Dòng sự kiện:
Báo động chất lượng kế toán
10/04/2018 21:00:24
Dường như đã trở thành thông lệ, cứ đến mùa báo cáo kiểm toán tổng kết năm tài chính, nhiều hạn chế trong công tác báo cáo kế toán của các DN niêm yết lại được phơi bày.

Trong đó hiện tượng DN chuyền từ lãi sang lỗ hay sụt giảm lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng vẫn thường xuyên xảy ra.

Đáng chú ý, căn bệnh này giờ không chỉ xảy ra giới hạn ở các DNNVV mà đã lan rộng sang các tập đoàn lớn, có thương hiệu và bấy lâu nay nhận được nhiều uy tín trên thị trường. Vậy câu hỏi được đặt ra là vì sao năng lực quản trị tài chính và chất lượng của những kế toán viên, kế toán trưởng hay giám đốc tài chính đang có nhiều vấn đề đến thế? Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần có những động thái nào để “phẫu thuật” triệt để khối u gây nhiều bức xức này?

Tiêu biểu các trường hợp sụt giảm mạnh lợi nhuận sau kiểm toán là trường hợp của đại gia thủy sản Hùng Vương. Từ khoản lỗ chỉ 63 tỷ đồng cho năm tài chính 2016- 2017 do công ty tự lập thì con số này đã tăng mạnh 11 lần lên 705 tỷ đồng sau khi kiểm toán nhảy vào điều tra.

Ở Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG), lợi nhuận sau thuế hậu kiểm toán giảm mạnh đến 64% so với báo cáo tự lập, xuống chỉ còn 372 tỷ đồng. Lý do lớn nhất giải thích cho thay đổi trước và sau kiểm toán là việc gia tăng chi phí dự phòng các nợ khó đòi. Thậm chí báo cáo kiểm toán cũng đưa ra ý kiến ngoại trừ về khả năng thu hồi gần 4.024 tỷ đồng khoản phải thu từ các bên liên quan do không đủ “thông tin” để xác định.

Bên cạnh đó, kiểm toán viên cũng cần nhấn mạnh đến các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn khi vốn lưu động âm 3.563 tỷ đồng và đã vi phạm một số điều khoản của các khoản vay và trái phiếu. Giá cổ phiếu HAG đã giảm sàn ngay sau khi thông tin về kiểm toán được công bố.

Hay như ở CTCP Đầu tư xây dựng Lương Tài, lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán gần như biến mất khi giảm từ 1,87 tỷ đồng trước đó xuống còn vỏn vẹn 37 triệu đồng. Tổng công ty thép Việt Nam cũng tương tự, khi các kiểm toán viên hạ mạnh lợi nhuận ròng do công ty tự lập trước đó hơn 108 tỷ đồng do khá nhiều các khoản mục chi phí tăng mạnh...

Sự hụt hẫng của các nhà đầu tư không chỉ giới hạn trên thị trường cổ phiếu niêm yết mà còn nằm ở các DN đã thực hiện IPO. Sau vụ việc Sabeco bị Bộ Tài chính đòi truy thu hàng nghìn tỷ đồng cổ tức chưa chi trả giai đoạn trước thì đến lượt Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) mới đây công bố lợi nhuận cho năm 2017 giảm mạnh đến 950 tỷ đồng so với con số được công bố trước thời điểm IPO vào tháng 1 vừa qua.

Còn nhớ ở đợt IPO lúc đó, toàn bộ cổ phần BSR trong đợt IPO đã được bán hết với mức giá thấp nhất 20.800 đồng/cổ phần, cao hơn mức giá khởi điểm lên đến 42,5%. Mức giá bình quân lên đến 23.043 đồng/cổ phần, cao hơn 57,8% giá khởi điểm. Tổng giá trị cổ phần bán được lên tới 5.566 tỷ đồng, cao gấp rưỡi so với dự kiến. Liệu các nhà đầu tư đã lỡ đặt mua giá cao đối với BSR trước đây có cảm thấy hối tiếc?

Thực chất báo cáo tài chính là nơi mà các DN, các cổ đông nội bộ dễ dàng kiểm soát, điều chỉnh theo toan tính của mình. Trong đó, khoản mục thường được các DN khống chế trong báo cáo tự lập là chi phí trích lập dự phòng các khoản phải thu, dự phòng nợ khó đòi. Giá trị hàng tồn kho cũng thường được thổi phồng để có lợi thế về quy mô tài sản. Những chi phí ẩn giấu này chỉ đến khi kiểm toán tham gia mới được điều chỉnh về mức phù hợp với các quy định, chuẩn mực kế toán hiện có và tất nhiên, khiến lợi nhuận không còn “hồng hào” giống DN tự công bố trước đó.

Nhưng có một điều chắc chắn là phần thiệt lại thuộc về các cổ đông bên ngoài, những người không nắm được thông tin nhanh chóng như các cổ đông nội bộ - vốn có thể đã kịp hành động, tất toán tài khoản trước khi thông tin được công bố!

Vì thế, trách nhiệm của Ủy Ban chứng khoán Nhà nước là phải làm thế nào để xử lý được căn bệnh nan giải này, phải có chế tài đủ mạnh cho các hành vi mang dấu hiệu thao túng thông tin hòng mang lại lợi thế cho nhóm nhỏ các cổ đông. Chỉ khi nào khắc phục được vấn đề này, thị trường chứng khoán Việt mới trưởng thành hơn và nhất là đủ điều kiện gia nhập vào nhóm các thị trường mới nổi (emerging markets).

Theo Thời báo Ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến