Dòng sự kiện:
Báo nước ngoài bất ngờ với cụ bà Việt Nam 97 tuổi thành thạo máy tính
27/05/2017 20:27:41
Cụ bà 97 tuổi người Việt Nam sử dụng thành thạo Skypes, Facebook, say mê vẽ tranh và viết lách đã khiến truyền thông nước ngoài vô cùng bất ngờ và ngưỡng mộ.

Cụ bà Lê Thi. Ảnh: C.N.A

Mới đây, trang Channel News Asia có trụ sở tại Singapore đã có một bài viết cùng những hình ảnh và video về cụ bà Lê Thi, 97 tuổi, ở Hà Nội, Việt Nam. Ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng cụ bà Lê Thi sử dụng thành thạo máy tính cũng như các ứng dụng trên mạng xã hội và là tác giả của nhiều cuốn sách cùng hơn 2.000 bức tranh.

 

Học dùng máy tính vì muốn viết hồi ký

Thoạt nhìn, cụ bà Lê Thi, 97 tuổi, giống như rất nhiều cụ bà cao tuổi khác, gần như rụng hết răng, lưng còng vì tuổi tác và phần lớn thời gian bà nằm trên giường và nhai trầu. Nhưng ở tuổi xưa nay hiếm, bà có niềm đam mê đặc biệt với viết lách, vẽ tranh. Bà rất vui vẻ trò chuyện về cuộc sống cách đây hơn nửa thế kỷ, về việc nói chuyện với cháu nội đang sống tại Mátxcơva qua Skype và việc cụ viết cuốn sách vào năm 87 tuổi.

 

Cụ bà Lê Thi và cháu nội. Ảnh: C.N.A

“Nếu có 10 điều tôi chưa biết thì tôi muốn học càng nhiều càng tốt. Tôi đã từng là một đứa trẻ thất học”, bà nói.

Ở tuổi 97, bà cập nhật tin tức hàng ngày qua Google và Yahoo. Bà cũng tích cực cập nhật trang Facebook cá nhân của mình, giữ liên lạc với gia đình, bạn bè qua Facebook cũng như Skype. Bà thường vào các diễn đàn văn học và để lại những ý kiến bình luận.

Bà Lê Thi bắt đầu học sử dụng máy tính từ năm 2007 vì muốn viết hồi ký về cuộc đời mình nhưng tuổi tác không cho phép bà viết bằng tay tốt như trước. “Tay tôi run rẩy còn mắt thì nhìn mọi thứ không rõ”, bà nói.

 

Cháu gái bà Lê Thi mang đồ ăn cho bà. Ảnh: C.N.A

Cụ bà 97 tuổi đã phải “đấu tranh” để có laptop và để cháu nội dạy bà cách gõ bàn phím. Ba năm sau ngày bắt đầu học sử dụng máy tính, năm 2010, cụ bà Lê Thi đã cho ra mắt cuốn tự chuyện dài 600 trang mang tên “Ngược dòng”.

Lượt truy cập số trên mạng của cụ bà Lê Thi đã thu hút được nhiều người hâm mộ và đặt biệt danh cho bà là “Quý bà tuổi teen”, “Trẻ mãi không già”. Bà mỉm cười nói: “Mặc dù tôi gần 100 tuổi nhưng tâm hồn của tôi luôn 20 tuổi”.

Chống lại “định mệnh” để học chữ 

 

Cụ bà Lê Thi rất say mê viết lách và vẽ tranh. Ảnh: C.N.A

Bà Lê Thị sinh năm 1920 và là con thứ 8 trong gia đình mà vào thời điểm đó sự trọng nam khinh nữ trong xã hội còn khá nặng nề. Là con gái nên là bà Lê Thi không có quyền đi học dù cha bà là thầy giáo.

Nhưng bà lại rất say mê vẽ tranh và học chữ. “Khi nhìn thấy cha và các anh đọc sách, tôi không thể để mình mãi mù chữ. Tôi không chấp nhận định mệnh của mình. Những gì một người đàn ông có thể làm tôi cũng muốn làm”, bà nói.

Bị cấm cản nên bà tìm cách tự học viết và học vẽ trong bí mật. “Cha tôi có rất nhiều sách. Tôi trùm chăn để đọc vào ban đêm. Tôi cũng đốt cành cây dùng than để viết và vẽ mọi thứ”, bà nói.

 

Cụ bà Lê Thi và các con cháu. Ảnh: C.N.A

Sau đó bà gia nhập Việt Minh tham gia kháng chiến chống Nhật, chống Mỹ. Trong thời gian này, bà gặp và kết hôn với chồng bà. Không may, 17 tháng sau ngày cưới, chồng bà qua đời trong một trận bom. Bà và người chồng đã khuất có một người con trai duy nhất.

Sau chiến tranh, bà Lê Thi làm vô số nghề khác nhau từ làm nghề chăn nuôi, làm việc ở công trường xây dựng đến làm nghề thêu nhưng bà không bao giờ từ bỏ niềm đam mê học tập. Và giờ đây, khi tuổi đã cao, bà vẫn tiếp tục niềm đam mê đọc, viết, lướt web và vẽ tranh của mình. Bà tự hào về người con trai duy nhất và ba người cháu nội đều đã hoặc tiếp tục theo học sau đại học.

Tác giả của 50 cuốn sách và hơn 2.000 bức tranh

 

Cuốn hồi ký của bà Lê Thi mang tên "Ngược dòng". Ảnh: C.N.A

Một bức tranh của cụ bà Lê Thi. Ảnh: C.N.A

Bà Lê Thi đã hoàn thành “hơn 2.000 bức tranh” và đã viết khoảng 50 cuốn sách và nhật ký. Hầu hết các bức tranh đều được bà giữ lại chứ không bán. Hiện cụ bà 97 tuổi vẫn đang ấp ủ một dự án sách lớn mang tên “The Whirl of Life” (Tạm dịch: Vòng xoáy cuộc đời). “Tôi viết về những suy nghĩ của tôi về cuộc sống hiện đại”, bà nói. 

“Thế giới đang quay cuồng chạy theo chủ nghĩa vật chất. Mọi người nghĩ rằng tiền có thể mang lại hạnh phúc. Nhưng đối với tôi hạnh phúc là tự do, hạnh phúc là tri thức và hạnh phúc là khoa học”, bà Lê Thi chia sẻ.

Bà Lê Thi thừa nhận, ở tuổi của bà việc viết lách không còn dễ dàng như trước. Bà từng thức cả đêm để viết nhưng hiện tại chỉ sau hai giờ bà đã mệt mỏi. Tuy nhiên, bà sẽ không từ bỏ việc viết cuốn sách này cho dù phải mất thêm 10 năm nữa.

Ảnh: C.N.A

“Tôi muốn truyền lại những hiểu biết của mình cho con cháu tôi”, bà nói. Cụ bà 97 tuổi khẳng định: “Trong kiến thức của con người có hàng triệu triệu điều mà tôi mới biết có một. Nhưng có lẽ tôi sống một trăm năm nữa tôi vẫn còn ước ao biết thêm thứ gì đó”.

Theo Lao Động

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến