

- Mặc dù kinh tế còn khó khăn, nhưng các mục tiêu sản xuất kinh doanh luôn được đảm bảo, tỉ lệ nghèo giảm xuống còn dưới 5%, các mục tiêu thiên niên kỉ đều về đích sớm, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.

- Tăng trưởng kinh tế từng bước được phục hồi một cách vững chắc. Sau 3 năm tốc độ tăng trưởng không đạt kế hoạch thì từ năm 2014-2015 đã vượt mục tiêu đề ra (năm 2015 đạt 6,55%), bình quân 5 năm đạt 5,88%.

Tuy nhiên Bộ trưởng thừa nhận rằng nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, thể hiện qua chất lượng tăng trưởng thấp, tăng trưởng dựa vào vốn và lao động còn lớn. Đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp TFP còn chưa cao.

Ngoài ra, năng suất lao động có tăng nhưng còn thấp, tái cơ cấu nền kinh tế còn rất nhiều vấn đề phải thực hiện, cổ phần hóa DNNN còn hạn chế, tỉ lệ nợ xấu trong hệ thống tín dụng mặc dù đã giảm nhưng vẫn ở mức rủi ro,…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới Victoria Kwakwa tại Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam 2015. Ảnh: PV

Kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc

Về phần mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định Kế hoạch 5 năm vừa qua đã đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên thách thức trong những năm tới vẫn rất lớn.

Thủ tướng cho biết kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc. Việc đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế chưa thực sự bền vững. Các cân đối Ngân sách còn khó khăn, cơ cấu thu, chi ngân sách chưa phù hợp, bội chi ngân sách còn cao, chưa đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5% (Năm 2015 dự kiến ở mức 6,5%). Tuy vẫn đảm bảo trong giới hạn an toàn theo quy định nhưng nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, sự dụng vốn vay ở một số dự án kém hiệu quả và còn gây thất thoát, lãng phí. Đóng góp của khu vực kinh tế trong nước vào tăng trưởng xuất khẩu còn thấp. Chất lượng tín dụng chưa cao, xử lý nợ xấu còn gặp nhiều khó khăn. Thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản chưa phát triển đồng bộ, thiếu bền vững và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng thừa nhận rằng mặc dù khởi sắc trong hai năm 2014,2015, nền kinh tế nhìn chung hồi phục vẫn còn chậm. Tăng trưởng GDP bình quân 5 năm chỉ đạt 5,88%, thấp hơn 5 năm trước và chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Chất lượng tăng trưởng một số mặt còn thấp, cải thiện còn chậm; năng suất nhiều ngành, lĩnh vực còn thấp, công nghệ sản xuất phần lớn còn lạc hậu.

Bên cạnh đó, thể chế thị trường chưa thực sự là động lực đột phát để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Nhiều quy định pháp luật chưa tuân thủ quy luật kinh tế thị trường…

Năng suất lao động còn thấp

Về phần Ngân hàng Thế giới (WB), Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng này tại Việt Nam bà Victoria Kwakwa cho rằng thách thức lớn nhất trong thời gian tới đối với nền kinh tế Việt Nam là sự yếu kém về năng suất lao động.

“Mức tăng năng suất lao động của Việt Nam trong những năm qua ở mức chưa tới 4%/năm và đang có xu hướng giảm, trong khi mức tăng năng suất lao động tại Trung Quốc là trên 7%, tại Hàn Quốc là trên 5% vào thời điểm các nước đó ở cùng trình độ phát triển như Việt Nam hiện nay. Tốc độ tăng năng suất lao động hiện nay sẽ không đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững đủ mức để từ đó Việt Nam có thể đi theo quĩ đạo như các nước Hàn Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc)”, vị giám đốc WB nhận định.

Ngoài ra, môi trường cũng là một vấn đề đáng lưu tâm, bà Kwakwa cho biết trong 5 năm vừa qua, mức độ phát thải khí nhà kính của Việt Nam tăng nhanh nhất khu vực. WB khuyến cáo Việt Nam cần chú ý tới ngành năng lượng, trong bối cảnh thủy điện chiếm 42% tổng công suất nhưng tiềm năng thủy điện tới nay đã gần hết. Do vậy cần xây dựng một khung ưu đãi đầu tư vào các nguồn năng lượng tái sinh như gió, khí đốt hoặc mặt trời, thực hiện đồng thời với tăng cường tiết kiệm điện.

Bên cạnh đó, mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ, tuy nhiên tình trạng nghèo đói đi kèm với vấn đề phúc lợi xã hội vẫn sẽ tiếp tục là một nhức nhối trong xã hội Việt Nam, khi mà ohucs lợi cho nhóm người thiểu số đạt tiến bộ không đáng kể trong những năm qua, tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh trong nhóm dân tộc thiểu số đang tăng nhẹ trở lại. Bởi vậy, Chính phủ Việt Nam cần gấp rút đề ra một chương trình nghị sự mới giải quyết tình trạng nghèo trong nhóm thiểu số.

Thêm nữa, nền kinh tế và xã hội Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức phức tạp trong những năm tới, vì vậy đòi hỏi Nhà nước phải có năng lực và trách nhiệm giải trình cao hơn thì mới giải quyết được. Vấn đề mấu chốt ở đây là phải có một bộ máy hành chính chuyên nghiệp, khi mà quá trình cải cách hành chính công kéo dài của Việt Nam vẫn chưa cho thấy kết quả rõ nét. Cho phép người dân phản hồi thường xuyên và thực chất trong quá trình hoạch định và theo dõi thực hiện chính sách sẽ giúp tăng cường trách nhiệm giải trình của Chính phủ.

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến