Dòng sự kiện:
Vụ không đủ năng lực vẫn trúng thầu ở Huế: Có dấu hiệu gian lận?
03/10/2018 17:30:10
Cơ quan có thẩm quyền cũng có thể 'hủy thầu' nếu xác định 'có bằng chứng về việc đưa, nhận, môi giới hối lộ, thông thầu, gian lận, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật…'.

Kiên cố hóa trường mầm non, tiểu học ở huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) là một dự án xây dựng những ngôi trường mới, khang trang ở vùng sâu, vùng xa nhằm góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục huyện nhà.

Dự án thành công sẽ không chỉ tạo nên những ngôi trường mới cho trẻ em vùng núi đẹp về hình thức mà còn bền vững, an toàn về mặt chất lượng. Tuy nhiên, những gì diễn ra trong quá trình lựa chọn nhà thầu ở dự án này đang khiến dư luận hoài nghi về sự minh bạch trong công tác chấm thầu và sự lo lắng về mặt chất lượng của các công trình.

Bởi, dù không đủ năng lực, đặc biệt là thiếu chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng nhưng những đơn vị thi công các gói thầu của dự án này vẫn ngang nhiên trúng thầu, bất chấp các quy định rõ ràng của nhà nước.

Trường Tiểu học Hồng Trung - một trong các công trình của dự án.

Dự án do Ban QLDAXD khu vực huyện A Lưới làm chủ đầu tư với  tổng vốn là 25.489.000.000 đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 23.400.000.000 đồng.

Dự án được công khai mời thầu vào tháng 4/2018 và tiến hành công bố 9 đơn vị thi công trúng thầu sau đó. Điều lạ là, thời điểm nộp hồ sơ dự thầu, các đơn vị thi công này chưa có công ty nào có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng gồm: Công ty TNHH Hoàng Sơn, Công ty TNHH Nam Thúy, Công ty TNHH Phồn Vinh, Liên danh Doanh nghiệp tư nhân Thành Thảo và Công ty TNHH tư vấn và xây dựng Trần Hoàng, Công ty TNHH Xuân Thành, Công ty TNHH MTV cơ khí - xây dựng Tân Bửu, Công ty TNHH MTV Hồng Sơn và Công ty xây dựng Phúc Hà.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Trần Nhật Nam, Công ty luật TNHH MTV Nhật Nam và cộng sự, địa chỉ tại số 52, đường Hoàng Văn Thụ, TP Huế cho biết, việc không có "chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng" nhưng vẫn được xét duyệt trúng thầu thi công công trình dự án kiên cố hóa trường mầm non, tiểu học tại huyện A Lưới đã vi phạm Điều 157 Luật Xây dựng năm 2014; Điều 58, Điều 65 Nghị định số: 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 42/2017/NĐ-CP.

Luật sư Trần Nhật Nam tại Hội nghị Chính phủ với Doanh nghiệp.

Luật sư Nam phân tích, thứ nhất, dự án kiên cố hóa trường mầm non, tiểu học tại huyện A Lưới thuộc dự án Nhóm C (dưới 45 tỷ đồng) và phải đấu thầu rộng rãi theo Điều 20 Luật Đấu thầu năm 2013.

Tuy nhiên, khi xét hồ sơ dự thầu, chủ đầu tư và nhóm tư vấn đã không làm tròn trách nhiệm trong việc đánh giá năng lực nhà thầu, trong đó cần xác định "tư cách hợp lệ của nhà thầu" theo Khoản 1 Điều 5 Luật Đấu thầu năm 2013, cụ thể: “a) Có đăng ký thành lập, hoạt động do cơ quan có thẩm quyền của nước mà nhà thầu, nhà đầu tư đang hoạt động cấp;”.

Theo quy định viện dẫn này cần phải hiểu có 2 điều kiện để nhà thầu lập hồ sơ dự thầu gồm: Có đăng ký kinh doanh nhóm ngành “Kinh doanh dịch vụ thi công xây dựng công trình” và phải có chứng chỉ năng lực của tổ chức thi công xây dựng công trình phù hợp với loại, hạng công trình theo Điều 65 Nghị định số: 59/2015/NĐ-CP.

Như vậy, trong việc đánh giá hồ sơ dự thầu, chủ đầu tư và tổ tư vấn không tuân thủ đúng quy định về đánh giá hồ sơ dự thầu theo Điều 39: Luật Đấu thầu năm 2013, cụ thể, chủ đầu tư và tổ tư vấn có thiếu sót trong việc đánh giá "Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu bao gồm: tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm và các tiêu chí của gói thầu".

Do vậy, cần xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư và tổ tư vấn khi thẩm định, đánh giá hồ sơ dự thầu đối với các hồ sơ dự thầu dự án chưa hội đủ điều kiện tổ chức thi công công trình theo Điều 157: Luật Xây dựng năm 2014.

Thứ hai, trong vụ việc này, cần xem xét trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trực tiếp đánh giá hồ sơ dự thầu và nhà thầu, bởi lẽ, có dấu hiệu trong việc "gian lận", "báo cáo sai lệch" nặng lực hồ sơ dự thầu để xét duyệt nhà thầu theo Điều 89: Luật đấu thầu năm 2013. Cũng vậy, khi có đầy đủ cơ sở thì cơ quan có thẩm quyền cần xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức có những vi phạm nghiêm trọng theo quy định tại Điều 90: Luật Đấu thầu.

"Cơ quan có thẩm quyền cũng có thể "hủy thầu" nếu xác định "Có bằng chứng về việc đưa, nhận, môi giới hối lộ, thông thầu, gian lận, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư", theo Điều 17: Luật Đấu thầu năm 2013", Luật sư Nam nói.

Lê Kông

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến