Dòng sự kiện:
Vụ đường phố hư hại nghiêm trọng ở Đà Nẵng: Cần khắc phục triệt để
12/12/2018 21:41:58
Tổng Công ty Xây dựng số 1 CTCP cần khắc phục triệt để, tận gốc những hư hại các tuyến đường do mình gây ra.

Như đã phản ánh, các hộ dân sinh sống dọc theo các tuyến đường Nguyễn Đình Tựu, Hồ Tương... (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) vô cùng bức xúc trước vì các tuyến đường này hiện đều hư hỏng nghiêm trọng. Sự việc không chỉ ảnh hưởng lớn mỹ quan đô thị và đặc biệt là tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Nguyên nhân của hư hỏng này là do việc thi công hệ thống thu gom nước thải bao quanh hồ Phần Lăng gây ra. Đây là dự án do Ban Quản lý các dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng điều hành và tổng Công ty Xây dựng số 1 CTCP (số 111A Pasteur, phường Bến Nghé, Quận 1, TP HCM) thi công.

Đường Hồ Tương nứt toác, hư hỏng nặng nề

Theo vị Kỹ thuật trưởng tổng Công ty Xây dựng số 1 – CTCP thì, hệ thống đường ống thu gom nước thải được thiết kế chạy âm dưới đất rất sâu so với cos vỉa hè lề đường. Để đào móng thi công đường ống, nhà thầu phải sử dụng cừ larsen dài 9m để ép cừ giữ thành vách của móng ổn định.

"Do địa chất bên dưới là bùn, nên khi rút cừ lá sen lên, có một lượng bùn lớn bám theo ở bụng cừ, làm cho bên dưới bị rỗng, khiến đất phía nền đường bị trụt ra, gây lún, nứt mặt đường nghiêm trọng”, vị kỹ thuật này nói.

Cũng theo vị này, khi thi công được một đoạn thì đã phát hiện sự cố trên, đơn vị thi công có báo lên tư vấn giám sát, cũng như ban quản lý dự án nhưng thấy không nói gì nên đơn vị này tiếp tục thi công, kết quả là một nữa mặt đường của các tuyến lân cận bị trụt đất bên dưới, gây lún, nứt hư hỏng nặng như đã nói ở trên.

Cát đá đổ đống nham nhở, nhếch nhác cả tuyến phố

Nói về việc khắc phục hư hỏng các tuyến đường, vị kỹ thuật trưởng cho chiết, sẽ cho bóc một lớp nhựa bên trên (lớp bê tông nhựa mặt đường), sau đó thảm lại một lớp bê tông nhựa bù vào.

Trong khi đó, ông Lương Thạch Vỹ, Giám đốc ban Quản lý các dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng cho biết, nguyên tắc làm hư hỏng các công trình lân cận thì phải khắc phục lại nguyên trạng.

Trao đổi với chúng tôi, một  chuyên gia trong Hội khoa học kỹ thuật cầu đường TP Đà Nẵng cho rằng, phải tiến hành khắc phục sửa chữa lại nguyên trạng đối với các đoạn đường bị ảnh hưởng, hư hỏng trên. Về nguyên tắc có tốn kém bao nhiêu thì cũng phải làm và càng thể làm qua loa kiểu bóc và thảm bù một lớp bê tông nhựa mặt đường như đơn vị thi công nói ở trên là xong.

Tổng Công ty Xây dựng số 1 – CTCP phải khắc phục tận gốc hư hỏng này

“Phải khắc phục tận gốc, trả lại nguyên trạng như ban đầu cho tuyến đường. Đối với các đoạn tuyến bị hư hỏng trên. Trước tiên cần phải cho khảo sát kiểm tra, thiết kế lại trên cơ sở hồ sơ thiết kế trước đó. Cụ thể: Cần cho khảo sát địa hình hiện trạng, khoanh vùng những vị trí bị ảnh hưởng. Tiến hành khoan khảo sát địa chất để kiểm tra, đánh giá mức độ ảnh hưởng các lớp nền đường bên dưới. Có được kết quả địa chất, địa hình thì cho tính toán thiết kế lại dựa trên hồ sơ thiết kế cũ trước kia của các tuyến đường này. Sau khi hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công sửa chữa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì nhà thầu thi công mới có cơ sở sửa chữa khắc phục”, vị chuyên gia nói.

Thiết nghĩ ban Quản lý các dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng, sở Xây dựng TP Đà Nẵng cùng các ban ngành chức năng khác cần xem xét, giám sát chặt vấn đề này, tránh tình trạng xử lý, sửa chữa qua loa những hư hỏng tuyến đường.

  Nhâm Thân
 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến