Dòng sự kiện:
Vai trò của VBSP với xóa đói giảm nghèo
08/09/2018 11:04:35
VBSP đã tạo ra một hệ thống cung cấp tín dụng và thu nợ hiệu quả, làm giảm chi phí giao dịch cho khách hàng và bản thân ngân hàng đồng thời đạt được mức độ bao phủ ấn tượng đến tận cấp xã.

Bên lề Hội thảo quốc tế “Thông lệ tốt nhất về tài chính nông nghiệp, nông thôn vì người nghèo - kinh nghiệm của Việt Nam”, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Prasun Kumar Das - Tổng thư ký Hiệp hội Các tổ chức tín dụng châu Á - Thái Bình Dương APRACA về những hoạt động của tổ chức này đối với sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn Việt Nam nói riêng, khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung.

Ông có thể cho biết cụ thể vai trò của APRACA đối với phát triển tín dụng nông nghiệp, nông thôn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng?

APRACA đóng góp vào sự phát triển của tín dụng nông nghiệp, nông thôn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Việt Nam chủ yếu thông qua 5 trụ cột hành động.

Ông Prasun Kumar Das.

Trụ cột số 1 là đối thoại và chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính sách: Cung cấp những cơ hội đối thoại chính sách ở cấp quốc gia và khu vực về quản trị rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng, tài trợ theo chuỗi giá trị…

Trụ cột số 2 là xây dựng năng lực và thể chế gồm tổ chức khóa đào tạo, hội nghị, hội thảo, nghiên cứu thực địa/ chia sẻ kinh nghiệm; trợ giúp để nâng cao năng lực cho các tổ chức tài chính vi mô…

Trụ cột số 3 là triển khai các dự án. Trụ cột số 4 là nghiên cứu phát triển và tư vấn bao gồm nghiên cứu chính sách, xây dựng các bộ tài liệu chia sẻ kinh nghiệm về sáng kiến và thông lệ tốt nhất, nghiên cứu thực địa để xây dựng những báo cáo riêng cho từng quốc gia…

Trụ cột số 5 sẽ quản lý kiến thức chung: phát hành các ấn phẩm về nghiên cứu và kỹ thuật, quản lý và cung cấp các nguồn tư liệu...

Ông đánh giá thế nào về “phương pháp cung cấp tín dụng đặc thù” mà Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (VBSP) đang áp dụng ở Việt Nam?

VBSP là tổ chức chiếm ưu thế nổi bật trong cung cấp tín dụng vi mô với khoảng 6,7 triệu người vay vi mô và gần 7 triệu người gửi tiết kiệm thường xuyên tính tới tháng 6 năm 2018. Thị phần của ngân hàng trong lĩnh vực tài chính vi mô chiếm khoảng 80% về lượng khách hàng và khoảng 70% về dư nợ. Với gần 7 triệu người gửi tiết kiệm thường xuyên, VBSP đang là tổ chức có khả năng huy động tiết kiệm hiệu quả nhất trong số các đơn vị chủ chốt cung cấp dịch vụ tài chính vi mô với 70% thị phần. Điều này có được nhờ vào phương pháp tiếp cận khách hàng rất đặc thù của VBSP.

Bạn có thế thấy chủ yếu phương pháp tiếp cận độc đáo của VBSP dẫn đến Việt Nam có một trong những hệ thống phân phối tín dụng vi mô rộng lớn nhất trên thế giới. Cụ thể, độ tiếp cận sâu rộng của VBSP đến 6,7 triệu khách hàng nhờ sự kết hợp giữa tập trung hướng tới nhóm đối tượng khách hàng vay chính sách kết hợp với việc cung cấp tín dụng “tại chỗ”.

Thông qua mạng lưới điểm giao dịch cấp xã lên tới gần 11 nghìn xã, có nhóm nhân viên của VBSP đến giao dịch hàng tháng. Chi phí cung cấp tín dụng thấp, việc thu nợ và xử lý nợ xấu của khách hàng được thực hiện thông qua duy trì họp hàng tháng của trên 180.000 tổ tiết kiệm và vay vốn của các tổ chức đoàn thể trong việc vận động, tuyên truyền, đào tạo khách hàng, thành lập nhóm cũng như hoạt động thu lãi.

Cùng với sự theo đuổi một cách kiên định và thống nhất chương trình này của Chính phủ đã giúp Việt Nam trở thành một trong những nước xóa đói giảm nghèo nhanh nhất khu vực.

Với tư cách Tổng thư ký Hiệp hội APRACA, ông nhận thấy vai trò của VBSP đã thể hiện ra sao trong tiến trình xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam?

Như nói ở trên, VBSP đã tạo ra một hệ thống cung cấp tín dụng và thu nợ hiệu quả, làm giảm chi phí giao dịch cho khách hàng và bản thân ngân hàng đồng thời đạt được mức độ bao phủ ấn tượng đến tận cấp xã. Có thể nói, vai trò của VBSP trong xóa đói giảm nghèo là rất đáng kể, nhưng cũng phải kể đến nỗ lực của Chương trình xóa đói giảm nghèo tổng thể của Chính phủ.

Với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ, ngân hàng đã phối hợp với UBND địa phương và các tổ chức đoàn thể từ cấp trung ương đến địa phương. Trên nhiều phương diện, hoạt động của VBSP phản ánh “cách thức Việt Nam” độc đáo của việc theo đuổi một chính sách dành riêng, kiên định và gắn kết từ cấp quốc gia đến cấp xã để đạt được các mục tiêu đề ra một cách nhất quán - một thành tựu mà nhiều nước trong khu vực chỉ có thể ghen tỵ.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến