Dòng sự kiện:
“Văn hóa xấu hổ'
21/05/2017 08:45:24
Biết xấu hổ là biểu hiện của tự trọng - một nhân cách con người cùng các thuộc tính, giá trị đạo lý và cách sống mà xã hội nào cũng cần.

Tuần qua, có những chuyện khó ngờ: Tìm mua đất ở quận 9, “cò” dẫn lên tận Trảng Bom, dân kiến nghị đê kè ở Kế Sách, Bộ trả lời cấp kinh phí ở Trần Đề. Hai câu chuyện có điểm chung ở chỗ sai lạc địa chỉ, “cò” thì cố tình lừa khách, Bộ thì tắc trách với đề nghị của dân, bị phát hiện đều đáng xấu hổ cả, vấn đề là người gây ra chuyện đó có tự thấy xấu hổ không.

Ảnh minh họa (nguồn: Dân trí).

Tương tự, ở Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp của Thủ tướng, bao nhiêu lời phàn nàn trút lên cách hành xử của những người trong bộ máy hành chính. Không biết họ có biết xấu hổ không khi tìm đủ mọi cách “hành” doanh nghiệp để “vét đầy túi tham”, ngoài chuyện đó ra chỉ biết “cạo giấy” và “bói chữ”.

Trước việc tăng thuế môi trường áp vào giá xăng gây lo ngại cho không ít người thì có phát ngôn chính thức cho rằng việc tăng thuế môi trường là đúng, bù đắp lại cho thuế khác giảm, giá xăng thì vẫn thế, quy nạp và nâng quan điểm “đóng thuế là trách nhiệm công dân”.

Nhiều người thấy xấu hổ thay cho ông về cái lập trường chỉ nghĩ đến việc tăng giá và đóng thuế mà không nghĩ đến đời sống của người dân, doanh nghiệp.

Đóng thuế thì dân vẫn âm thầm đóng mà chẳng hề nghĩ là trách nhiệm công dân đầy vinh dự, từ mua gói muối i-ốt được trợ giá đến cái xe máy, bất kỳ món hàng nào cũng có 10% thuế trong đó.

Cái lớn lao hơn, nếu xăng giảm giá, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho sản xuất, kinh doanh, lưu thông thì lại nộp thuế được nhiều hơn, thực hiện “trách nhiệm công dân” thuận lợi hơn.

Và, cơ bản nhất, cái mà mọi người muốn biết là các ông sử dụng cái thuế để bảo vệ môi trường đó ra sao thì không thấy đả động đến?

Trước khi hình thành được “văn hóa khinh bỉ” đối với tham nhũng thì cần đến một thứ văn hóa “phổ thông và đại chúng” hơn, đó là “văn hóa xấu hổ”.

Rất nhiều dẫn chứng từ cuộc sống cho thấy nhiều người không hề biết xấu hổ trong các trường hợp cố tình làm sai, hưởng lợi một cách trơ trẽn.

Bí thư Huyện ủy mà đi tranh đất với hàng xóm nghèo, còn mượn tay chính quyền để thu hồi sổ đỏ của người ta một cách vô căn cứ; phá rừng phòng hộ hoặc rừng tự nhiên mà coi như là làm đại sự vì “quốc kế, dân sinh” vậy; gây oan khuất cho người lương thiện, trù dập người tố cáo đúng, mua quan, bán chức,... một cách rất ngang nhiên và không hề tỏ ra biết hướng thiện, tìm mọi cách để bào chữa, bao biện cho việc làm đáng xấu hổ đó đã gây nên những hệ lụy rất xấu đến công bằng và ổn định xã hội.

Biết xấu hổ là biểu hiện của tự trọng - một nhân cách con người cùng các thuộc tính, giá trị đạo lý và cách sống mà xã hội nào cũng cần. Xây dựng một Chính phủ kiến tạo và liêm chính lại càng cần như một yếu tố văn hóa ứng xử cần thiết, bắt đầu từ những công chức trong bộ máy nhà nước.

Theo Pháp Luật Việt Nam

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến