Dòng sự kiện:
Việc chuyển các bệnh viện của Bộ Y tế về Hà Nội quản lý: Khó khả thi
05/08/2023 05:48:38
PGS.TS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương trao đổi với phóng viên báo Tin tức về nội dung chuyển các bệnh viện Trung ương về Hà Nội quản lý trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được lấy ý kiến.


PGS.TS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương. 

Với vai trò lãnh đạo một Bệnh viện chuyên ngành tuyến cuối, ông có nhận định như thế nào về nội dung chuyển các bệnh viện Trung ương về Hà Nội quản lý đang được đưa ra trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)?

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có đề cập đến việc "di dời" các bệnh viện tuyến Trung ương do Bộ Y tế quản lý về Hà Nội; có thể hiểu “nôm na” là bệnh viện Trung ương nào nằm trên địa bàn Hà Nội thì phải do ngành y tế Hà Nội quản lý. Điều này mới chỉ đơn thuần tính đến vị trí địa lý, tiếp cận dịch vụ chứ chưa tính đến các khía cạnh khác.

Hiện số lượng các bệnh viện Trung ương đang phân bổ, nằm trên địa bàn các tỉnh, thành phố; nhiều nhất vẫn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... Tuy nhiên, dù bệnh viện tuyến Trung ương có nằm ở tỉnh nào thì vẫn tiếp đón bệnh nhân ở cả 64 tỉnh thành đến khám chữa bệnh.

Việc chuyển các bệnh viện tuyến Trung ương trên địa bàn Hà Nội về để Hà Nội quản lý cần phải tham khảo Luật Khám, chữa bệnh, vì quy chế tổ chức hoạt động đã quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của bệnh viện tuyến Trung ương. Nếu đưa bệnh viện Trung ương về để Hà Nội quản lý còn mâu thuẫn với Luật Khám chữa bệnh về phân tuyến, phân hạng bệnh viện.

Về tổ chức mạng lưới, đa phần các chuyên khoa đều có bệnh viện Trung ương và tuyến tỉnh, hầu hết các tỉnh cũng đều có các bệnh viện chuyên khoa. Đơn cử như Hà Nội cũng có các bệnh viện chuyên khoa như: Bệnh viện Phổi Hà Nội, Bệnh viện Da liễu Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội… như tuyến Trung ương. Tuy nhiên, các bệnh viện tuyến Trung ương có các chuyên khoa mũi nhọn, đẳng cấp vượt bậc của tuyến Trung ương.

Ông nhận định như thế nào về tính khả thi của nội dung trên? Liệu Hà Nội có kham nổi các bệnh viện tuyến Trung ương với khối lượng nhiệm vụ rất lớn?

Nếu chuyển các bệnh viện thuộc Bộ Y tế về để Hà Nội quản lý, thì Sở Y tế Hà Nội với quy mô tổ chức, biên chế như hiện nay khó có thể quản lý được số lượng và quy mô các bệnh viện lớn. Trong khi đó, Sở Y tế Hà Nội còn có nhiều nhiệm vụ quản lý nhà nước khác với y tế công và y tế tư nhân trên địa bàn.

Hiện Sở Y tế Hà Nội đang quản lý hệ thống các cơ sở y tế tuyến huyện, quận, khoảng 42 bệnh viện công, hàng vài chục bệnh viện tư, hàng ngàn phòng khám, nhà thuốc tư nhân vốn đã quá tải; nếu thêm nhiệm vụ quản lý gần 40 bệnh viện tuyến Trung ương trên địa bàn nữa thì sẽ không “kham” nổi.

Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội cũng khó có thể lo được việc mua sắm đấu thầu tập trung cho các bệnh viện tuyến Trung ương. Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng không thể phê duyệt được hết các đề tài, chương trình của các bệnh viện tuyến Trung ương mà lãnh đạo các bệnh viện này hầu hết là các chuyên gia đầu ngành, có uy tín không chỉ trong nước mà còn cả quốc tế.

Trong quy chế tổ chức và điều hành bệnh viện, các bệnh viện Trung ương do Bộ Y tế phê duyệt, các bệnh viện tuyến tỉnh do UBND tỉnh phê duyệt. Nếu các bệnh viện Trung ương do Hà Nội quản lý thì ngân sách hoạt động sẽ lấy từ ngân sách Trung ương hay Hà Nội cũng là vấn đề cần xem lại.

Các bệnh viện Trung ương chuyển giao các kỹ thuật cao cho tuyến dưới. Ảnh: TTXVN

Nếu có sự “di dời” như trên, công tác đảm bảo chuyên môn, thực hiện các nhiệm vụ của các bệnh viện tuyến trung ương có thể gặp những vướng mắc gì, thưa ông?

Với các bệnh viện tuyến Trung ương, ngoài công tác khám, chữa bệnh, chuyên khoa còn chức năng tham mưu cho Bộ Y tế về xây dựng danh mục kỹ thuật theo chuyên khoa để áp dụng cho cả hệ thống; tham mưu, xây dựng cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế; nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học - công nghệ; chỉ đạo tuyến; đào tạo và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, triển khai các kỹ thuật mới xuống đến bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố…

Các bệnh viện tuyến Trung ương còn có nhiệm vụ hợp tác quốc tế, đây là nhiệm vụ chỉ các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành mới đủ vai trò, vị thế và thẩm quyền để kêu gọi nguồn lực, hợp tác quốc tế, trao đổi và tiếp nhận những thành tựu khoa học, nguồn lực cho chuyên khoa, các Chương trình mục tiêu quốc gia. Chỉ các bệnh viện Trung ương mới đủ thẩm quyền, khả năng chuyên sâu để rà soát, tham mưu, trình hoặc phê duyệt các đề tài hợp tác theo chuyên ngành.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế, các bệnh viện Trung ương còn có nhiệm vụ, khả năng huy động và hỗ trợ các bệnh viện, bệnh viện tuyến dưới trong toàn quốc phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm nhóm A, như giai đoạn dịch COVID-19 vừa qua đã thể hiện rất rõ vai trò này.

Nếu các bệnh viện Trung ương thuộc Hà Nội, sẽ khó có thể điều hành và huy động tổng lực để phòng, chống các dịch bệnh khẩn cấp, trên phạm vi rộng như khi đại dịch COVID-19 xảy ra.

Chưa kể, nhiều bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối còn nhiệm vụ điều hành các Chương trình quốc gia. Đơn cử như Bệnh viện Phổi Trung ương phụ trách Chương trình Quốc gia phòng chống Lao; bệnh viện phải đủ vị thế, vai trò mới có thể điều hành kêu gọi và thực hiện các Chương trình này.

Trong tình hình như hiện nay, theo ông, giải pháp quản lý các bệnh viện tuyến Trung ương như thế nào là hợp lý?

Mô hình tổ chức của các bệnh viện tuyến Trung ương như hiện nay đang hoàn toàn phù hợp với các điều kiện. Nên chăng chúng ta có thể điều chỉnh về y tế chuyên sâu, y tế khu vực để cho những người dân ở những vùng xa, vùng khó có thể tiếp cận dịch vụ kỹ thuật cao có thể tiếp cận dễ dàng hơn. Với hệ thống địa lý, quy mô dân số của Việt Nam, chúng ta nên nghiên cứu thành lập các trung tâm y tế chuyên sâu, khu vực… để người dân có thể dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế một cách tốt nhất.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tác giả: Tạ Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến