Dòng sự kiện:
Toàn cảnh lũ lụt kinh hoàng hoành hành khắp 9 huyện, thành phố ở Thanh Hóa
01/09/2018 21:51:18
Nước lũ bắt nguồn từ mưa lớn ở vùng thượng nguồn, cùng với việc xả lũ ở các đập thủy điện đã khiến nhiều huyện ở vùng hạ du bị ngập lụt nặng nề, mặc dù ở những vùng này lượng mưa không đáng kể.

Mưa lớn chỉ xảy ra ở các huyện vùng núi phía tây là Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát. Các huyện ở vùng hạ du mặc dù lượng mưa không đáng kể nhưng lại ngập lụt nặng nề bởi các thủy điện xả lũ ở vùng thượng nguồn đổ về.

Tính đến ngày 1/9, hàng chục nghìn ngôi nhà ở khắp các huyện trên vẫn đang ngập trong biển nước, đồng nghĩa với hàng vạn người đang vật lộn trong cảnh thiếu thốn thức ăn, nước sạch, mất liên lạc…

Ngay cả sau này khi lũ đã rút thì cuộc sống an sinh cũng sẽ vô cùng khó khăn bởi họ phải tìm cách khắc phục hậu quả nặng nề của thiên tai.

 

Tại huyện Quan Hóa, mưa lớn đã gây sạt lở đất đá vùi lấp nhà dân, sập trường tiểu học Trung Sơn, giao thông bị chia cắt do sạt lở nghiêm trọng, nhiều xã bị cô lập...

Huyện Mường Lát hiện vẫn đang bị cô lập hoàn toàn do nhiều điểm sạt lở  ở các tuyến giao thông chưa thể khắc phục. 


Huyện Bá Thước đang bị ngập sâu do lũ sông Mã dâng cao


Người dân phải thiết kế bè mảng đê di chuyển 

Mưa lũ lớn tại huyện Quan Sơn cũng khiến nhiều nhà sập, hư hỏng, quốc lộ 217 bị sạt lở nghiêm trọng

Theo báo cáo của UBND huyện Thạch Thành, tính đến ngày 1/9, mực nước trên sông Bưởi là12,61m (trên mức báo động 3 là 61cm) khiến nước tràn đê bao tại xã Thạch Định. Trước tình hình trên, huyện Thạch Thành đã phát lệnh báo động, di tản các hộ dân có nguy cơ bị ngập đến nơi an toàn. Huyện Thạch Thành có 15 xã, thị trấn với hơn 1.000 hộ dân bị ngập. Số hộ đã di tản đến nơi an toàn là 1.574 hộ


Chiều 1/9, nước lũ tràn đê sông Bưởi, người dân các xã vùng trũng thấp như Thạch Đồng, Thạch Định, Thành Kim, Thành Trực sẵn sàng đi sơ tán

 

Dùng bao cát chắn nước lũ trên đê sông Bưởi

Người dân phải dùng thuyền di chuyển bởi nước lũ dâng cao


Tại huyện Cẩm Thủy, nước lũ từ thượng nguồn đổ về sông Mã dâng cao đã khiến hơn 4000 ngôi nhà chìm trong biển nước, 3 người chết và mất tích. Nhiều trường học, cơ sở y tế, ủy ban nhân dân xã vẫn đang bị ngập sâu hoặc bị bùn lấp.

Tại huyện Vĩnh Lộc, nước lũ đổ về từ thượng nguồn cũng khiến nhiều xã của huyện Vĩnh Lộc bị cô lập, công sở xã, nhà văn hoá, trường học 3 cấp đều bị ngập sâu trong nước. Ở các xã như Vĩnh Quang, Vĩnh Yên, Vĩnh Hưng, Vĩnh Ninh... bị ngập một số nơi. Riêng tại khu vực ngoại đê sông Mã nước ngập sâu vào nhà dân từ 1,5-2,5 m. Riêng tại xã Vĩnh Yên, toàn bộ đường giao thông vào xã bị ngập, có nơi sâu nhất trên 3 m.

Huyện Vĩnh Lộc đã khẩn trương di dời gần 1.600 hộ dân, tuyến Quốc lộ 217 đoạn từ thị trấn Vĩnh Lộc đi các xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Hùng, Vĩnh An, Vĩnh Minh đang tạm thời bị chia cắt bởi nước lũ.

Tại huyện Yên Định và các xã vùng ngoại đê như Thiệu Dương, Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa) có nhiều nơi bị ngập sâu do nước lũ sông Mã. Chính quyền cũng đã nhanh chóng di dời hàng nghìn người dân đến nơi an toàn.

Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến