Dòng sự kiện:
Văn phòng Chủ tịch nước đề nghị TP Hà Nội báo cáo vụ cắt khóa, giữ người
10/08/2019 09:57:59
Văn phòng Chủ tịch nước vừa có văn bản gửi Chủ tịch UBND TP.Hà Nội chuyển đơn của bà Trần Kim Phương phản ánh việc Công an quận Bắc Từ Liêm thực hiện các hành vi trái pháp luật, tự ý phá khóa, bắt giữ người.
Theo đó, Văn phòng Chủ tịch nước nhận được đơn đề ngày 04/8/2019 của bà Trần Kim Phương – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục TDS Việt Nam (trú tại 287 Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội). Nội dung đơn, bà Trần Kim Phương phản ánh việc Công an quận Bắc Từ Liêm (TP.Hà Nội) đã thực hiện các hành vi trái pháp luật, trấn áp, tự ý phá khóa, bắt giữ người, gây thiệt hại về danh dự, tài sản của công dân và đề nghị xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật những tổ chức, cá nhân vi phạm.
Công văn cũng nêu rõ: “Sau khi xem xét, Văn phòng Chủ tịch nước chuyển đơn đến Chủ tịch UBND TP.Hà Nội để chỉ đạo xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật, trả lời đương sự và thông báo cho Văn phòng Chủ tịch nước kết quả giải quyết”.
Dù chỉ đứng quay phim, chụp ảnh nhưng một cổ đông của TDS vẫn bị Công an còng tay và áp tải lên xe. Một hình ảnh phản cảm của lực lượng chức năng tại cuộc "giải cứu" với nhiều "điểm mờ" chưa được làm rõ
 
Trước đó, trong đơn gửi các cơ quan báo chí, bà Trần Kim Phương – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục TDS cho hay, sự việc Công an quận Bắc Từ Liêm cắt khóa, bắt giữ người có nhiều điểm khuất tất. Theo bà Phương, việc cán bộ công an mặc đồng phục và thường phục có mặt ở đó chặn đường, tổ chức cắt khóa cổng và bắt giữ người được giải thích là do lực lượng 113 nhận được cuộc gọi để giải cứu người bên trong nhưng trên thực tế không có ai bị giữ trong tòa nhà.
Bà Phương viện dẫn, ngày 29/07/2019 – với tư cách chủ sở hữu và sử dụng lô đất TH1 nơi xảy ra sự việc, bà đã gửi công văn số 94-CV-TDS đến Công an quận Bắc Từ Liêm, Công an phường Cổ Nhuế 1, ban lãnh đạo trường Pascal về việc tới ngày này vẫn còn một số nhân viên Pascal ngủ đêm tại ô đất TH1, yêu cầu họ phải di dời.
Bà cho hay: “Trên thực tế, lô đất TH1 luôn có 02 cổng khác có bảo vệ mở cửa. Đây cũng là cổng các đồng chí công an sử dụng để đi vào lô đất. Hà cớ gì việc “giải thoát” lại không thực hiện qua cổng đang được mở, mà phải sử dụng rất nhiều người phá cổng mà chúng tôi đã có công văn thông báo thi công phòng cháy chữa cháy”.

Liên quan đến sự việc trên, trong thông báo gửi đến các cơ quan báo chí, Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết, căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định tạm giữ đối với Đỗ Văn Hà và Nguyễn Thị Hồng để điều tra về hành vi “Chống người thi hành công vụ”. Theo công an quận Bắc Từ Liêm, nguyên nhân ban đầu của vụ việc là do tranh chấp giữa các cổ đông của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục TDS Việt Nam, đơn vị chủ đầu tư lô đất TH1.
Giải thích về việc phá khóa cổng, đại diện Công an quận này cho rằng do nhận được điện thoại phản ánh có việc giam giữ người qua đường dây nóng 113 nên khi tới nơi đã cho phá khóa cổng trường. Giải thích thêm về việc "giải cứu" người, đại diện Công an quận Bắc Từ Liêm thông tin thêm... đang làm rõ có hay không việc bắt giữ người?
"Lúc xuống hiện trường các đối tượng trên đã có hành vi chống người thi hành công vụ nên công an tạm giữ để điều tra", đại diện CAQ Bắc Từ Liêm cho hay.
Trong một diễn biến liên quan, Luật sư Phạm Thanh Bình và Luật sư Đỗ Đức Biên thuộc Công ty Luật Bảo Ngọc – người bào chữa cho ông Đỗ Văn Hà và Nguyễn Thị Hồng (nhân viên Công ty TDS) đã có đơn kiến nghị gửi Trưởng Công an quận và Viện trưởng VKSND quận Bắc Từ Liêm đề nghị hủy bỏ biện pháp ngăn chặn với ông Hà và bà Hồng.
Hai Luật sư cũng điểm lại diễn biến sự việc khi khoảng 30 người mặc dân sự và trang phục công an cùng hơn 10 xe ô tô đến cơ sở TH1 để “giải cứu khẩn cấp người bị giữ tại cơ sở TH1” do có 1 cuộc gọi đến tổng đài 113, sau đó phong tỏa khu vực, trèo qua bờ rào, khống chế người của Công ty TDS đang làm việc tại khu vực tòa nhà, còng tay, bắt giữ 4 người về tạm giữ tại Công an quận Bắc Từ Liêm vì bị coi là đã có hành vi “chống người thi hành công vụ”. Tuy nhiên, theo 2 Luật sư, không có ai bị giam giữ ở TH1 nên việc “giải cứu người bị giữ tại cơ sở TH1” là không có căn cứ.
Theo các Luật sư, hành vi của ông Hà, bà Hồng nhằm ngăn cản những người xâm nhập vào cơ sở TH1 mà họ có trách nhiệm bảo vệ là rất hạn chế và không đáng kể. Họ không thể ngăn cản và chống lại lực lượng hàng chục người tràn vào như vậy. Thực tế hành vi của họ cũng chỉ để thực hiện nhiệm vụ được giao là bảo vệ cơ sở TH1. Trong khi đó, ông Hà và bà Hồng là những người cao tuổi, sức khỏe yếu, họ đều có nhân thất tốt, nơi cư trú rõ ràng, khai báo thành khẩn, không trốn tránh trách nhiệm.
“Căn cứ theo quy định của pháp luật thì trường hợp của ông Đỗ Văn Hà và bà Nguyễn Thị Hồng không thuộc những trường hợp phải áp dụng biện pháp ngăn chặn theo quy định tại Điều 109, 110, 111 và 117 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015”, Luật sư nêu quan điểm.
Từ lập luận trên, căn cứ quy định tại Điểm e khoản 1 điều 73, khoản 2 điều 125 Bộ luật TTHS, 2 Luật sư đề nghị ông Trưởng Công an quận, Viện trưởng Viện KSND quận Bắc Từ Liêm ra quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn tạm giữ đối với ông Hà và bà Hồng.
 
Đan Lê
 
 
         
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến