Vụ URC bồi thường: Cần xác định lại căn cứ pháp lý!
24/09/2016 18:22:40
ANTT.VN - Trong mấy ngày qua, vụ URC bồi thường vì 2 lô C2, Rồng đỏ nhiễm chì lại nóng trở lại bởi “rò rỉ” con số bồi thường theo dư luận ước tính là 3,9 tỉ đồng. Số tiền này là nhiều hay ít và dựa trên căn cứ nào?ANTT.VN xin giới thiệu bài viết của luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc Cty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), một trong những luật sư có nhiều ý kiến trả lời phỏng vấn báo chí nhất liên quan đến vụ việc này.

Tin liên quan

Sản phẩm trà xanh hương chanh C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ của Cty TNHH URC Việt Nam

Theo thông tin báo chí nêu, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) trong buổi làm việc gần nhất với Cty TNHH URC Việt Nam (gọi tắt là URC) đã yêu cầu Công ty này bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng vì đã sản xuất và cho lưu hành 2 lô C2 và Rồng Đỏ có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép (Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ y tế).

Mức tiền mà Hội này đưa ra để yêu cầu URC bồi thường được tính trên cơ sở: đơn giá bán ra của sản phẩm nhân với số lượng các sản phẩm khuyết tật này mà URC đã bán ra và không thể thu hồi (được hiểu là số chai C2, Rồng Đỏ đã đi vào cơ thể người tiêu dùng). Giá trị số hàng hóa này ước tính khoảng 3,9 tỷ đồng Việt Nam.

Số tiền trên, thoạt nhìn thì có vẻ khá lớn và phần nào khỏa lấp được trách nhiệm của URC với cộng đồng, đặc biệt là trong thời điểm nhạy cảm này. Song, về góc độ pháp lý, cần phải xem lại đây thực chất là tiền gì? Tiền bồi thường thiệt hại hay chỉ là chi phí “hỗ trợ” người tiêu dùng để xoa dịu những tổn thất sức khỏe và tinh thần của họ sau khi đã lỡ sử dụng sản phẩm độc hại của URC?

Luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Cty Luật Minh Bạch

Tại sao tôi lại nói như vậy? Bởi nếu đã gọi là bồi thường thiệt hại thì phải tuân theo nguyên tắc của Bộ luật Dân sự, mà cụ thể trong trường hợp này thì các quy định về "bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" sẽ được áp dụng để giải quyết.

Tại Điều 630 Bộ luật Dân sự cũng như nội dung Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đều thống nhất quy định khi: “Cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác sản xuất, kinh doanh không bảo đảm chất lượng hàng hoá mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường”.

Tuy nhiên, để xác định được chính xác mức thiệt hại xảy ra trên thực tế đối với tính mạng, sức khỏe và tài sản của người tiêu dùng do những sản phẩm khuyết tật của URC gây ra để đưa ra một mức (số tiền) bồi thường cụ thể lại không hề đơn giản.

Bởi căn cứ quan trọng nhất để yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chính là "thiệt hại xảy ra trên thực tế". Thiệt hại đó có thể bao gồm: Thiệt hại về vật chất (tính mạng, sức khỏe, tài sản...); Thiệt hại về tinh thần và toàn bộ chi phí hợp lý để khắc phục, giảm thiểu thiệt hại đó (được quy định cụ thể tại Điều 604 đến 612 Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005).

Như vậy, việc chỉ căn cứ vào giá bán ra của sản phẩm C2, Rồng đỏ để làm căn cứ đưa ra mức bồi thường là không chính xác, chưa toàn diện và không đúng quy định về bồi thường thiệt hại. Hay nói cách khác, trong trường hợp này, chưa một ai xác định được chính xác mức thiệt hại trên thực tế để làm căn cứ bồi thường, cũng như chưa tính toán được toàn bộ chi phí mà các cơ quan, đơn vị, tổ chức và trực tiếp là người tiêu dùng đã phải chi trả để “hạn chế, khắc phục” được thiệt hại do hành vi vi phạm của URC gây ra đối với người tiêu dùng.

Trên thực tế, cũng chưa ai chứng minh được thiệt hại từ hành vi của URC gây ra cho người tiêu dùng, mà đây là yếu tố quan trọng nhất, bắt buộc phải chứng minh trong các vụ việc liên quan đến yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Cho đến giờ, không ai hay cơ quan nhà nước có thẩm quyền nào có văn bản chính thức kết luận về việc người tiêu dùng chỉ bị thiệt hại tối đa là 3,9 tỷ đồng do các sản phẩm C2, Rồng đỏ của URC gây ra và mức bồi thường này là tương xứng với thiệt hại thực tế mà URC đã gây ra do xâm phạm sức khỏe, tính mạng và tài sản của người tiêu dùng.

Mặt khác, xét dưới góc độ pháp lý, trong trường hợp này cũng rất khó xác định ai là chủ thể trực tiếp nhận bồi thường bởi người tiêu dùng là một khái niệm rất chung chung, khó xác định.

Chính vì vậy, trong trường hợp này, để đảm bảo tính pháp lý của khoản tiền “bồi thường” mà Vinastas yêu cầu URC chi trả, cần phải xác định rõ đây là khoản tiền hỗ trợ người tiêu dùng Việt Nam do không có căn cứ thực hiện trách nhiệm “bồi thường ngoài hợp đồng” – như đã phân tích ở trên.

Có như vậy, khoản tiền trên mới được trao và nhận theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cần phải tiếp tục yêu cầu URC cam kết có trách nhiệm với người tiêu dùng (kể cả về chất lượng sản phẩm cũng như bồi thường thiệt hại) khi lợi ích của người tiêu dùng bị xâm phạm bởi các sản phẩm khuyết tật do URC sản xuất và phân phối.

Luật sư Trần Tuấn Anh

(Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch,

 Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội)

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến