Ván bài của đại gia Vũ Văn Tiền tại SHN
29/06/2015 11:01:42
ANTT.VN - Kế hoạch tăng vốn khủng tại Công ty CP đầu tư tổng hợp Hà Nội với sự xuất hiện của đại gia kín tiếng Vũ Văn Tiền (chủ tịch tập đoàn Gleximco) đã hé lộ cục diện mới trong kế hoạch kinh doanh của bộ 3 SHN - Gleximco và Đầu tư An Bình (ABFG).

Tin liên quan

Thế cục mới tại SHN

Từ một doanh nghiệp trên bờ vực hủy niêm yết với vốn chủ sở hữu chỉ còn vỏn vẹn hơn 25 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2014, kết quả kinh doanh thuộc nhóm bết bát nhất nhì trên sàn thì nay Công ty CP đầu tư tổng hợp Hà Nội (SHN) như “thay da đổi thịt” với tốc độ chóng mặt. Song hành với điều này, không thể không kể đến sự xuất hiện của nhóm cổ đông liên quan đến ông Vũ Văn Tiền, Geleximco và Đầu tư An Bình trong tháng 6 này.

Và đến cuối tuần qua, một trong số những tờ trình đáng chú ý đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2015 của SHN là phương án phát hành 95 triệu cp (gấp gần 2.5 lần lượng cổ phần trước khi phát hành) để hoán đổi 95% vốn của CTCP Tập đoàn Đầu tư An Bình (ABFG).

Dự kiến sau hoán đổi SHN sẽ tăng vốn điều lệ từ 386 tỷ lên cả 1,336 tỷ đồng, danh sách cổ đông lớn cũng sẽ có sự biến động lớn với sự xuất hiện của nhóm cổ đông Geleximco và đại gia Vũ Văn Tiền với số lượng cổ phần sở hữu đạt 44.6 triệu cp, tương đương gần 35% vốn (tính trên tổng số cp sau phát hành là 133.6 triệu cp).

Và thế cục tại SHN lật sang trang mới!

Cơ cấu cổ đông dự kiến của SHN sau phát hành hoán đổi cp với ABFG

Cùng với thay đổi cơ cấu cổ đông, ban lãnh đạo của SHN theo đó cũng có sự xuất hiện những gương mặt mới từ nhóm Geleximco là ông Vũ Văn Hậu, ông Phan Minh Sáng và bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh. Trong đó, chức vụ Chủ tịch HĐQT được giao cho ông Vũ Văn Hậu, ông Đinh Hồng Long giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc SHN.

Được biết, ông Vũ Văn Hậu là em trai ông Vũ Văn Tiền (Chủ tịch Geleximco, Chủ tịch Ngân hàng An Bình – ABBank), đồng thời cũng là một trong số những cổ đông lớn của SHN sau khi thực hiện hoán đổi cổ phần với ABFG với tỷ lệ nắm giữ gần 7.68%.

Ván bài niêm yết cửa sau dành cho ABFG?

Cũng với phương án phát hành 95 triệu cp để hoán đổi với ABFG, SHN sẽ sở hữu 95% vốn điều lệ của ABFG, các cổ đông ABFG sẽ trở thành cổ đông của SHN và ABFG sẽ trở thành công ty con của SHN.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, việc biến SHN thành “vỏ” của ABFG thông qua hoán đổi cổ phiếu có thể xem như một hình thức niêm yết cửa sau dành cho ABFG. Bởi lẽ, thực chất 133.6 triệu cp SHN được lưu hành sau khi hoán đổi thì có tới 95 triệu cp, tương đương hơn 71% là của cổ đông ABFG (tỷ lệ hoán đổi 1:1).

Với việc thực hiện này, về bản chất 95% số lượng cổ phiếu của ABFG đã nghiễm nhiên được niêm yết trên sàn HNX dưới cái “vỏ” SHN mà không cần phải thực hiện những thủ tục niêm yết, công bố thông tin như đối với các trường hợp niêm yết trực tiếp khác. Trong khi, ABFG vẫn có thể lựa chọn tiếp tục hoạt động với phong cách bí ẩn giống như hoạt động của đại gia kín tiếng Geleximco nếu muốn.

Cơ cấu cổ đông rất cô đọng của ABFG trước khi hoán đổi cổ phiếu với SHN

Có thể thấy, thị trường chứng khoán đã phản ứng rất tích cực trước sự xuất hiện của đại gia Vũ Văn Tiền tại SHN. Cổ phiếu này đã đạt mức tăng ấn tượng gấp hơn 7 lần chỉ trong gần 2 tháng giao dịch gần đây với mức giá cao nhất ghi nhận là hơn 22,000 đồng/cp.

Diễn biến giá cp SHN 3 tháng gần đây

Đẩy dự án, tăng lợi nhuận, phát hành... và đẩy vốn ngược lại ABFG?

Quay trở lại với hoạt động kinh doanh, sự góp mặt của đại gia Geleximco được coi như “tia sáng cuối đường hầm” đối với SHN giữa lúc án hủy niêm yết đang lơ lửng trên đầu.

Tuy nhiên, nếu đó được coi là vận may của SHN thì ngược lại, nhiều nhà đầu tư vẫn băn khoăn trước “nước cờ” tưởng chừng đầy mạo hiểm của Geleximco.

Bởi, hoạt động kinh doanh bết bát là câu chuyện được nói đến trong nhiều năm nay của SHN, kể từ khi vụ việc của ông Nguyễn Anh Quân đi vào bế tắc Không chỉ vậy, tổng tài sản của SHN cũng đã bốc hơi đáng kể từ mức 558 tỷ đồng năm 2011 chỉ còn hơn 240 tỷ đồng năm 2014.

Kết quả kinh doanh của SHN trong những năm gần đây (Đvt: Triệu đồng)

Kết quả kinh doanh ngày càng bết bát cùng với đó là vốn chủ sở hữu ngày càng bị ăn mòn bởi khoản lỗ khổng lồ ghi nhận mỗi năm

Nhưng cần để ý là, ngay sau khi có sự góp mặt của Geleximco và đại gia Vũ Văn Tiền, thì tiếp ngay sau đó là hàng loạt kế hoạch kinh doanh đầy táo bạo được đưa ra, đặc biệt là kế hoạch tăng vốn khủng từ 385.9 tỷ đồng lên 2,000 tỷ đồng đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 của SHN.

Bên lề ĐHĐCĐ thường niên năm 2015, ông Đinh Hồng Long – Nguyên Chủ tịch HĐQT SHN cho biết, dự kiến từ giờ đến cuối năm SHN sẽ được Geleximco dành những dự án tốt nhất để phân phối, đảm bảo cho SHN đạt mức lợi nhuận từ 50 – 60 tỷ đồng/tháng.

Bên cạnh cấn trừ nợ, hoán đổi cổ phiếu với ABFG như đề cập ở trên, kế hoạch phát hành của SHN còn bao gồm chào bán 70 triệu cp theo tỷ lệ 2:1 cho cổ đông hiện hữu dự kiến vào quý đầu tiên của năm 2016.

Ban đầu kế hoạch này có vẻ bất khả thi khi trên BCTC kiểm toán 2014, khoản lỗ lũy kế vẫn đang treo hơn 300 tỷ đồng, kế hoạch năm 2015 lãi ròng 70 tỷ đồng cũng không đủ để xóa lỗ lũy kế nhằm đáp ứng được quy định của Luật Chứng khoán về việc phát hành ra công chúng.

Bất ngờ, “phút chót” tại ĐHĐCĐ thường niên 2015 của SHN, HĐQT đệ trình sửa đổi kế hoạch kinh doanh 2015 với sự tăng mạnh kế hoạch lợi nhuận sau thuế lên 350 tỷ đồng xuất phát từ tư vấn của ông Vũ Văn Tiền, vừa đủ để xóa sạch mức lỗ lũy kế hiện đang treo trên BCTC.

Cơ sở lợi nhuận đột biến của SHN trong năm này chính là nhờ sự dốc sức hỗ trợ từ Geleximco. Geleximco đã chuẩn bị sẵn một số dự án để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của SHN.

Cũng nhờ vậy, phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu đã rộng cửa hơn nếu kế hoạch kinh doanh mới được hiện thực hóa.

Phương án sử dụng vốn của SHN cũng khá đặc biệt, chưa đến 100 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động, trong khi dành đến 600 tỷ đồng, tương đương hơn 85% tổng số tiền thu được từ đợt phát hành cho cổ đông hiệu hữu, dùng để đầu tư vào công ty con. Do phương án phát hành được thực hiện sau khi đã hoán đổi cổ phần với ABFG nên danh sách công ty con của SHN bên cạnh Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hàng hóa Việt Nam (SHN nắm 100% vốn) sẽ xuất hiện thêm cái tên mới là ABFG (SHN nắm 95% vốn).

Và như vậy, thương vụ đầu tư có phần khó hiểu của Geleximco, tưởng chừng nghiêng hẳn về phía SHN bản chất lại là nước cờ cao tay mang lại lợi ích lớn cho ABFG, và rộng hơn là nhóm cổ đông lớn của đại gia Vũ Văn Tiền – Geleximco.

Theo Vietstock

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến