Sẽ bị cấm từ năm 2021?
Vào tháng 9-2018, UBND TPHCM đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ về việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê(1) do phát hiện nhiều trường hợp bên đòi nợ thuê sử dụng các hành vi vi phạm pháp luật nhằm đe dọa, quấy rối bên bị đòi nợ; thuê các nhân viên đòi nợ không đủ tiêu chuẩn và tư cách theo quy định. Tiếp theo, ngày 14-8-2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 61/NQ-CP trong đó có nội dung phải “có quy định chuyển tiếp áp dụng đối với quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ”. Trên cơ sở đó, dịch vụ đòi nợ đã được đưa vào danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh tại điểm h khoản 1 điều 6 của dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi và nếu được Quốc hội thông qua, dịch vụ đòi nợ sẽ bị cấm kể từ ngày luật này có hiệu lực, tức ngày 1-1-2021.
Điều đáng nói là các thỏa thuận, giao dịch về cung cấp dịch vụ đòi nợ có hiệu lực trước ngày 1-1-2021 cũng sẽ bị chấm dứt hiệu lực sau ngày này và các bên trong giao dịch được yêu cầu thực hiện các thủ tục nhằm thanh lý hợp đồng theo quy định pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan(2).
Hoạt động cụ thể nào trong dịch vụ đòi nợ có thể bị cấm?
Nghị định 104/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định dịch vụ đòi nợ gồm bốn hoạt động chính sau: (i) Đại diện chủ nợ để xác định các khoản nợ, các nội dung liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ của khách nợ; đôn đốc khách nợ trả nợ; thu nợ; (ii) Đại diện chủ nợ làm việc với tổ chức hoặc cá nhân có liên quan để thu nợ; (iii) Đại diện khách nợ để xác định các khoản nợ, biện pháp xử lý nợ với chủ nợ; và (iv) Tư vấn pháp luật cho chủ nợ hoặc khách nợ về việc xác định nợ; biện pháp, quy trình, thủ tục xử lý nợ.
Vậy trong các hoạt động liên quan đến dịch vụ đòi nợ nêu trên, hoạt động cụ thể nào sẽ bị cấm hay tất cả các hoạt động đều bị cấm? Quy định trong dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi là một quy định “cứng” nhằm cấm một cách triệt để toàn bộ hoạt động liên quan đến dịch vụ đòi nợ đang được hướng dẫn chi tiết tại Nghị định 104.
Ngoài ra, dường như dự thảo luật vẫn thiếu một quy định hướng dẫn chuyển tiếp đối với số phận pháp lý của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ sau ngày 1-1-2021. Điều đang được khá nhiều người quan tâm và thắc mắc là liệu doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ có phải chấm dứt hoạt động hoàn toàn hay phải chuyển đổi sang hình thức khác, khi mà các thỏa thuận, giao dịch cung cấp dịch vụ đòi nợ của họ với các bên cũng sẽ “buộc” phải chấm dứt theo quy định của dự thảo.
Có thể ảnh hưởng đến hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng
Thật vậy, không ít tổ chức tín dụng (TCTD) đang phải “phụ thuộc” khá nhiều vào các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ trong việc xử lý nợ xấu, đặc biệt là các khoản nợ không có tài sản bảo đảm. Nếu xem qua một vài hồ sơ của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ được đăng công khai trên các trang mạng, chúng ta dễ nhận ra đối tượng khách hàng chủ yếu và số lượng các khoản nợ họ đang xử lý phần lớn đến từ các ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng.
Khi một lượng nợ xấu đang được chuyển cho doanh nghiệp dịch vụ đòi nợ xử lý và đang trở thành “quy trình chung” trong công tác xử lý nợ xấu của nhiều TCTD cũng như các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ đang tham gia khá tích cực vào thị trường xử lý nợ xấu, nếu hoạt động này bị cấm thì các TCTD buộc sẽ phải nhận lại toàn bộ lượng nợ xấu này để xử lý và đương nhiên, họ sẽ phải thực hiện cơ cấu lạibộ máy tổ chức, nhân sự của mình, khi đó, thời gian cũng như hiệu quả của công tác xử lý nợ xấu sẽ khó tránh khỏi bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực.
Doanh nghiệp đòi nợ có thể tìm cách “lách luật”
Khi số phận pháp lý của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ vẫn còn bỏ ngỏ, có nhiều khả năng là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ sẽ không “ngồi yên chịu chết” mà sẽ tìm cách “lách” quy định cấm. Chẳng hạn như thành lập một doanh nghiệp mới với ngành nghề kinh doanh gần giống với hoạt động đòi nợ hoặc dưới hình thức “hỗ trợ đòi nợ”.
Xem xét danh mục hệ thống ngành nghề kinh doanh ban hành kèm theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta có thể thấy trong ngành nghề liên quan đến hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ (mã ngành từ 691 đến 69109) có ngành nghề “hoạt động pháp luật, hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật, hướng dẫn chung và tư vấn, chuẩn bị các tài liệu pháp lý, hoạt động pháp luật khác” có thể áp dụng một cách linh hoạt để thực hiện hoạt động “hỗ trợ đòi nợ”. Tuy nhiên, nội dung của ngành nghề này đã được quy định tại Luật Luật sư, vì vậy hình thức hoạt động cho ngành này sẽ phải tuân thủ theo Luật Luật sư.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng có thể đã tính đến phương án thành lập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cho thuê lại lao động (cung ứng lao động theo các mã ngành 782 và 783), theo đó, doanh nghiệp cung ứng lao động sẽ tiến hành cho thuê lại lao động là các nhân viên thực hiện công việc liên quan đến đòi nợ cho các TCTD hoặc tổ chức khác có nhu cầu.
Để tránh trường hợp “lách” luật có thể xảy ra và cũng nhằm xác định một khuôn khổ pháp lý rõ ràng đối với quy định cấm này một khi dự thảo luật được thông qua, Chính phủ sẽ phải hướng dẫn cụ thể thế nào là dịch vụ đòi nợ bị cấm, các hoạt động không phải là dịch vụ đòi nợ nhưng có liên quan đến đòi nợ có bị cấm hay không và các biện pháp chế tài cụ thể nếu xảy ra vi phạm.
Nên xác định lại phạm vi dịch vụ đòi nợ bị cấm
Từ những phân tích trên đây, chúng ta có thể thấy rằng việc cấm triệt để đối với dịch vụ đòi nợ chưa thật sự hợp lý nhìn từ góc độ pháp lý và cả góc độ kinh tế nói chung. Ngay từ ban đầu, đề xuất cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ xuất phát từ tình trạng biến tướng của các băng nhóm “xã hội đen” núp bóng công ty đòi nợ thực hiện các hành vi trái pháp luật như khủng bố khách nợ và cả người nhà khách nợ, gây mất an ninh trật tự xã hội.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần đánh giá một cách toàn diện đối với hoạt động của các công ty đòi nợ hiện nay, các mặt ưu điểm mà họ mang lại cho nền kinh tế nói chung và công tác xử lý nợ xấu nói riêng tại các TCTD cũng như đáp ứng nhu cầu cơ bản của các tổ chức, cá nhân khác trong việc giải quyết các khoản nợ tồn đọng khó đòi.
Do đó, để ngăn chặn các hành vi mất an ninh trật tự xã hội, phải chăng các nhà làm luật chỉ nên cấm một phần trong dịch vụ đòi nợ, ví dụ chỉ nên cấm hoạt động đòi nợ thực hiện tại nhà và nơi làm việc của khách nợ hoặc cấm không được tiếp xúc, tác động đối với người thân, người quen của khách nợ. Không nên cấm các hoạt động đòi nợ thuần túy như: liên hệ gọi điện thoại, gửi thư, gửi tin nhắn nhắc nợ; đại diện khách nợ để xác định các khoản nợ, biện pháp xử lý nợ với chủ nợ và tư vấn pháp luật cho chủ nợ hoặc khách nợ về việc xác định nợ, biện pháp, quy trình, thủ tục xử lý nợ.
Ngoài ra, các nhà làm luật cũng có thể nghiên cứu các biện pháp nhằm quản lý chặt chẽ hơn đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ như đặt ra các biện pháp chế tài mang tính răn đe mạnh hơn khi các doanh nghiệp này vi phạm hoặc nhân viên đòi nợ thực hiện các hành vi đe dọa, khủng bố tinh thần, bôi nhọ khách nợ hoặc người thân quen của khách nợ; yêu cầu nhân viên đòi nợ phải thường xuyên được tập huấn, đào tạo về chuyên môn cũng như quy định pháp luật về hoạt động đòi nợ.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy