Dòng sự kiện:
Văn phòng Chủ tịch nước công bố luật Báo chí 2016
30/04/2016 11:07:46
Luật Báo chí 2016 được Văn phòng Chủ tịch nước chính thức công bố sáng nay có nhiều điểm mới đáng chú ý.

Tin liên quan

Luật Báo chí 2016 là một trong các luật vừa được QH thông qua tại kỳ họp 11.

Tại buổi công bố luật sáng nay, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cho biết, luật có nhiều điểm mới đáng chú ý. Trong đó, quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm, cũng như quyền của họ từ chối cung cấp thông tin cho báo chí.

Để bảo vệ nguồn tin báo chí và quyền tác nghiệp của nhà báo, luật quy định giới hạn việc cơ quan báo chí, nhà báo chỉ phải tiết lộ người cung cấp thông tin khi có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND cấp tỉnh, cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Đáng chú ý, luật Báo chí cũng luật hoá những quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; quy định mở hơn luật hiện hành về hoạt động kinh doanh, dịch vụ của cơ quan báo chí.

Luật quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn các hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí, bổ sung các hành vi quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án, thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em, thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng...

Luật Báo chí cũng bổ sung quy định mới về cải chính, xin lỗi trên báo chí, đặc biệt là báo điện tử. Luật Báo chí 2016 cũng cởi mở hơn về điều kiện cấp thẻ nhà báo, thành lập văn phòng đại diện, hợp tác báo chí với nước ngoài...

Quy hoạch phải theo luật

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cũng cho biết mối quan hệ giữa luật Báo chí và Quy hoạch báo chí. Ông cho hay, QH thông qua luật Báo chí là thể hiện tinh thần tự do báo chí trong Hiến pháp, tạo hành lang pháp lý minh bạch rõ ràng để quản lý báo chí.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng. Ảnh: Chung Hoàng

"Luật chỉ nằm dưới Hiến pháp, trong khi Quy hoạch là công cụ quản lý của Chính phủ, thường được ban hành như một quyết định cá biệt của Chính phủ, là một văn bản hành chính, nên quy hoạch này phải tuân thủ luật", Thứ trưởng khẳng định.

Hiện cả nước hiện có trên 800 cơ quan báo chí in từ trung ương đến địa phương, nhiều cơ quan hoạt động không hiệu quả.

Từ thực tiễn đó, Bộ TT&TT đã nghiên cứu xây dựng quy hoạch để sắp xếp một cách tối ưu, để các cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ mục đích khi thành lập.

"Quy hoạch hiện đang trình để Chính phủ xem xét phê duyệt", ông Nguyễn Minh Hồng nói.

Chưa đáp ứng mong muốn của công luận

Liên quan thông tin xung quanh vấn đề cá chết hàng loạt dọc bờ biển Bắc Trung Bộ, báo chí đặt câu hỏi với Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng về tính chất.

"Với sự chờ đợi của công luận và báo chí, việc Thứ trưởng TN&MT Trần Tuấn Nhân chỉ ra đọc một văn bản soạn sẵn và không trả lời câu hỏi, có thể coi là một cuộc họp báo không, có đúng luật Báo chí không?".

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho biết: "Cuộc đó không hẳn là một cuộc họp báo, Bộ TN&MT không chuẩn bị một cách đầy đủ, thiếu phần trao đổi, hỏi đáp, chưa đáp ứng yêu cầu của họp báo, chưa kể là thông tin được cung cấp trong thông cáo báo chí chưa đáp ứng được mong muốn của công luận".

Cũng liên quan đến vấn đề cá chết hàng loạt, báo chí đặt câu hỏi với luật Tiếp cận thông tin: "Người dân, báo chí có thể tiếp cận những thông tin liên quan đến xả thải của Formosa không?"

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết luật Tiếp cận thông tin đến năm 2018 mới có hiệu lực. Khi đó, các cơ quan nhà nước phải cập nhật thông tin và cung cấp theo yêu cầu của công dân theo đúng quy định.

Theo Vietnamnet

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến