Dòng sự kiện:
Xây dựng chiến lược tổng thể, nâng cao năng lực cạnh tranh
08/12/2018 11:03:19
TS. Bùi Tín Nghị cho rằng, cần nghiên cứu khả năng liên kết, sáp nhập và chuyển nhượng với các đối tác và các NHTM trong nước nhằm nâng cao năng lực tài chính, sức mạnh cạnh tranh...

Kinh nghiệm thực tiễn…

Mở rộng thị phần luôn là mục tiêu hàng đầu của mọi ngân hàng, trong đó thị phần nước ngoài cũng là tham vọng của không ít nhà băng. Nhằm hệ thống hoá một bức tranh tổng thể về đầu tư trực tiếp nước ngoài của NHTM Việt Nam thời gian qua, từ đó đưa ra khuyến nghị về hoạt động quản lý nhà nước đối với việc đầu tư ra nước ngoài của các NHTM... Đó là những vấn đề được bàn thảo tại Hội thảo “Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các NHTM - Thực tiễn và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam” do Viện Chiến lược ngân hàng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài Khoa học và Công nghệ cấp Bộ tổ chức ngày 6/12.

Trước khi đặt chân vào thị trường nào, các ngân hàng cần phải hiểu rõ về thị trường đó

Theo TS. Nguyễn Thị Hiền - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, những năm gần đây, nhiều NHTM đã mở chi nhánh, văn phòng đại diện, công ty con tại nước ngoài, nhiều nhất là ở thị trường khu vực Đông Dương. Cũng có những NHTM tìm kiếm địa bàn hoạt động ở những nước phù hợp với tiêu chuẩn và nguồn lực của mình. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các NHTM vẫn còn nhiều thách thức.

Điều đáng lo ngại đầu tiên theo bà Hiền chính là sự cạnh tranh trong môi trường quốc tế rất cao, đòi hỏi các NHTM Việt Nam phải chuẩn bị tốt các phương án cho hoạt động của mình, đảm bảo hoạt động ổn định, lành mạnh và hiệu quả. Hơn nữa, chi phí hoạt động tại nước ngoài cũng vô cùng tốn kém. Đó là chưa kể lĩnh vực cho vay nước ngoài nhiều rủi ro hơn cho vay trong nước bởi nguồn thông tin thường không được tiếp cận nhiều so với trong nước, cộng thêm việc chưa có hệ thống toà án quốc tế chính thức để đảm bảo tính hiệu lực cho các cộng đồng cũng như giải quyết khi xảy ra tranh chấp.

Thông tin sâu hơn về vấn đề này, TS. Bùi Tín Nghị - Giám đốc Học viện Ngân hàng, Chủ nhiệm đề tài cho biết, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát trực tiếp tại 3 quốc gia với 3 ngân hàng tiêu biểu: SHB Campuchia, NH Lào Việt và chi nhánh ngân hàng VietinBank tại Đức.

Đánh giá chung cho thấy, sức cạnh tranh của các NHTM Việt Nam đang từng bước được nâng cao, bắt đầu thu được kết quả kinh doanh khả quan khi đầu tư ra nước ngoài, thích nghi tốt với môi trường hoạt động tại nước ngoài, nỗ lực đáp ứng các yêu cầu pháp lý của nước sở tại. Đồng thời, hoạt động của các ngân hàng tại nước ngoài đã hỗ trợ đắc lực cho các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, quốc phòng, ngoại giao của Việt Nam. Bên cạnh đó, NHNN đã kết hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng được khuôn khổ pháp lý quy định chi tiết các thủ tục, cũng như xây dựng được mối quan hệ hợp tác song phương mật thiết với NHTW các nước bạn nhằm hỗ trợ đầu tư.

Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số vấn đề được nhóm nghiên cứu chỉ ra: Hoạt động chủ yếu dựa vào vốn của ngân hàng mẹ, nguồn vốn huy động từ thị trường nước bản địa còn nhỏ; khả năng mở rộng tín dụng sang các đối tượng khách hàng tại nước sở tại còn nhiều hạn chế. Vẫn còn có hiện tượng tập trung cho vay lớn đối với một hoặc một số khách hàng; kết quả hoạt động kinh doanh có hiệu quả chưa cao, đối mặt với nhiều rủi ro; hoạt động của các ngân hàng Việt Nam đầu tư ra nước ngoài mới chỉ đạt được hiệu quả tại các thị trường trong khu vực, khó tiếp cận các thị trường phát triển.

Các NHTM Việt Nam cũng thường gặp khó khăn trong việc đáp ứng các quy định pháp luật của nước sở tại và về vấn đề nhân sự; thiếu sự liên kết giữa các ngân hàng Việt Nam đang đầu tư tại nước ngoài. Chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với DN đầu tư ra nước ngoài nói chung và các ngân hàng đang đầu tư nói riêng còn nhiều hạn chế. Thêm nữa, NHNN hiện đang quản lý chi nhánh NHTM tại nước ngoài giống với các NHTM trong nước, trong khi đó thị trường nước ngoài mang nhiều yếu tố đặc thù phức tạp.

…và những khuyến nghị chính sách

Tại Hội thảo, các đại biểu đều nhận định tiềm năng phát triển hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các NHTM Việt Nam còn rất lớn. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, các NHTM Việt Nam tại nước ngoài sẽ là cầu nối giúp các DN Việt Nam dễ tiếp cận vốn vay, chuyển tiền về Việt Nam hoặc các dịch vụ khác mà các DN khó tiếp cận tại thị trường nước ngoài.

Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động này, TS. Bùi Tín Nghị cho rằng, cần nghiên cứu khả năng liên kết, sáp nhập và chuyển nhượng với các đối tác và các NHTM trong nước nhằm nâng cao năng lực tài chính, sức mạnh cạnh tranh. Bên cạnh đó, cần đầu tư phát triển mạng lưới chi nhánh, ATM, công nghệ hiện đại và nguồn nhân lực; xây dựng chiến lược quảng bá thương hiệu gắn liền nâng cao chất lượng dịch vụ; tăng cường ứng dụng CNTT và đảm bảo an ninh hệ thống.

“Cùng với đó tích cực xây dựng mạng lưới khách hàng thông qua các hình thức bán chéo, chú trọng nâng cao công tác quản lý và năng lực cán bộ. Tận dụng khoảng trống về cung cấp dịch vụ ngân hàng để phát triển sản phẩm mới”, ông Nghị cho biết.

Với NHTM, cần phải hiểu rõ bối cảnh đầu tư ra nước ngoài cả trên phương diện quốc gia, ngành và khả năng của ngân hàng mình. Một lời khuyên nữa là nên bắt đầu từ những thị trường quen thuộc, sau khi có kinh nghiệm và đủ mạnh mới mở rộng sang các thị trường phát triển hơn. Khi hướng tới một thị trường nào, nên thăm dò, từng bước tiếp cận thị trường bằng cách mở văn phòng đại diện, góp vốn liên doanh; hoặc góp vốn mua cổ phần đối với ngân hàng nước sở tại. Từ đó xác định thế mạnh của mình về sản phẩm dịch vụ của ngân hàng; và cần có chiến lược cụ thể, bước đầu có thể đi theo các DN trong nước.

Với hoạt động quản lý nhà nước, các đại biểu nhận thấy cần phối hợp để hài hoà hoá quy định quản lý giữa các quốc gia; xây dựng chiến lược phát triển kinh tế tổng thể về đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam. Đồng thời phát huy vai trò của Hiệp hội Ngân hàng, các tổ chức xúc tiến đầu tư và các đại sứ quán trong việc thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng.

Bên cạnh những lợi ích, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các NHTM vẫn còn nhiều thách thức. Điều lo ngại đầu tiên là sự cạnh tranh trong môi trường quốc tế rất cao, đòi hỏi các NHTM Việt Nam phải chuẩn bị tốt các phương án cho hoạt động của mình, đảm bảo hoạt động ổn định, lành mạnh và hiệu quả.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến