Tin liên quan
Bản đồ khu vực Trung Á. Nguồn: WB
Bức tranh toàn cảnh
Kể từ khi tách ra khỏi Liên Xô đầu những năm 90, 5 quốc gia Trung Á: Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan, Kazakhstan và Turkmenistan chưa bao giờ là tâm điểm chú ý của thế giới, bởi suốt hơn 2 thập kỉ qua, có quá ít sự thay đổi ở các “stan” này. Người ta không khỏi tò mò vì sao các Chính phủ tại một khu vực nổi tiếng với tình trạng trì trệ cả về kinh tế lẫn chính trị lại có thể cầm quyền lâu đến vậy.
Tuy nhiên giờ đây, những chế độ độc tài với nạn tham nhũng tận gốc rễ đang đối mặt với một cơn bão sắp sửa ập tới. Năm 2015, kinh tế Nga suy thoái cùng khủng hoảng giá cả hàng hóa cơ bản trên thế giới không hẹn mà gặp, đẩy nền kinh tế khu vực đứng bên vực thẳm. Mặc dù vậy, những diễn biến xấu nhất có thể vẫn còn ở phía trước.
World Bank dự báo kinh tế Trung Á sẽ chạm đáy trong năm 2016, cuốn bay chút ít uy tín còn sót lại của các nhà lãnh đạo – vốn có thời gian cầm quyền tính bằng đơn vị chục năm – trong khu vực. Với bối cảnh như vậy, chỉ cần một bất ổn như lãnh đạo qua đời, hay bạo lực bùng phát từ một cuộc biểu tình, đều có thể làm chất xúc tác, châm ngòi cho một cuộc cách mạng khắp khu vực.
Bởi vậy, viễn cảnh về một cuộc “cách mạng màu” ở một vài nước hoặc toàn khu vực Trung Á bỗng dưng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết kể từ sự tan rã của Liên bang Xô Viết.
Nguyên nhân lớn nhất dẫn tới tình trạng bi đát hiện nay của Trung Á tới từ người láng giềng khổng lồ phương Bắc – Nga.
Mặc dù ảnh hưởng của Điện Kremli đối với các cựu thành viên Liên Xô (SNG) này không còn lớn như trước, Moscow từ trước tới nay vẫn luôn là đối tác kinh tế lớn nhất đối với Trung Á.Nga là điểm đến quan trọng của hàng hóa Trung Á. Thị trường lao động Nga tiếp nhận hàng triệu công dân từ các nước láng giềng phía Nam, đồng thời là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất đối với cả khu vực.
Tuy nhiên kể từ đầu năm 2015, chính sách trừng phạt của Mỹ và phương Tây cùng giá dầu lao dốc gây ra hiệu ứng kép, nhấn nền kinh tế Nga chìm trong cơn khủng hoảng tồi tệ nhất nhiều thập kỉ qua.
Sự đi xuống của Moscow đồng nghĩa với việc kiều hối – vốn được gửi từ hàng triệu lao động nhập cư hàng năm – giảm sút nghiêm trọng, chi tiết này rất đáng chú ý khi Trung Á là khu vực phụ thuộc vào kiều hối nặng nề nhất thế giới. Ngoài ra, các công ty sản xuất hàng hóa định hướng xuất khẩu vào Nga cũng bị ảnh hưởng nặng nề, đe dọa sa thải hàng triệu lao động trong nước, đẩy tỉ lệ thất nghiệp lên cao.
Bởi số liệu của các Chính phủ Trung Á thường không đáng tin cậy, rất khó để đánh giá chính xác thực trạng kinh tế hiện nay của khu vực này. World Bank dự báo Kazakhstan – nền kinh tế lớn nhất Trung Á – sẽ chỉ tăng trưởng 1% trong năm nay. Trong khi đó, Economist Intelligence Unit (EIU), bộ phận thông tin kinh doanh của tạp chí The Economist, lại cho rằng quốc gia này sẽ sớm lâm vào một cuộc suy thoái.
Kinh tế Nga lao dốc chỉ là chất xúc tác, phơi bày sự trì trệ trong hệ thống kinh tế & chính trị của các quốc gia Trung Á. Ảnh: AP
Tương lai ảm đạm
Đối với 3 “stan” nghèo hơn: Tajikistan, Kyrgyzstan và Uzbekistan, kiều hối đóng một vai trò sống còn trong cơ cấu kinh tế. Theo World Bank, tính trên tỉ lệ GDP, Tajikistan là quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào kiều hối trên thế giới. Kyrgyzstan đứng thứ hai, Uzbekistan cũng nằm trong top 10.
Do vậy, việc đồng Rub Nga mất giá tới 128% so với USD kể từ tháng 11/2013 đã làm giảm đi đáng kể lượng USD quy đổi mà hàng triệu lao động Trung Á ở Nga gửi về nước mỗi năm. Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Nga,kiều hối của 3 quốc gia trên đều giảm mạnh trong năm 2015, lần lượt 43%,38% và 51%.
Cho tới thời điểm này, vẫn chưa có một làn sóng hồi hương nào của dân nhập cư Trung Á ở Nga. Tuy nhiên nếu tình hình tiếp tục xấu đi, không loại trừ trường hợp một lượng lớn lao độngkể trên sẽ lũ lượt kéo về quê nhà. Lúc ấy hãy tượng tượng các Chính phủ Trung Á có thể làm gì với hàng triệu người thất nghiệp này!
Năm 2015, nhằm tăng tính cạnh tranh của hàng hóa trong nước khi xuất khẩu sang Nga, các quốc gia Trung Á đã đồng loạt phá giá đồng nội tệ. Đồng Tenge Kazakhstan mất 137% so với USD kể từ cuối năm 2013, sau khi bỏ chính sách tỉ giá cố định đối với Đồng Bạc xanh. Tiền Som của Kyrgyzstan mất 55%, Somoni của Tajikistan giảm 42%, đồng Som Uzbekistan mất 25%. Còn ở Turkmenistan, Ngân hàng Trung ương nước này đã phá giá đồng nội tệ của mình tới 19% chỉ trong 1 đêm đầu năm ngoái, và gần như sẽ tiếp tục phải thực hiện biện pháp này trong thời gian tới nếu muốn cạnh tranh với các nước khác trong khu vực.
Động thái phá giá nội tệ hàng loạt khiến người dân Trung Á tăng cường tích trữ USD, dẫn tới thiếu hụt nghiêm trọng đồng tiền này ở nhiều nước. Các công ty hoạt động trên thị trường thương mại quốc tế cũng đang gặp khó khăn nghiêm trọng bởi họ không thể mua đủ ngoại tệ để chi trả cho đối tác. Các khoản vay bằng USD hay Euro trở nên rất khó có thể trả đủ và đúng hạn bởi tất cả các Chính phủ trong khu vực đều siết chặt việc mua bán ngoại tệ. Thậm chí ở Turkmenistan và Azerbaijan, giao dịch, trao đổi đồng USD đã hoàn toàn bị cấm.
Trong khi đó, đối với những nước định hướng xuất khẩu sang Nga như Kazakhstan hay Kyrgyzstan, kinh tế Nga đi xuống đồng nghĩa với một thảm họa. Hai nước này gia nhập Liên minh Kinh tế Á – Âu (EEU – Do Nga lãnh đạo) trong năm ngoái, với kỳ vọng có thể kiếm được một “miếng bánh” to hơn trong thị trường rộng lớn của Nga, nhất là trong bối cảnh Moscow gần như đóng cửa với kinh tế phương Tây.
Tuy nhiên, đồng Rub yếu thực tế lại giúp hàng hóa Nga chảy ngược xuống các thị trường phía nam. Trước khi Kazakhstan thả nổi đồng tiền của mình, lợi thế tỉ giá giúp hàng hóa Nga ồ ạt đi qua biên giới nước này mỗi ngày, tình trạng nghiêm trọng tới nỗi Tổng thống Nazarbaevphải kêu gọi đàm phán với Moscow nhằm giảm thâm hụt thương mại.
Theo số liệu mới nhất của EEU, tổng kim ngạch thương mại giữa Kazakhstan và Nga trong 10 tháng đầu năm 2015 đã giảm 25,6% so với cùng kì năm ngoái, con số này giữa Kyrgyzstan và Nga là 19,4%.
Tổng thống Uzbekistan Karimov, 78 tuổi, lên nắm quyền quốc gia Trung Á kể từ năm 1990, khi mà Liên Xô còn chưa tan rã. Ảnh: TASS
Mặc dù vậy, nếu phải chọn ra quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, thì đó phải là Tajikistan – quốc gia phụ thuộc vào kiều hối lớn nhất thế giới, với khoảng 50% GDP được gửi về từ lao động ở nước ngoài, phần lớn trong số này ở Nga. Giới quan sát quốc tế trong nhiều tháng nay đã cảnh báo dự trữ ngoại tệ của Tajikistan đang rơi vào mức nguy hiểm, có thể dẫn nước này tới bước đường phá sản nếu có một cuộc khủng hoảng kinh tế nổ ra.
Nực cười ở chỗ khi mà những lời cảnh báo ngày một gay gắt hơn, thì Ngân hàng Trung ươngTajikistan đơn giản là…ngừng báo cáo con số này. Tình hình kinh tế - xã hội ở Tajikistan đang xấu đi nhanh chóng trong thời gian qua. World Bank chỉ ra rằng tỉ lệ dân số Tajikistan có thể ăn đủ 3 bữa/ngày đã giảm từ mức 67% trong tháng 5/2015 xuống còn 60% 5 tháng sau đó.
Đối mặt với thu nhập suy giảm, các Chính phủ Trung Á không còn cách nào khác buộc phải cắt giảm chi tiêu. Kazakhstan đã tăng giá các dịch vụ dân dụng như năng lượng, nhiên liệu, nước sạch. Nước này đồng thời giảm trợ cấp đối với lương thực, đặc biệt là bánh mỳ - thực phẩm chính của người dân Kazakhstan. Turkmenistan cũng cho biết sẽ sớm bỏ chính sách cung cấp miễn phí gas, điện và nước sạch cho người dân kể từ năm 1993.
Chờ đợi cách mạng?
Kinh tế xấu đi bản thân nó sẽ không thể thay đổi chế độ chính trị, bởi ở Trung Á, phần lớn quyền lực tập trung trong tay nhà cầm quyền. Kinh tế càng khó khăn, giới cầm quyền tại đây càng siết chặt xã hội, củng cố ảnh hưởng.
Kazakhstan hồi tháng 4 năm ngoái tổ chức một cuộc bầu cử chớp nhoáng nhằm đảm bảo vị trí vững chắc của Tổng thống đương nhiệm Nursultan Nazarbayev– người cầm quyền quốc gia này kể từ thời Xô Viết. Islam Karimov – Tổng thống Uzbekistan kể từ năm 1990 – tái đắc cử nhiệm kỳ thứ tư trong một cuộc bầu cử chịu sự chỉ trích dữ dội từ phương Tây hồi năm ngoái.
Trong khi đóTổng thống Tajikistan Emomali Rahmon – lên nắm quyền vào năm 1992 – buộc tội đảng đối lập lớn nhất là những kẻ cực đoan và tiến hành bắt giữ, bố ráp lãnh đạo đảng này. Tổng thống Turkmenistan Berdimuhamedow cô lập và cách chức một loạt quan chức cấp cao có tư tưởng cải cách trong hơn 1 năm qua. Kyrgyzstan thì cấm cửa đối với quan sát viên của tổ chức Theo dõi Nhân quyền thế giới (HRW), bỏ tù những tiếng nói đối lập, đồng thời giải thể luôn tờ báo uy tín nhất nước.
Có thể đối với xã hội Trung Á, ký ức không mấy dễ chịu vào thời điểm Liên Xô sụp đổ đang khiến họ trở nên lưỡng lự hơn trước những sự thay đổi mang tính bước ngoặt. Bởi vậy, ngay cả khi đất nước phá sản đi chăng nữa, cũng sẽ khó có thể gây ra một sự xáo trộn trong hệ thống chính trị khu vực này.
Tuy nhiên nếu thay đổi tới từ cấu trúc thượng tầng thì lại là một câu chuyện khác, giả dụ như cái chết của một nhà lãnh đạo (Tổng thống Uzbekistan Karimov sẽ bước sang tuổi 78 cuối tháng này; tổng thống Kazakhstan Nazarbaev cũng đã 75 tuổi), hay một cuộc biểu tình được châm ngòi thành bạo loạn, hoặc sự can thiệp từ phía người khổng lồ phương Bắc. Kịch bản này không phải không thể xảy ra, khi biết rằng năm 2010, Moscow được cho đã đứng sau một chiến dịch “đen”, đẩy cựu Tổng thống Kyrgyzstan Kurmanbek Bakiyev ra đi một cách tức tưởi.
Chỉ cần một trong những điều kiện trên xảy đến, một cuộc cách mạng rất có thể sẽ lan nhanh ra toàn khu vực. Trung Á hơn bao giờ hết cần một sự chuyển biến như vậy, sau hàng thập kỉ trì trệ với vỏ bọc của sự ổn định, kì thực mục nát, tham nhũng tới tận gốc rễ.
Nghi Điền
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy