Dòng sự kiện:
Vốn tín dụng chịu áp lực rủi ro từ thiên tai
16/08/2018 19:01:16
Mỗi địa phương cần áp dụng giải pháp tín dụng trong kế hoạch phòng ngừa rủi ro thiên tai bằng cách tạo dựng nguồn tín dụng dự phòng từ tổ chức cho vay thương mại hoặc thông qua các ngân hàng phát triển đa phương.

Liên tục phải khoanh, giãn nợ

Cuối tháng 6/2018, sau diễn biến mưa lũ gây thiệt hại nghiêm trọng tại các tỉnh trung du – miền núi phía Bắc, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã có văn bản yêu cầu hệ thống TCTD tại 7 tỉnh khu vực này thực hiện rà soát số dư nợ bị ảnh hưởng từ thiên tai để cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay và tiếp tục cho vay mới đối với DN và người dân.

Ngân hàng khoanh, giãn nợ để chia sẻ khó khăn với khách hàng

Thực tế, việc chỉ đạo hệ thống TCTD thực hiện khoanh nợ, giãn nợ và miễn giảm lãi vay nhằm hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai không phải là việc hiếm gặp đối với ngành Ngân hàng. Suốt từ năm 2012 đến nay hầu như năm nào NHNN cũng phải có văn bản yêu cầu các TCTD thực hiện việc này để chia sẻ thiệt hại với DN và người dân tại các địa phương.

Theo đó, giai đoạn 2013 – 2015, theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN lần lượt đã ban hành những văn bản (210/NHNN-TD, 5294/NHNN-TD và 3623/NHNN-TD) yêu cầu hệ thống TCTD hỗ trợ miễn giảm lãi suất, khoanh giãn nợ đối với người chăn nuôi lợn, nuôi - chế biến cá tra và sản xuất nông nghiệp. Thống kê sơ bộ của ngành Ngân hàng đến giữa năm 2014 chỉ tính riêng việc hỗ trợ giảm lãi suất theo Văn bản 1149/2013 của Thủ tướng Chính phủ, các NHTM lớn đã điều chỉnh giảm lãi suất, giãn nợ tối đa 24 tháng đối với gần 63.200 tỷ đồng dư nợ từ các trang trại, DN và người chăn nuôi.

Đến giữa năm 2017, khi con số nợ xấu trong ngành chăn nuôi lợn có xu hướng tăng cao, NHNN một lần nữa có văn bản số 3091/NHNN-TD hỗ trợ khoanh, giãn nợ hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí các NHTM còn được phép cơ cấu lại thời hạn nợ đối với những khách hàng đã được hỗ trợ một lần để khoản nợ không bị chuyển sang các nhóm nợ quá hạn.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trong năm 2017, thiệt hại do thiên tai trên cả nước ước khoảng 60.000 tỷ đồng, cao gấp 2-3 lần so với các năm trước. Các đợt bão, lũ trong năm 2017 đã khiến trên 8.000 căn nhà bị cuốn trôi, gần 400.000 ha lúa, hoa màu, trên 60.400 ha nuôi thủy sản bị thiệt hại. Chỉ tính riêng thiệt hại do cơn bão số 12 (cuối năm 2017) ở địa bàn tỉnh Khánh Hòa con số thiệt hại đã lên tới trên 7.000 tỷ đồng, trong đó có gần 1.200 tỷ đồng là vốn vay từ các NHTM đã được các TCTD thực hiện giãn nợ và giảm lãi suất vay.

Từ đầu năm 2018 đến nay, do ảnh hưởng của bão, lũ, hạn hán và biến đổi khí hậu cả nước đã có gần 500 căn nhà bị cuốn trôi, trên 90.800 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại. Theo Bộ NN&PTNT con số thiệt hại do thiên tai trong 7 tháng đầu năm đã lên tới 2.500 tỷ đồng. Trong đó chỉ tính riêng ở địa bàn Tây Nguyên, các đợt nắng nóng và mưa lũ đột ngột đã khiến gần 500 ha hồ tiêu tại tỉnh Gia Lai bị “xóa sổ”. Các TCTD trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã phải hỗ trợ khoanh, giãn nợ cho hàng chục ngàn hộ dân với số nợ lên tới 1.500 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia kinh tế, thiên tai không những gây thiệt hại tài sản của người dân, trong đó có nhiều tài sản được hình thành từ đồng vốn ngân hàng; mà còn làm cho giá cả nhiều mặt hàng trong sản xuất kinh doanh tăng cao ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng. Từ đó, tác động tiêu cực lên chính sách điều hành lãi suất của NHNN.

Cấp thiết đẩy mạnh bảo hiểm

Theo đại diện Agribank chi nhánh Đồng Nai, việc khoanh nợ, giãn nợ đối với khách hàng vay vốn trong các trường hợp gặp dịch bệnh, thiên tai thực ra chỉ là giải pháp cực chẳng đã khi không còn cách nào khác để thu hồi vốn đúng hạn. Bởi trong các năm 2014-2015, việc gia hạn nợ hàng nghìn tỷ đồng cho khách hàng chăn nuôi thực tế đã khiến nợ xấu tại một số chi nhánh Agribank khu vực Đồng Nai tăng lên đáng kể, có thời điểm đã lên tới hàng trăm tỷ đồng. Nếu việc này lặp đi lặp lại sẽ khiến các ngân hàng gặp rủi ro.

Theo phân tích của các NHTM, để hạn chế phần nào ảnh hưởng từ thiên tai, dịch bệnh đến những khoản tín dụng, thì chương trình bảo hiểm trong sản xuất nông nghiệp cần thiết phải được tiếp tục thực hiện trên phạm vi cả nước. Bởi việc duy trì chính sách hỗ trợ bảo hiểm sẽ khiến cho các NHTM mạnh dạn cho vay vốn vào lĩnh vực nông nghiệp - vốn là 1 trong 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên, các ngân hàng cho vay lãi suất thấp và không có nhiều lợi nhuận.

Thực tế trong suốt giai đoạn thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (2012-2014) việc các DN bảo hiểm chỉ thu về gần 400 tỷ đồng từ doanh thu bảo hiểm, trong khi đó phải chi ra trên 700 tỷ đồng để bồi thường thiệt hại cho thấy rủi ro thiên tai, dịch bệnh là rất lớn. Nếu các DN bảo hiểm không được hỗ trợ tài chính từ ngân sách thì sẽ e ngại, không tham gia bảo hiểm nông nghiệp. Khi đó các NHTM tài trợ vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp sẽ chịu rủi ro gấp bội trong việc thu hồi nợ.

Ở phạm vi rộng hơn, trong bối cảnh diễn biến thiên tai ngày càng có chiều hướng khốc liệt và gây thiệt hại lớn đến nền kinh tế như hiện nay các chuyên gia tại ADB cho rằng các địa phương cần xây dựng chính sách tài chính ứng phó thiên tai quy mô cấp tỉnh và thành phố.

Theo đó, mỗi địa phương cần áp dụng giải pháp tín dụng trong kế hoạch phòng ngừa rủi ro thiên tai bằng cách tạo dựng nguồn tín dụng dự phòng từ tổ chức cho vay thương mại hoặc thông qua các ngân hàng phát triển đa phương.

Theo ADB, tại Việt Nam, hiện tại những hạn chế về khả năng vay nợ của chính quyền cấp địa phương đang là điểm khó khăn cho giải pháp tín dụng. Tuy nhiên, những lợi thế của giải pháp này là chi phí duy trì dòng tín dụng trong thời gian không hoạt động thấp (thường từ 0,25% đến 0,75%/năm trên tổng số tiền thỏa thuận vay) và lãi suất thường thấp hơn so với các dòng tín dụng khác.

Vì vậy nếu các địa phương thực hiện thì sẽ rất hiệu quả. Khi đó những rủi ro thiệt hại từ thiên tai sẽ được ngân sách chia sẻ xử lý, giảm áp lực cho các TCTD và các DN kinh doanh lĩnh vực bảo hiểm.

Các đợt thiên tai từ đầu năm đến nay gây thiệt hại ước tính trên 2.500 tỷ đồng cho nền kinh tế, trong đó có một tỷ lệ lớn tài sản hình thành từ vốn vay ngân hàng.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến