Dòng sự kiện:
Trào lưu cầm chảo chạy kiểu Naruto: Đừng vội 'ném đá' giới trẻ
22/09/2017 14:35:12
Gần đây, mạng xã hội Facebook tràn ngập các sự kiện được giới trẻ hưởng ứng dù không biết ảo hay thật như: Cầm chảo chạy bộ, phát người yêu miễn phí... Các bạn trẻ và chuyên gia tâm lý nói gì về trào lưu này?

Mới đây, sự kiện “Chạy kiểu Naruto quanh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội” vừa diễn ra tại phố đi bộ Hà Nội, hàng chục bạn trẻ tay cầm chảo, đầu đội mũ bảo hiểm hào hứng tụ tập cùng chụp ảnh check-in và chạy bộ quanh hồ Gươm.

Không chỉ có sự kiện này, trên mạng xã hội còn rất nhiều sự kiện khác được các bạn trẻ quan tâm như: "La hét như Songoku, "Đánh nhau như Chaien", "Móc túi như Doraemon" hay “Phát người yêu miễn phí tại phố đi bộ” và còn rất nhiều sự kiện tương tự...

Sự kiện “Chạy kiểu Naruto quanh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội” tưởng như trêu đùa ấy đã thu hút tới 14.000 người quan tâm và 2.500 người đăng ký tham dự và diễn ra vào 10/9.  Dù số lượng người tham gia giảm đáng kể so với dự đoán ban đầu nhưng hoạt động chạy bộ tập thể này cũng thu hút sự tò mò của người dân có mặt trên phố đi bộ vào dịp cuối tuần.

Sự kiện "Chạy kiểu Naruto" diễn ra 10/9 trên phố đi bộ Hà Nội được nhiều bạn trẻ hưởng ứng.

Bạn N.A.Đ – một trong những người cầm chảo chạy trên phố đi bộ cho biết: “Em đọc được thông tin trên mạng, thấy hay hay thì rủ bạn bè tham gia cùng. Mà như này cũng vui, đến đây em gặp được nhiều bạn bè, khá là thú vị đấy. Khi chạy kiểu Naruto và cầm theo cái chảo, nhiều người nhìn bọn em bằng ánh mắt tò mò. Chắc họ nghĩ bọn em có vấn đề nhưng kệ thôi”.

“Biết là sự kiện này nhảm nhí nhưng thấy nó hay hay em ấn nút quan tâm trên trang Facebook, để xem sự kiện thế nào và nó đã diễn ra thật. Gần đây em còn thấy có nhiều sự kiện với những cái tên quái gở hơn càng ngày càng thấy xuất hiện nhiều trên Facebook.

Em không còn thấy nó hay nữa mà thấy nhảm nhí và gây khó chịu. Em được biết sự kiện chạy như Naruto được tạo ra với mục đích gắn kết, phát triển cộng đồng game thủ Việt, giúp các game thủ có dịp gặp gỡ nhau ngoài đời thực chứ không chỉ trên máy tính. Nhưng sau sự kiện này thì lại có quá nhiều sự kiện ăn theo mang tính chất phi thực tế, đi quá giới hạn”, bạn N.P.T nói.

Bạn N.T.Đ lại thấy các sự kiện này quá vô bổ: “Nhiều bạn đến tham gia chỉ vì thích sống ảo, đến chụp cái ảnh đăng lên mạng xã hội, a dua theo đám đông. Mình thấy sự kiện như thế này không nên có mà thay bằng những sự kiện mang lại lợi ích cho cộng đồng. Tại sao không tổ chức sự kiện nhặt rác quanh hồ có phải bảo vệ môi trường không?”.

Nhiều sự kiện a dua được tổ chức trong thời gian qua

Là người chứng kiến sự kiện “chạy kiểu Naruto” trên phố đi bộ, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất chia sẻ: "Tôi thấy thanh thiếu niên ở Việt Nam thiệt thòi quá".

“Tuổi thanh thiếu nên là phải hoạt động, phải vui chơi, phải có sáng tạo để thể hiện mình, đó là đặc trưng của tuổi trẻ. Nếu thế hệ trẻ không có những cái đó thì họ thấy buồn tẻ, cô đơn. Sáng tạo ra sự kiện trên cũng là việc họ muốn thể hiện mình. Dù trò chơi đó có vô bổ hay phi thực tế thì chúng ta cũng cần phải thông cảm cho giới trẻ. Chứ không nên ném đá hay chỉ trích, bởi tuổi trẻ mà bị ném đá sẽ rất dễ bị thui chột óc sáng tạo”.

Nhiều người sẽ cho rằng giới trẻ đang có nhiều thời gian rảnh rỗi sinh ra những trò chơi vô bổ. Nhưng thử nhìn lại, người già thích đánh cờ thường tụ tập giao lưu thì những người trẻ sẽ tạo ra cho mình những sân chơi hợp với sở thích, lứa tuổi.

Còn cái sân chơi ấy nó có ích hay vô bổ thì không thể đổ hết tội cho các bạn trẻ và càng không nên chỉ trích, “ném đá”. Nếu đứng ở góc độ nào đó sự kiện đó là vô bổ những ở một góc độ khác thì nó chỉ là một sự sáng tạo trò chơi mang tính chất giải trí. Nhưng do không có người quản lý nên sẽ có những cái sai do tự phát là điều dĩ nhiên.

Chuyên gia Nguyễn An Chất đưa ra quan điểm, thiếu sân chơi cho giới trẻ dẫn đến những sân chơi tự phát thì lỗi phần lớn là ở nhà quản lý.

“Những nhà quản lý phải có trách nhiệm với thanh thiếu niên, trách nhiệm lo cho tương lai của dân tộc. Nhà quản lý ở đây là các bậc phụ huynh, các tổ chức đoàn thanh thiếu niên… phải tạo sân chơi trí tuệ cho bọn trẻ, ở mọi lứa tuổi, đẳng cấp khác nhau. Như ở đại học sẽ có sân chơi riêng, học sinh sẽ có kiểu sân chơi trí tuệ khác… Để ở chỗ nào cũng phát triển được sự sáng tạo của tuổi trẻ”.

Các nhà quản lý có thể tạo ra những sân chơi trí tuệ bằng việc tổ chức cho thanh thiếu niên đăng kí tham gia tranh luận một số vấn đề của xã hội Việt Nam bây giờ như tình trạng ùn tác giao thông, tình trạng Hà Nội bị ngập sau mỗi trận mưa lớn… Giả dụ trên cương vị là chủ tịch nước bạn sẽ làm như thế nào, là bí thư sẽ giải quyết ra sao… Còn nếu trong doanh nghiệp có thể tổ chức các cuộc thi về việc quản lý doanh nghiệp, quản lý công nhân…

“Đừng đổ tội cho giới trẻ. Hãy tạo điều kiện cho các bạn trẻ vừa chơi, vừa học. Đừng phê phán bởi thanh thiếu niên Việt Nam bị thiệt thòi nhiều quá”, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất nói.

Dương Nga

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến