Dòng sự kiện:
Xử vụ VIB Thái Nguyên: Đại diện VIB và luật sư tranh cãi “nảy lửa” tại phiên tòa
26/07/2016 14:27:39
ANTT.VN – Cho rằng phía Ngân hàng quốc tế (VIB) né tránh trách nhiệm, đổ lỗi hoàn toàn cho cán bộ do mình bổ nhiệm, luật sư bảo vệ bị can đã có màn chất vấn đại diện VIB và 2 bên đã tranh cãi nảy lửa ngay tại phiên tòa.

Tin liên quan

Vụ lừa đảo “khủng” với 95 hồ sơ tín dụng khống và bị hại lên đến hàng trăm người

Ngày 25/7/2016, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên mở phiên tòa xét xử vụ án “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra năm 2010-2012 tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) chi nhánh Thái Nguyên – Vụ án Vi Nghĩa Hà giai đoạn 2.

Trước đó, phiên xử đã được mở vào ngày 27/6/2016, song do vắng mặt 51/71 người được triệu tập nên đã bị hoãn.

Trụ sở VIB Phan Đình Phùng (ảnh minh họa)

Theo Kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Công an tỉnh Thái Nguyên ký ngày 13/11/2015, nguyên Giám đốc Phòng giao dịch Phan Đình Phùng (VIB Phan Đình Phùng - thuộc chi nhánh VIB tỉnh Thái Nguyên) Vi Nghĩa Hà (sinh năm 1977, HKTT tại tổ 6, phường Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên) bị kết tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Chỉ bằng một thủ đoạn từ đầu đến cuối là mua đất giá rẻ, chia ra nhiều mảnh đất nhỏ, nhờ người quen đứng tên giấy tờ đất và hồ sơ vay vốn ngân hàng với lý do cần tiền kinh doanh, cộng với sự giúp sức  của một nhóm cán bộ ngân hàng VIB Phan Đình Phùng mà Vi Nghĩa Hà đã giải ngân trót lọt 95 hồ sơ vay vốn tại ngân hàng này với số bị hại lên đến hàng trăm người.

Chỉ riêng 12 hồ sơ tín dụng (đã xét xử giai đoạn 1) được “dàn dựng”, Vi Nghĩa Hà và đồng bọn đã giải ngân được số tiền hơn 15 tỉ đồng. Điều đặc biệt ở chỗ: Vi Nghĩa Hà tự định đoạt sử dụng số tiền trên mà không chi lại phần nào cho đồng phạm, cán bộ tín dụng hay người đứng tên vay vốn. Theo phía các luật sư dự tính, nếu xem xét toàn bộ 95 hồ sơ thì số tiền bị gian dối có thể lên đến gần 100 tỉ đồng.

Tại bản án số 210/2015/HSPT ngày 28/5/2015 Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao xét xử vụ án Vi Nghĩa Hà giai đoạn 1 (xem xét 12 hồ sơ tín dụng giả mạo) đã tuyên nguyên giám đốc phòng giao dịch Vi Nghĩa Hà tù chung thân về 2 tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” quy định tại Điều 280 và 167 Bộ luật Hình sự.

Các bị can khác là đồng phạm với Hà bị kết án như sau: Bùi Văn Sĩ 10 năm tù giam, Ngô Quang Mạnh 20 năm, Nguyễn Đình Cường 5 năm, Hà Thị Thanh Thảo 4 năm.

Tại phiên xử giai đoạn 2 ngày 25/7, Hội đồng xét xử tiếp tục xem xét 37 hồ sơ tín dụng còn lại. (Trong số 95 hồ sơ thì giai đoạn 1 đã xét xử 12 hồ sơ, giai đoạn 2 xử 37 hồ sơ, 46 hồ sơ còn lại do người đứng tên có vay tiền thật, Vi Nghĩa Hà chỉ “vay ké” vào đó nên Hội đồng xét xử chuyển cho VIB để xử lý dân sự).

Trả lời thẩm vấn của Hội đồng xét xử ngày 25/7, Vi Nghĩa Hà khai do cần tiền trả gốc và lãi ngân hàng cho khoản vay trước đó cộng với cần tiền tiêu xài nên đã dùng thủ đoạn nói trên để lừa lấy tiền của ngân hàng.

Bị cáo Nguyễn Đình Cường, nguyên cán bộ tín dụng VIB Phan Đình Phùng bị đề nghị mức án 12 - 13 năm tù

Bị cáo khẳng định chỉ thuyết phục các nạn nhân và cấp dưới chứ không ép buộc, trù dập. Tuy nhiên, lời khai của cán bộ tín dụng Hà Thị Thanh Thảo lại chỉ ra rằng: Hà đã dùng quyền hạn giám đốc phòng giao dịch để ép buộc cấp dưới làm sai quy trình.

“Trong các cuộc họp anh Hà đều nói chỉ tiêu tuần này phải là bao nhiêu, giám đốc vùng vừa gọi cho anh, nếu các em mà không hoàn thành bị nghỉ việc thì anh không cứu được đâu. Bị cáo có biết làm như vậy là sai nghiệp vụ nhưng vì áp lực mưu sinh nên vẫn phải làm” – bị cáo Hà Thị Thanh Thảo khai.

Luật sư bảo vệ bị can và VIB tranh cãi “nảy lửa”

Trong phần chất vấn, luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh – Đoàn luật sư TP Hà Nội), luật sư bảo vệ cho bị can Vi Nghĩa Hà (giai đoạn 1) và Bùi Văn Sĩ (giai đoạn 2) đã chất vấn đại diện VIB về trách nhiệm của ngân hàng này khi để xảy ra một vụ lừa đảo lớn như vậy trong suốt 2 năm trời. Luật sư cho rằng vai trò kiểm soát của VIB ở đâu mà lại dễ dàng thẩm định 95 hồ sơ khống như vậy.

Đại diện ngân hàng VIB – ông Bùi Đức Quang (Giám đốc Phòng Thu hồi nợ KHCN - Khối Quản trị Rủi ro – Ngân hàng VIB) cho rằng: Việc kiểm soát nội bộ tại ngân hàng VIB diễn ra thường xuyên, cả định kỳ lẫn đột xuất. Tuy nhiên, do thủ đoạn của Hà và đồng bọn quá tinh vi nên không ngăm chặn kịp thời được.

Ông Quang cũng cho biết: Theo thống kê đến giờ, thiệt hại cho phía ngân hàng là khoảng 26 tỉ đồng (đối với 49 hồ sơ tín dụng đã và đang được xét xử). Còn số 46 hồ sơ đang xử lý dân sự thì chưa thống kê được thiệt hại.

Khi luật sư Tuấn Anh tiếp tục chất vấn ông Quang về trách nhiệm của ngân hàng VIB trong vụ việc do Vi Nghĩa Hà gây ra, Vi Nghĩa Hà là cán bộ do ngân hàng bổ nhiệm thì trách nhiệm giải quyết hậu quả của ngân hàng đến đâu, ông Quang đã từ chối trả lời.

Trao đổi với ANTT.VN, luật sư Trần Tuấn Anh chia sẻ: Vi Nghĩa Hà đã lạm dụng chức vụ giám đốc phòng giao dịch Phan Đình Phùng (thuộc VIB Thái Nguyên) để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Hà đã bị chính Ngân hàng của mình làm đơn tố cáo về hành vị trên.

“Nếu toàn bộ 95 hợp đồng tín dụng trên đều có hiệu lực pháp lý theo như khẳng định từ phía ngân hàng thì rõ ràng Vi Nghĩa Hà không có hành vi chiếm đoạt tài sản và các cơ quan tố tụng đang loại những hồ sơ do Hà lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tiền ra để ngân hàng VIB đi đòi người dân” (trường hợp 46 hồ sơ tín dụng được chuyển cho ngân hàng để xử lý dân sự) – LS Trần Tuấn Anh nói.

Tuy nhiên, trao đổi với ANTT.VN, ông Bùi Đức Quang chia sẻ: Nhận định của luật sư bảo vệ bị can là vô căn cứ. Ông Quang khẳng định VIB không né tránh trách nhiệm. Khi vụ việc xảy ra, VIB đã nghiêm khắc xử lý kỷ luật bằng hình thức sa thải cán bộ làm trái, đồng thời làm đơn đề nghị truy tố ra cơ quan công an, thời gian qua đã tích cực xử lý hậu quả…

“Nếu né tránh trách nhiệm, chúng tôi đã ỉm đi vụ việc để xử lý nội bộ, vì để dư luận biết những vụ việc như thế này cũng ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu của VIB” – ông Quang nói.

Trả lời câu hỏi của PV: Hiện nay Vi Nghĩa Hà bị kết án tù chung thân nên không có khả năng bồi thường về mặt dân sự, vậy những thiệt hại nhiều chục tỉ đồng đó ngân hàng xử lý như thế nào, ông Quang cho biết: Ngân hàng sẽ giải chấp số tài sản đảm bảo, ngoài ra trích từ Quỹ dự phòng rủi ro để xử lý.

Sáng nay 26/7, phiên tòa bước sang ngày làm việc thứ hai với diễn biến mới là đại diện Viện Kiểm sát đề nghị mức án giai đoạn 2 cho các bị can. Theo đó Vi Nghĩa Hà tiep tuc bị đề nghị mức tù chung thân, Ngô Quang Mạnh 20 năm, Bùi Văn Sỹ 14 - 15 năm, Nguyễn Đình Cường 12 - 13 năm, Hà Thị Thanh Thảo 11 - 12 năm, Thuyết 17 – 18 năm.

Điều đáng nói, theo luật sư, việc chia một hành vi phạm tội của vụ án thành 2 giai đoạn mà các cơ quan tố tụng của tỉnh Thái Nguyên đang làm cũng là một việc chưa có tiền lệ, gây nhiều bất lợi cho các bị cáo, bị can. Theo cách xử này, ngoài Vi Nghĩa Hà bị chung thân, các bị can còn lại người chịu cao nhất kịch khung là 30 năm (như bị cáo mạnh), hoặc chịu 25 năm cho một tội danh có khung hình phạt tối đa là 20 năm tù (như bị cáo Sỹ).

Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra trong 3 ngày 25, 26, 27/7/2016.

ANTT.VN sẽ tiếp tục thông tin…

Minh Minh

 

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến